Xuất khẩu thủy sản: Nỗ lực đạt 6,2 tỷ USD
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 10 tháng đầu năm 2012 kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 5 tỷ USD, tăng 1,7% so cùng kỳ năm 2011. Dù xuất khẩu có tăng, song kim ngạch năm 2012 chỉ đạt khoảng 6,2 tỷ USD, thấp hơn chỉ tiêu đặt ra hồi đầu năm là 6,5 tỷ USD, bởi xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn.
Nhiều khó khăn…
Theo VASEP, dự báo thủy sản của Việt Nam cả năm 2012 đạt khoảng 6,2 tỷ USD, tăng gần 1% so với năm 2011, trong đó tôm đạt trên 2,2 tỷ USD, giảm 8,3% so với năm 2011; cá tra đạt khoảng 1,8 tỷ USD, tương đương với năm 2011; các mặt hàng hải sản đạt gần 2,2 tỷ USD, tăng khoảng 19% so với năm ngoái… Song Bộ Công thương tỏ ra lo ngại khi hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản là tôm và cá tra đều sụt giảm về kim ngạch trong quý 3-2012.
Cụ thể, mặt hàng tôm xuất khẩu trong quý 3-2012 đạt hơn 610 triệu USD, giảm 15% so với quý 3-2011; cá tra xuất trong quý 3-2012 đạt trên 438 triệu USD, giảm 10% so quý 3-2011… Dù các doanh nghiệp thủy sản nước ta có nhiều kinh nghiệm về xuất khẩu, nhưng do khó khăn về vốn, thiếu nguyên liệu chế biến, chi phí đầu vào tăng mạnh, thị trường tiêu thụ khó khăn, giá xuất thấp… khiến kim ngạch xuất khẩu không được như mong muốn.
Các doanh nghiệp cho rằng, chính sự bất ổn từ các thị trường truyền thống của thủy sản nước ta như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ… dẫn đến việc giảm ăn hàng. Song song đó, xuất khẩu thủy sản đối mặt với nhiều rào cản về vệ sinh an toàn thực phẩm được dựng lên từ các nước nhập khẩu lớn, gây khó khăn cho thủy sản Việt Nam.
Bộ Công thương thừa nhận, sự cạnh tranh về xuất khẩu thủy sản trên thế giới ngày càng gay gắt; trong đó Thái Lan và Indonesia có xu hướng hạ giá bán sản phẩm tôm, tạo áp lực lên mặt hàng tôm xuất khẩu của nước ta. Đối với cá tra, mặc dù hiện tại Việt Nam vẫn là nước sản xuất và xuất khẩu lớn nhất thế giới, song Thái Lan và nhiều nước… đang tích cực đầu tư vào việc nuôi, xuất khẩu cá tra để sẵn sàng cạnh tranh với Việt Nam trong thời gian tới.
Tái cấu trúc, tìm hướng đi mới
Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng, lo lắng: “Nếu như mọi năm thời điểm này các nhà nhập khẩu thủy sản trên thế giới đặt hàng tới tấp để phục vụ nhu cầu tiêu thụ lễ Noel và Tết Dương lịch. Tuy nhiên, năm nay mọi việc vẫn hết sức trầm lắng, đơn đặt hàng thưa thớt và giá thấp. Hiện giá xuất cá tra phi lê sang thị trường châu Âu bình quân khoảng 2,6 - 2,8 USD/kg, giá này doanh nghiệp và người nuôi không có lời”.
Tại Cà Mau, địa phương có diện tích nuôi và xuất khẩu tôm hàng đầu cả nước cũng đang nỗ lực về đích. Theo UBND tỉnh Cà Mau, xuất khẩu thủy sản là kinh tế mũi nhọn của tỉnh, tuy nhiên để đạt kế hoạch 1 tỷ USD trong năm 2012, cần tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm. Ông Dương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết giải pháp của tỉnh là tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản trên nhiều mặt như tìm kiếm thị trường, nguồn vốn, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh chế biến, xuất khẩu… nhằm tăng kim ngạch càng nhiều càng tốt trong những tháng cuối năm.
Tại An Giang, ông Hồ Việt Hiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định thủy sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Sự tăng hay giảm của xuất khẩu thủy sản tác động mạnh đến sự tăng trưởng về kinh tế. Năm nay, người nuôi cá tra và doanh nghiệp chế biến đều khó; vì vậy tỉnh nỗ lực hỗ trợ trên nhiều mặt để đẩy mạnh xuất khẩu trong 2 tháng cuối năm.
Cố gắng là vậy, song về lâu dài ngành thủy sản cần tái cấu trúc lại, tìm hướng đi mới để phát triển bền vững. Theo Bộ Công thương, để xuất khẩu thủy sản đạt kim ngạch 7,5 tỷ USD vào năm 2015 và hướng tới 10 tỷ USD vào năm 2020, đưa xuất khẩu thủy sản thành một trong những lĩnh vực chủ lực, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế nông thôn bền vững… ngành thủy sản cần phải đầu tư nhiều hơn nữa. Phải cơ cấu lại việc sản xuất và xuất khẩu theo hướng giảm số lượng, tăng chất lượng và hiệu quả. Xây dựng được các thương hiệu thủy sản lớn, có uy tín, tạo thế cho thủy sản Việt Nam đứng vững trên thương trường quốc tế. Giữ vững những thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU… Đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu vào những thị trường tiềm năng như Đông Âu, Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc…
Nguyễn Duy
sài gòn giải phóng
|