Thứ Hai, 24/12/2012 18:42

Xuất siêu trở lại sau gần 20 năm

Năm 2012, xuất siêu ước 284 triệu USD, đánh dấu năm đầu tiên Việt Nam xuất siêu hàng hóa kể từ năm 1993...

Trong tình hình kinh tế hiện nay, việc hoạt động xuất nhập khẩu đạt xuất siêu nhìn chung đã có tác động tốt đến việc cải thiện cán cân thanh toán cũng như kiềm chế lạm phát.

Ước tính kim ngạch nhập khẩu tháng 12/2012 đạt 10,6 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch nhập khẩu ước tính năm 2012 đạt 114,34 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu tăng khoảng 18%

Kim ngạch xuất khẩu năm 2012 ước tính đạt 114,6 tỷ USD, tăng 18% (17,7 tỷ USD) so với 2011, trong đó khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 72,29 tỷ USD, tăng 31% (17,2 tỷ USD), khu vực doanh nghiệp trong nước ước đạt 42,3 tỷ USD, tăng 1,3% (552 triệu USD).

Số liệu trên cho thấy, xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2012 đạt tốc độ tăng khá cao, tình hình xuất khẩu của Việt Nam vẫn khả quan trong bối cảnh suy giảm nền kinh tế toàn cầu có dấu hiệu phục hồi nhưng không vững chắc và không đồng đều giữa các quốc gia.

Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng tăng so với năm 2011 gồm: chất dẻo nguyên liệu tăng 66% (158 triệu USD), điện tử máy tính và linh kiện tăng 69% (3,2 tỷ USD), điện thoại các loại và linh kiện tăng 98% (6,24 tỷ USD).

Về cơ cấu nhóm hàng, so với năm 2011, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản tăng mạnh nhất với 49,9%, đây cũng là nhóm hàng chiếm tỷ trọng cao 45,1%. Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước chiếm 34,1%, giảm 18 triệu so với cùng kỳ. Nhóm hàng nông, lâm sản chiếm 15,4%, tăng 18%. Hàng thuỷ sản chiếm 5,4%, tăng 0,7%.

Nhìn vào cơ cấu mặt hàng và nhóm hàng xuất khẩu có thể thấy rằng các mặt hàng xuất khẩu chứa hàm lượng công nghệ cao (máy ảnh, máy tính, máy quay phim,…) chủ yếu vẫn là sản phẩm của các doanh nghiệp FDI.

Nhóm hàng nông lâm sản có tăng song ở mức thấp hơn nhiều so với các mặt hàng thuộc nhóm hàng công nghiệp nặng. Các mặt hàng rau quả tăng 28,3%, hạt điều tăng 0,5%, cà phê tăng 33,9%, chè tăng 10,6%, gạo tăng 0,9% và thuỷ sản là một trong những mặt hàng được phát triển mạnh tại Việt Nam song lại có mức tăng thấp 0,7%.

Đặc biệt, trong năm 2012, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đã đạt được kết quả khá tốt do giá hạt tiêu trên thị trường thế giới tăng. Mặc dù, sản lượng giảm 4,2% song về trị giá xuất khẩu của mặt hàng này vẫn đạt mức tăng trưởng là 10,4%. Hiện Việt Nam đang là nước đứng đầu về xuất khẩu hạt tiêu và chiếm trên 50% thị trường thế giới. Song đó chỉ là một hiện tượng đơn lẻ.

Một thực tế cho thấy là hầu hết các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam tuy dẫn đầu về xuất khẩu trên thế giới nhưng vẫn chưa có thế mạnh và vị trí vững chắc trên thị trường thế giới.

Các mặt hàng nông sản xuất khẩu chỉ có thể cạnh tranh về giá và chỉ có ưu thế khi xuất khẩu sang các nước không đòi hỏi quá gắt gao về chất lượng và độ tinh chế hoặc xuất khẩu các mặt hàng này sang các nước như là một nguyên liệu đầu vào để rồi chỉ qua quá trình tinh chế thêm và đóng gói lại được xuất khẩu sang các thị trường “khó tính” như Mỹ, các nước EU,… với giá trị lớn hơn nhiều so với sản phẩm sản xuất tại Việt Nam chẳng hạn như mặt hàng chè và cà phê.

Về thị trường, ước tính năm 2012 EU vươn lên là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 20,3 tỷ USD, tăng 22,5% (3,7 tỷ USD) so với cùng kỳ, do tỷ trọng một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực vào thị trường EU đạt giá trị cao: điện thoại 43%; giầy dép 36%; hàng dệt may 16%; máy vi tính 19%. Tiếp đến là thị trường Hoa kỳ đạt 19,6 tỷ USD, tăng 15,6% 92,6 tỷ USD; ASEAN ước tính đạt 17,2 tỷ USD, tăng 27,1% ; Nhật Bản đạt 13 tỷ USD, tăng 21,4%.

Đây là một dấu hiệu đáng mừng nhưng không phải là một chiến lược để phát triển các mặt hàng này vì các sản phẩm xuất khẩu này chủ yếu là sản phẩm gia công mà về lâu dài việc gia công các sản phẩm này không phải là một lợi thế so sánh của Việt Nam nữa.

Một số nước cũng đang cạnh tranh bằng cách cung cấp lao động giá rẻ hoặc tăng năng suất lao động. Mặt khác, các sản phẩm này là những đồ dùng lâu bền và phụ thuộc vào thu nhập của người tiêu dùng. Trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay thì những sản phẩm như thế này sẽ không có nhu cầu tăng mạnh nữa.

Xuất siêu sau gần 20 năm

Trong khi xuất khẩu dự kiến tăng 18% thì nhập khẩu lại có xu hướng tăng chậm hơn. Tính đến 11 tháng năm 2012 kim ngạch nhập khẩu đạt 103,75 tỷ USD. Ước tính kim ngạch nhập khẩu tháng 12/2012 đạt 10,6 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch nhập khẩu ước tính năm 2012 đạt 114,34 tỷ USD, tăng 7,1% (7,59 tỷ USD) so với cùng kỳ.

Trong đó khu vực đầu tư nước ngoài ước đạt 60,3 tỷ USD, tăng 23,5% (11,5 tỷ USD). Khu vực doanh nghiệp trong nước ước đạt 54 tỷ USD, giảm 7% (3,9 tỷ USD).

Một số nhóm hàng là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất được nhập khẩu chủ yếu phục vụ cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước giảm như bông giảm 16,9%, sợi dệt giảm 16,9%, nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép có tăng nhưng mức độ tăng nhẹ 7,9%. Điều đó cho thấy sản xuất khu vực doanh nghiệp trong nước năm 2012 vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Một số nhóm hàng là các vật phẩm thiết yếu tăng như tân dược tăng 18,6%, giấy tăng 8,9%, vải tăng 4,7%.

Về cơ cấu, tỷ trọng nhóm tư liệu sản xuất ước đạt 93,2% kim ngạch nhập khẩu, tăng 10,1% so với cùng kỳ (trong đó tỷ trọng nhóm hàng máy móc thiết bị và dụng cụ ước đạt 36,9%; nguyên nhiên vật liệu 56,3%). Tỷ trọng nhóm hàng tiêu dùng ước đạt 6,8%.

Về thị trường, ước tính năm 2012, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất với 28,9 tỷ USD tăng 17,6% (4,3 tỷ USD) so với năm 201, nhập siêu từ thị trường Trung Quốc ước tính đạt 16,7 tỷ USD, đây là thị trường nhập siêu lớn nhất trong năm vừa qua. ASEAN ước đạt 20,9 tỷ USD, tăng 0,3% (61 triệu USD). Hàn Quốc 15,6 tỷ USD tăng 18,4% (2,4 tỷ USD). Nhật Bản đạt 11,67 tỷ USD, tăng 12,2% (1,3 tỷ USD)…

Nhìn chung, nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2012 đạt tốc độ tăng tương đối thấp so với những năm qua. Việc tốc độ tăng nhập khẩu chậm hơn so với xuất khẩu năm 2012, trước mắt là một tín hiệu tốt khi các mặt hàng thuộc nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu và nhóm các mặt hàng cần hạn chế nhập khẩu giảm.

Cụ thể, trong 11 tháng năm 2012, các mặt hàng thuộc nhóm hàng cần kiểm soát gồm rau quả, sản phẩm từ ngũ cốc, bánh kẹo, phế liệu sắt thép, đá quý, kim loại quý và sản phẩm, linh kiện phụ tùng ôtô, linh kiện, phụ tùng xe gắn máy giảm (bằng 72%) so với cùng kỳ năm trước.

Nhóm các mặt hàng cần hạn chế nhập khẩu bao gồm hàng tiêu dùng ôtô nguyên chiếc dưới 9 chỗ, xe máy nguyên chiếc, điện thoại di động và các mặt hàng tiêu dùng khác giảm bằng 95% so với cùng kỳ năm trước.

Với những thông tin về tình hình xuất nhập khẩu 11 tháng và ước tính tháng 12 năm 2012, ước tính năm 2012 đạt xuất siêu 284 triệu USD cho thấy đây là lần đầu tiên Việt Nam chuyển sang xuất siêu sau gần 20 năm nhập siêu, kim ngạch nhập khẩu tăng 7,1%, trong khi xuất khẩu tăng 18%.

Trong năm chỉ có ba tháng nhập siêu ở mức thấp, các tháng còn lại đều xuất siêu, đặc biệt là các tháng cuối năm. Nguyên nhân chủ yếu do suy giảm của sản xuất và tiêu dùng trong nước nên nhập khẩu tăng thấp hơn nhiều so với xuất khẩu.

Đáng chú ý là xuất siêu hàng hóa chủ yếu ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với mức xuất siêu đạt gần 12 tỷ USD, tập trung ở nhóm hàng gia công lắp ráp. Ngược lại, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 11,7 tỷ USD.

Trong tình hình kinh tế hiện nay, việc hoạt động xuất nhập khẩu đạt xuất siêu nhìn chung đã có tác động tốt đến việc cải thiện cán cân thanh toán cũng như kiềm chế lạm phát.

Lan Anh

tbktvn

Các tin tức khác

>   Chỉ số tồn kho “chốt” ở mức tăng 20,1% (24/12/2012)

>   Vì sao lợi nhuận của VNPT… “tuột dốc”? (24/12/2012)

>   Lãi 27 nghìn tỷ đồng, Viettel vượt xa VNPT (24/12/2012)

>   Việt Nam tiếp tục xuất siêu mạnh sang Tây Ban Nha (24/12/2012)

>   Doanh nghiệp 'cam chịu' khi giá điện tăng (24/12/2012)

>   EVN lập lờ giá điện (23/12/2012)

>   Bộ Công thương từ chối đưa đường vào danh mục tạm ngừng tạm nhập, tái xuất (23/12/2012)

>   Xuất khẩu cá tra giảm (23/12/2012)

>   Đau đầu lo thưởng Tết! (23/12/2012)

>   Giá điện có thể tăng tiếp trong năm 2013 (23/12/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật