Chỉ số tồn kho “chốt” ở mức tăng 20,1%
Chỉ số tồn kho tại thời điểm 1/12/2012 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 20,1% so với cùng thời điểm năm trước, theo báo cáo vừa được Tổng cục Thống kê công bố chiều nay (24/12).
Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao - Nguồn: Tổng cục Thống kê
|
“Đóng góp” vào con số không mấy vui vẻ này là một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao như sản xuất xe có động cơ tăng 76,6%, sản xuất dây, cáp điện (56,8%), sản xuất bia (44,5%), sản xuất thuốc lá (42,2%), sản xuất mô tô, xe máy (42,1%),…
Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hoặc giảm là chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa tăng 9,2%, sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục) tăng 7,1%, sản xuất giày, dép (6,6%), sản xuất vật liệu xây dựng từ đất sét (3,6%), sản xuất sợi (1,4%),…
Thống kê cũng cho thấy tỷ lệ giá trị hàng tồn kho tại thời điểm 1/12/2012 so với giá trị sản xuất ước tính cả năm 2012 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là 6,9%, trong đó một số ngành có tỷ lệ giá trị hàng tồn kho cao như chế biến và bảo quản thuỷ sản 12,3%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu 10,6%; sản xuất phân bón và hợp chất nitơ 9,5%; sản xuất xe có động cơ 9,1%.
Một chỉ số quan trọng khác của nền kinh tế là chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 12/2012 ước tính tăng 5% so với tháng trước và tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung cả năm 2012, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,8% so với năm 2011, trong đó công nghiệp khai khoáng tăng 3,5%, đóng góp 0,7 điểm phần trăm vào mức tăng chung của toàn ngành; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,5%, đóng góp 3,2 điểm phần trăm; sản xuất, phân phối điện, khí đốt tăng 12,3%, đóng góp 0,8 điểm phần trăm; cung cấp nước, quản lý và xử lý nước thải, rác thải tăng 8,4%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.
Một số ngành công nghiệp có mức sản xuất tăng cao so với năm 2011 là đóng tàu và cấu kiện nổi tăng 136,7%; sản xuất thiết bị truyền thông tăng 48,3%; sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ tăng 39,6%; sản xuất linh kiện điện tử tăng 23,7%; sản xuất pin và ắc quy tăng 18%; …
Trong khi đó, một số ngành có mức tăng thấp hoặc giảm so với năm 2011 là: May trang phục (trừ trang phục từ da lông thú) tăng 2,3%; sản xuất sắt, thép, gang tăng 2,2%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 1,3%; sản xuất thiết bị điện tăng 0,3%; sản xuất vải dệt thoi giảm 0,8%; …
Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo mười một tháng năm 2012 so với cùng kỳ năm trước tăng 3,6%. Các ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao là: Sản xuất đường tăng 112,5%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 34,2%; sản xuất thiết bị truyền thông tăng 29,2%; chế biến và bảo quản thủy sản tăng 23,1%; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm tăng 21,7%; sản xuất cấu kiện kim loại tăng 10,7%; may trang phục tăng 7,8%; sản xuất mì ống, mì sợi tăng 6,5%.
Hoài Ngân
tbktvn
|