Thứ Hai, 24/12/2012 23:38

Du lịch và nông nghiệp nào cho Phú Quốc?

Phú Quốc là một hòn đảo đẹp, có nhiều tiềm năng để phát triển, phát triển du lịch chất lượng cao nói riêng. Sự tương đương về diện tích giữa đảo và đảo quốc Singapore chắp cánh cho nhiều hoài bão đối với Phú Quốc. Đó là điều tôi cảm nhận từ hội nghị bàn về phát triển đảo tháng 9.2001.

Định hướng phát triển

Phú Quốc là một hòn đảo đẹp, có nhiều tiềm năng để phát triển, phát triển du lịch chất lượng cao nói riêng. Sự tương đương về diện tích giữa đảo và đảo quốc Singapore chắp cánh cho nhiều hoài bão đối với Phú Quốc. Đó là điều tôi cảm nhận từ hội nghị bàn về phát triển đảo tháng 9.2001.

Ngày 5.10.2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 178 phê duyệt Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2010. Ngày 11.5.2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 633 phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc đến năm 2030.

Trong mười năm qua, Phú Quốc đã có bước phát triển rõ nét về cơ sở hạ tầng phục vụ mục tiêu nói trên. Nhiều khách sạn và resort hạng ba, bốn sao đã được xây dựng. Lượng khách du lịch nước ngoài và trong nước đến đảo tăng nhanh. Đường bay Thành phố Hồ Chí Minh – Phú Quốc với khoảng 15 chuyến mỗi ngày hiện nay là một tuyến bay có tỷ suất lợi nhuận đáng kể cho ngành hàng không. Một sân bay quốc tế vừa được đưa vào hoạt động ngày 15.12.2012. Kinh tế của đảo theo đà đó cũng đã lên theo. Bộ mặt của đảo thay đổi khá rõ.

Tuy nhiên đã nảy sinh những biểu hiện của một sự phát triển nhanh theo chiều rộng mà nếu không kịp thời quản lý, sẽ gây tổn hại cho môi trường tự nhiên và kinh tế xã hội của đảo.

Khá nhiều dự án đầu tư đã được đệ trình, để thực sự đầu tư cũng có, để chờ thời hoặc “bán lại” dự án đã được cấp giấy phép cũng không ít. Hoạt động kinh doanh bất động sản có lúc đã nở rộ, nhất là ở những nơi đắc địa hoặc nằm trong quy hoạch được dự trù, mà hệ quả là việc sử dụng đất, khai thác rừng đôi lúc vượt tầm quản lý ở một số nơi.

Vấn đề phát triển bền vững đảo Phú Quốc trên cơ sở phát huy các thế mạnh của đảo, trong đó có khu dự trữ sinh quyển cần được bảo tồn và phát huy, được đặt ra một cách cụ thể, bức thiết hơn bao giờ, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Những thay đổi trên đảo trong mười năm qua

Trong những thay đổi trên đảo, có thể kiểm chứng qua ảnh vệ tinh, rõ nét nhất là rừng đã mất đi khá nhiều: ở cực Bắc đảo, xung quanh thị trấn Dương Đông, trong lưu vực của Rạch Hàm Ninh. Trong lưu vực của Suối Thầy, rừng trong lưu vực của suối Tranh hầu như mất trắng với việc xây dựng sân bay quốc tế mới (hình 1). Rừng quanh hồ nước Dương Đông thưa đi và loang lổ khá nhiều chỗ.

Hình1. Sân bay quốc tế và lưu vực Suối Tranh

Phú Quốc là một khu dự trữ sinh quyển phong phú và đặc sắc, trong đó rừng là một thành tố cực kỳ quan trọng trong mối quan hệ giữa sinh quyển với thủy quyển, khí quyển và thạch quyển.

Do địa hình của đảo, các sông, rạch, suối không dài, có độ dốc đáng kể. Mất rừng, lớp đất phong hóa bị xói mòn và rửa trôi; tầng nước ngầm bề mặt sẽ tụt xuống sâu; dòng chảy lúc cạn kiệt, lúc dồn dập hơn lúc còn rừng; đầm phá và các cửa sông từ đó đã biến động sâu sắc.

Hình ảnh chụp được tại Cửa Cạn, Cửa Lấp cho thấy đã có những biến đổi đáng kể. Tại rừng ngập mặn Rạch Tràm, tràm trước đây xanh tươi đến gần cửa biển nay trở nên xơ xác. Tại Cửa Cạn, một dải cát dài vẫn còn đến năm 2009, đã bị xói lở mất hoàn toàn năm 2011 (hình 4).

Hình 4. Biến động địa hình tại Cửa Cạn giữa hai thời điểm 14.01.2009 và 17.02.2011

Phân tích số liệu mưa tại trạm Phú Quốc trong các năm 1985 – 2011 cho thấy tổng lượng mưa năm có xu hướng giảm, bình quân -19,8 mm/năm trong 27 năm này. Diện tích rừng giảm chắc không xa lạ với việc sụt giảm này.

QĐ 178 muốn phát triển nông, lâm nghiệp của đảo Phú Quốc theo hướng bảo vệ tài nguyên rừng phục vụ du lịch sinh thái; phát triển nông nghiệp chủ yếu theo hướng sạch, chất lượng cao phục vụ du lịch; muốn bảo vệ nghiêm ngặt rừng nguyên sinh quý của đảo Phú Quốc, phát triển đa dạng sinh học, và nhiều mong muốn khác nữa(2). Nhưng chỉ với 57 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, gần 3.400ha sẽ được khai phá(3).

Ảnh vệ tinh cho thấy rõ đất dự án là các bãi biển, các giồng cát ven biển, các vùng đồi, ven sông suối… ở những vị trí rất “đắc địa” (hình 2, 3 và 4).

Hình 2. Xây dựng trên đất giồng Bãi Sao

Hình 3. Xây dựng trên đất giồng phía Tây Nam đảo

Phát huy thế mạnh để phát triển bền vững

Với diễn tiến như hiện nay, liệu môi trường, cảnh quan và dự trữ sinh quyển của đảo có bị mai một hay không, và với quy mô, tốc độ nào?

Hướng đi nào để Phú Quốc phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu, kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn trong thời gian tới?

Điều cần khẳng định là hai tài nguyên thiên nhiên mang tính sống còn của Phú Quốc phải được bảo vệ là nước và rừng gắn liền với nhau, và hai thế mạnh có cơ sở để tạo dựng vì sự phát triển bền vững của đảo là du lịch sinh thái thân thiện với môi trường và một nền nông nghiệp sạch và đặc thù.

Phải kiểm tra trước tiên diện tích rừng thực sự còn là bao nhiêu, với sinh khối ra sao, bởi lẽ, nhiều nơi được quy hoạch là đất rừng hiện không còn rừng nữa. Tái tạo lại rừng hay tiếp tục mất rừng?

Vấn đề quan trọng hàng đầu ở Phú Quốc là nguồn nước. Theo quy hoạch, sẽ xây dựng 5 hồ, trong đó có chuỗi hồ chứa nước Cửa Cạn, dựa trên các sông rạch hiện có, để giải quyết vấn đề nước ngọt mà quy hoạch đề ra.

Nguồn nước đi liền với rừng. Ngoài việc xem xét lại báo cáo đánh giá tác động môi trường của từng dự án xây dựng các hồ đập, thì giữ chất lượng rừng đầu nguồn và quanh hồ Dương Đông là một phép thử đối với năng lực quản lý nhà nước, một điều kiện không thể thiếu về tính khả thi và sự bền vững của các hồ khác sẽ xây dựng.

Cần phát triển lâm nghiệp, nông nghiệp theo hướng đa dạng sinh học, tạo cảnh quan, môi trường phục vụ phát triển du lịch, đáp ứng một phần nhu cầu dân sinh tại chỗ và khách vãng lai, QĐ 178 chỉ thị như vậy. Nhưng còn phải đưa vào quy hoạch sử dụng đất của huyện đảo để nông nghiệp có chỗ đứng và có chính sách để cho nó phát triển trước sức ép của phát triển du lịch cao cấp.

Với những sản phẩm đặc thù và đã nổi tiếng của đảo, thiết nghĩ Phú Quốc có điều kiện để sản xuất nông nghiệp chất lượng cao và đặc thù của đảo, kết hợp với xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm của Phú Quốc như nước mắm, tiêu sọ, rượu sim, rượu mỏ quạ, dược phẩm… làm cho chất lượng ngày càng cao và ổn định, sản phẩm nổi tiếng và có uy tín thêm.

Lấy sản xuất nông nghiệp chất lượng cao làm một mũi nhọn của phát triển bền vững của đảo, Phú Quốc nên chọn phương châm không xuất nông, lâm, hải sản ra khỏi đảo chưa qua chế biến.

Một mô hình phát triển nông nghiệp như vậy tương thích với môi trường tự nhiên, với phát triển du lịch. Với mô hình này, người nông dân Phú Quốc sẽ bám rễ trên mảnh đất quê hương và đời sống đi lên cùng với đảo.

Có nhiều loại hình du lịch: tắm, nghỉ dưỡng biển, thể thao, vui chơi giải trí, đặc biệt là một số hình thức vui chơi giải trí cao cấp… và du lịch sinh thái.

Cần làm rõ nội hàm của du lịch sinh thái để không có những ngộ nhận dẫn tới hủy diệt sinh thái, xâm hại cảnh quan sau một thời gian khai thác.

Trong các loại hình du lịch vừa kể trên, nhiều người mường tượng ra các loại hình “hái ra tiền nhiều và nhanh”, đôi khi nhắm mắt trước những tác hại về môi trường tự nhiên và xã hội. Ít người tự hỏi loại hình nào tự nó đi lên với nguồn lực của đảo và ít chịu tác động nhất của khó khăn, khủng hoảng kinh tế.

Phú Quốc có điều kiện để phát triển du lịch sinh thái đúng nghĩa, thân thiện với môi trường tự nhiên và cảnh quan vốn có, tiêu dùng nông sản sạch của đảo, với sự tham gia tích cực của người dân trên đảo.

Cho dù kinh tế trong nước và toàn cầu có khó khăn, du khách không đến nhiều như trước, tiêu xài được tính toán kỹ hơn, với hướng phát triển du lịch này, Phú Quốc vẫn đi lên từ nguồn lực của chính mình một cách bền vững.

Có thể thấy hai mô hình phát triển nông nghiệp và du lịch trên đây không mâu thuẫn nhau mà cộng sinh, tựa vào nhau để cùng phát triển.

Người dân của đảo không đứng ngoài hai mô hình. Khi người dân của đảo là tác nhân chủ lực và là người được thừa hưởng kết quả của hai mô hình thì việc hạn chế, tiến dần đến chấm dứt việc khai thác bừa bãi rừng, san hô, cỏ biển, các loại cây dược liệu quý của đảo và việc thực hiện chủ trương không xuất thô nông sản của đảo là hoàn toàn khả thi.

Cuối cùng, bãi biển là tài sản công. Trong điều kiện bình thường, các nước không cấp phép xây dựng khách sạn và resort sát bãi biển và chiếm hữu bãi biển. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng lại cần làm như thế.

Thiết nghĩ nên ngừng cấp phép xây dựng các khách sạn trên các bãi biển, tiến tới giải tỏa các bãi biển. Tỉnh Khánh Hòa đã bắt đầu thực hiện chủ trương này. Cơ bản hơn nữa, Nhà nước xem xét ban hành Luật bờ biển như nhiều nước đã ban hành.

______________

1. Nội dung bài viết này là một phần của báo cáo Để Phú Quốc phát triển bền vững, trình bày tại hội thảo quốc tế Bảo tồn và phát huy Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang – Việt Nam, ngày 16.12.2012, Dương Đông, Phú Quốc.

2. Quyết định 178/2004/QĐ-TTg ngày 05.10.2004, Điều 3, khoản 3.

3. Báo cáo của UBND tỉnh Kiên Giang về Tình hình thực hiện Quyết định 178, số 158 ngày 12.9.2011.

Nguyễn Ngọc Trân

đại biểu nhân dân

Các tin tức khác

>   Phương án cổ phần hóa 2 Tổng công ty Mía đường (24/12/2012)

>   Tìm “cửa” vào thị trường mới (24/12/2012)

>   Khó khăn của cá tra không phải từ tín dụng (24/12/2012)

>   Hiệp hội lo không xuất được đường (24/12/2012)

>   Xuất khẩu hàng công nghệ tăng mạnh nhờ doanh nghiệp FDI (24/12/2012)

>   Xuất siêu trở lại sau gần 20 năm (24/12/2012)

>   Chỉ số tồn kho “chốt” ở mức tăng 20,1% (24/12/2012)

>   Vì sao lợi nhuận của VNPT… “tuột dốc”? (24/12/2012)

>   Lãi 27 nghìn tỷ đồng, Viettel vượt xa VNPT (24/12/2012)

>   Việt Nam tiếp tục xuất siêu mạnh sang Tây Ban Nha (24/12/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật