Thứ Hai, 24/12/2012 22:41

Tìm “cửa” vào thị trường mới

Theo các DN Việt, nếu có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ Chính phủ và các cơ quan chức năng trong việc xúc tiến đầu tư, thương mại thì các DN sẽ nhanh chóng tận dụng cơ hội để chinh phục thị trường mới và không phải là “người chậm chân” đứng nhìn mảnh đất màu mỡ bị khai thác và chiếm lĩnh.

Thị trường mới nhiều tiềm năng

Hiện nay thị trường Campuchia, Lào, Myanmar đang được nhiều nhà đầu tư nước ngoài chú ý đến vì nhiều thế mạnh sẵn có về vị trí địa lý, văn hóa và cơ hội giao thương thuận lợi từ các hiệp định thương mại tự do mang lại trong cộng đồng khối Asean. Việt Nam cũng đang “nhắm” đến những thị trường tiềm năng này để mở rộng cơ hội kinh doanh.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính lũy kế đến hết tháng 11/2012, tổng vốn đầu tư của Việt Nam tại Lào đạt 3,97 tỷ USD (222 dự án), Campuchia đạt 2,56 tỷ USD (124 dự án). Riêng Myanmar sau khi chính thức mở cửa thị trường, dù còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng các DN Việt Nam cũng đã đầu tư khoảng 43 triệu USD vào thị trường này.

Thời điểm này, các dự án đầu tư sang 3 nước chủ yếu vẫn thuộc lĩnh vực nông lâm nghiệp, khai khoáng, công nghiệp chế biến chế tạo, vật tư nông nghiệp và tài chính ngân hàng. Tập đoàn Cao su Việt Nam đang đẩy mạnh những dự án trồng mới cao su ở 2 nước Lào, Campuchia với tổng số 23 dự án trồng và xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su, quy mô thỏa thuận hàng trăm ngàn ha và trị giá đầu tư hơn 918 triệu USD.

Tương tự, về lĩnh vực khai khoáng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng đã có 2 dự án lớn tìm kiếm, thăm dò với vốn đầu tư 21 triệu USD; hay Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam cũng đang tìm kiếm nguồn tài nguyên mới ở đất nước láng giềng với kinh phí 20 triệu USD. Tài chính, ngân hàng mặc dù là lĩnh vực mới, nhưng cũng được các ngân hàng Việt Nam triển khai khá mạnh. Hiện nhiều NHTM Việt Nam đã có hiện diện thương mại tại các nước này.

Ông Jeans Chistophe Ngô - Chuyên gia tư vấn từng có thời gian làm việc tại WB cho rằng, lĩnh vực tài chính, ngân hàng tuy còn khá mới mẻ tại thị trường 2 nước Lào, Campuchia nhưng dự báo thời gian tới sẽ là lĩnh vực khá “màu mỡ” khi ngày càng nhiều dự án của các nước đổ về đây.

Không nhanh sẽ mất thị trường

Tuy nhiên, theo ông Ralf Matheaes - Giám đốc Điều hành Khu vực, Công ty Nghiên cứu thị trường TNS, ngoài những kết quả đạt được trong thời gian qua, nếu không “nhanh chân”, DN Việt dù có nhiều lợi thế về chiều sâu quan hệ từ trước tới nay nhưng vẫn có thể gặp phải sự cạnh tranh khá mạnh mẽ từ các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản…

Đơn cử, Thái Lan là một trong những nước tận dụng cơ hội tốt nhất từ chính quyền Myanmar, nước này cung cấp hàng và cũng là nơi tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhiều nhất của Myanmar (chỉ đứng sau Trung Quốc, Thái Lan đầu tư gần 10 tỷ USD). DN Thái chủ yếu đầu tư trong lĩnh vực dệt may để tận dụng lao động giá rẻ chỉ bằng 1/3 so với nước khác. Mới đây, Chính phủ Thái Lan đã xúc tiến dự án xây dựng cảng nước sâu Dawei ở Myanmar kết nối với cảng Laem Chabang của Thái Lan nhằm đẩy mạnh thương mại, đầu tư giữa hai nước.

Ông Đỗ Duy Thái - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Thép Việt cũng khẳng định hàng hóa của DN Việt Nam đưa sang Lào, Campuchia phải chịu sự cạnh tranh khá khốc liệt với hàng hóa của Trung Quốc, Thái Lan cả về giá và chất lượng. Đặc biệt, với một số hàng hóa đặc thù như sắt thép ở hai thị trường này, hàng Trung Quốc đã phủ sóng khá lâu và có lợi thế về giá rẻ.

Đại diện Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho rằng, cơ hội và tiềm năng đầu tư vào Lào, Campuchia vẫn còn rất lớn. Tuy nhiên, do vẫn còn không ít rào cản khi đầu tư, thủ tục pháp lý, đặc biệt nguồn lao động tại chỗ chưa đáp ứng đủ nhu cầu về số lượng cũng như trình độ tay nghề. Ngoài ra, giá vật tư nguyên nhiên liệu tại đây cao đã đẩy chi phí đầu tư lên cao và việc thông quan ở các cửa khẩu vẫn còn khó khăn. Bên cạnh đó, việc vận chuyển máy móc thiết bị từ Việt Nam đến Campuchia rất tốn kém, trung bình gấp từ 2-2,5 lần nước khác do chi phí cao và đường xá đi lại khó khăn…

Theo các DN Việt, nếu có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ Chính phủ và các cơ quan chức năng trong việc xúc tiến đầu tư, thương mại thì các DN sẽ nhanh chóng tận dụng cơ hội để chinh phục thị trường mới và không phải là “người chậm chân” đứng nhìn mảnh đất màu mỡ bị khai thác và chiếm lĩnh.

Dự thảo Luật Đầu tư nước ngoài mới của Myanmar có nhiều điểm tạo cơ hội kinh doanh cho DN các nước trong đó có Việt Nam. Cụ thể, có 13 lĩnh vực hạn chế đầu tư nhằm mục đích bảo hộ sản xuất trong nước, phần lớn là trong lĩnh vực nông nghiệp, hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng, dệt may, giày dép… Myanmar ưu đãi về thuê đất, thuế, vốn đầu tư và tỷ lệ trong liên doanh có lợi hơn cho nhà đầu tư như thuê đất là 50 năm và gia hạn 10 năm (2 lần), miễn thuế 5 năm, thuế thu nhập DN 25%, thuế thương mại (thuế tiêu dùng) là 10%. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới tư vấn đầu tư, khó khăn khi đầu tư vào Myanmar chính là cơ sở hạ tầng, Myanmar thiếu quy định luật pháp, hệ thống tài chính - ngân hàng, viễn thông liên lạc chưa phát triển.

Anh Minh

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Khó khăn của cá tra không phải từ tín dụng (24/12/2012)

>   Hiệp hội lo không xuất được đường (24/12/2012)

>   Xuất khẩu hàng công nghệ tăng mạnh nhờ doanh nghiệp FDI (24/12/2012)

>   Xuất siêu trở lại sau gần 20 năm (24/12/2012)

>   Chỉ số tồn kho “chốt” ở mức tăng 20,1% (24/12/2012)

>   Vì sao lợi nhuận của VNPT… “tuột dốc”? (24/12/2012)

>   Lãi 27 nghìn tỷ đồng, Viettel vượt xa VNPT (24/12/2012)

>   Việt Nam tiếp tục xuất siêu mạnh sang Tây Ban Nha (24/12/2012)

>   Doanh nghiệp 'cam chịu' khi giá điện tăng (24/12/2012)

>   EVN lập lờ giá điện (23/12/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật