Thứ Hai, 24/12/2012 22:51

Khó khăn của cá tra không phải từ tín dụng

Khó khăn của ngành cá tra hiện nay không phải xuất phát từ vốn tín dụng mà chính do công tác quy hoạch, dự báo còn nhiều bất cập; phát triển cá tra từ nuôi trồng cho đến chế biến còn mang tính tự phát; tính liên kết trong chuỗi sản xuất, giữa doanh nghiệp - người nuôi trồng yếu...

Trong mấy ngày gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng đặc biệt quan tâm vào những thông tin khác nhau về con cá tra. Nhiều tờ báo mạng dẫn lời Bộ quản lý và Hiệp hội chuyên ngành tỏ ý nghi ngờ về con số 38.000 tỷ đồng dư nợ cho vay đối với ngành cá tra ở ĐBSCL. Ngay sau đó NHNN đã đăng tải toàn bộ thông tin về tình hình cho vay của ngành Ngân hàng đối với lĩnh vực cá tra tại thời điểm 30/9/2012 (thời điểm các báo đề cập).

Hóa ra những thông tin mà báo đã đưa là “nhầm” vì con số 38.000 tỷ đồng không phải là dư nợ mà là doanh số mà ngành Ngân hàng đã cho vay đối với cá tra trong 9 tháng. Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản, doanh số cho vay như vậy khá phù hợp với tình hình nuôi trồng, xuất khẩu cá tra thời gian qua.

Quả vậy, theo báo cáo của Hiệp hội Thủy sản thì nửa đầu tháng 11/2012, ngành cá tra đã xuất khẩu được 70 triệu USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2011. Nếu tính 11 tháng rưỡi của năm 2012 đã xuất khẩu được trên 1,5 tỷ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2011. Trong khi về lý thuyết mà nói, mỗi đồng xuất khẩu phải cần tới 2 đồng vốn: 1 đồng dành cho người nông dân nuôi và 1 đồng dành cho doanh nghiệp xuất khẩu mua nguyên liệu của dân. Sẽ là không nói quá, cá tra chính là ngành làm cho Việt Nam “cất cánh” cùng với lúa gạo và cà phê.

Thử hỏi, một ngành một năm mang về cho đất nước 1,7 tỷ USD (chiếm khoảng 1,5% GDP) được ngành Ngân hàng đầu tư vài chục nghìn tỷ đồng thì có gì phải “nghi ngờ” (hiện nay dư nợ ngành cá tra chỉ chiếm gần 0,8% trên tổng dư nợ của nền kinh tế). So với cuối năm 2011 thì dư nợ cho vay đối với ngành cá tra chỉ tăng 2.000 tỷ đồng và là mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Thế nhưng không thể phủ nhận khó khăn của người nuôi cá tra là có thật, dù cho Việt Nam là một nước “độc quyền” về nuôi trồng và xuất khẩu “cá tra” và hàng năm đã mang về cho đất nước hàng tỷ đô la. Vậy ta hãy thử đi tìm nguyên nhân thực sự khó khăn của người nuôi cá tra là như thế nào?

Thứ nhất, trong khi giá cá tra liên tục giảm (thấp hơn giá thành) thì giá thức ăn lại liên tục tăng lên khiến người nông dân bị lỗ. Bên cạnh đó, do thức ăn chiếm tới 80% chi phí của ngành cá tra nên việc giá thành nuôi của người nông dân tăng lên là không tránh khỏi và vốn tín dụng cho nuôi cá mà người nông dân phải vay cũng tăng lên, mặc dù khối lượng cá nuôi không tăng.

Thứ hai, Việt Nam là một nước gần như “độc quyền” về nuôi trồng và xuất khẩu cá tra. Tuy nhiên, với hàng trăm đầu mối xuất khẩu, với cạnh tranh không lành mạnh đã liên tục hạ giá cá tra xuất khẩu rồi lại về hạ giá thu mua của người nuôi làm cho người nuôi càng khó khăn thêm. “Lệnh” áp dụng giá sàn xuất khẩu cá tra được Vasep đưa ra 3 USD/kg dường như không có hiệu lực và chính hiệp hội này thừa nhận có DN chỉ bán với giá 1,5-1,7 USD/kg.

Thứ ba, vấn đề quy hoạch sản xuất và chế biến cá tra. Cũng theo Bộ quản lý và Hiệp hội chuyên ngành thì hiện nay nguyên liệu cá tra của toàn vùng ĐBSCL chỉ đáp ứng được 50% công suất chế biến. Như vậy, mỗi kg cá tra xuất khẩu hiện nay phải cõng thêm 50% hao mòn máy móc “nằm nghỉ” và tất cả lại đổ lên đầu người nuôi cá.

Thứ tư, sự mất niềm tin giữa người nuôi và DN chế biến. Những vụ “lùm xùm” quanh việc DN mua chịu cá của người nuôi trong năm 2012 đã làm cho niềm tin của người dân đối với DN bị tổn hại nghiêm trọng. Người dân không bán chịu cá nữa và hậu quả là ngân hàng phải cho vay tăng lên hai lần: Cho người nông dân vay để nuôi đồng thời cho DN vay để thu mua cá (nếu như trước đây thì chỉ cần cho DN vay để trả tiền cá đến hạn là người dân đã có tiền để tái sản xuất).

Như vậy, có lẽ vấn đề đã rõ. Khó khăn của ngành cá tra hiện nay không phải xuất phát từ vốn tín dụng mà chính do công tác quy hoạch, dự báo còn nhiều bất cập; phát triển cá tra từ nuôi trồng cho đến chế biến còn mang tính tự phát; tính liên kết trong chuỗi sản xuất, giữa DN - người nuôi trồng yếu... Bởi vậy không nên tranh luận nhiều con số đó là 38.000 tỷ hay 20.000 tỷ đồng mà có lẽ mỗi cơ quan quản lý, hiệp hội ngành nghề phải suy nghĩ làm sao để sau khi trừ chi phí người nuôi cá phải có lãi ít nhất là 30% như đối với người nông dân trồng lúa gạo.

Triển khai văn bản 1149 của Chính phủ, ngành Ngân hàng tiếp tục cùng người nông dân nuôi cá tháo gỡ khó khăn và hướng tới mục tiêu đó. Để kết thúc bài này tôi chỉ nêu lên hai hình ảnh mà VTV1 Đài truyền hình Việt Nam đã đưa trong phóng sự về cá tra, đó là người nông dân được phỏng vấn đã thật thà trả lời nếu cứ nuôi lớn như những năm trước thì bây giờ còn khó khăn hơn nữa và ngân hàng đã không cho vay khi người dân trả lời cán bộ ngân hàng là nuôi cá tra bị lỗ.

Phương Thảo

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Hiệp hội lo không xuất được đường (24/12/2012)

>   Xuất khẩu hàng công nghệ tăng mạnh nhờ doanh nghiệp FDI (24/12/2012)

>   Xuất siêu trở lại sau gần 20 năm (24/12/2012)

>   Chỉ số tồn kho “chốt” ở mức tăng 20,1% (24/12/2012)

>   Vì sao lợi nhuận của VNPT… “tuột dốc”? (24/12/2012)

>   Lãi 27 nghìn tỷ đồng, Viettel vượt xa VNPT (24/12/2012)

>   Việt Nam tiếp tục xuất siêu mạnh sang Tây Ban Nha (24/12/2012)

>   Doanh nghiệp 'cam chịu' khi giá điện tăng (24/12/2012)

>   EVN lập lờ giá điện (23/12/2012)

>   Bộ Công thương từ chối đưa đường vào danh mục tạm ngừng tạm nhập, tái xuất (23/12/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật