Lừa đảo ở Nam Phi bằng thư bảo lãnh
Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi thông tin cảnh báo các doanh nghiệp làm ăn với thị trường Nam Phi nên cẩn thận về việc gian lận bảo lãnh chứng thư trong các hợp đồng ký kết với những công ty ở Nam Phi.
Cụ thể, một công ty ở Việt Nam ký hợp đồng nhập khẩu hàng hóa với một công ty ở Nam Phi. Trong hợp đồng có điều khoản giao kèo, sau 5 ngày làm việc kể từ khi hợp đồng hoàn thành việc ký kết công ty Việt Nam phải chuyển trả 20.000 đô la Mỹ cho công ty Nam Phi để triển khai các nội dung tiếp trong hợp đồng.
Khác với các thủ đoạn lừa trước đây, thông thường các công ty nước ngoài yêu cầu doanh nghiệp trong nước đặt cọc một khoản tiền hoặc phí…đã được biến tướng dưới hình thức thư bảo lãnh để tạo tâm lý yên tâm cho doanh nghiệp trong nước. Để gia tăng sự tin tưởng, công ty ở Nam Phi còn cam kết, nếu họ không giao hàng đúng hạn, thì ngân hàng (nơi phát hành thư bảo lãnh ở Nam Phi) phải trả lại tiền vô điều kiện khi có thư khiếu nại.
Sau khi thẩm tra hợp đồng, Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi thấy có quá nhiều bất cập ở thư bảo lãnh. Cụ thể, trong hợp đồng được ký kết giữa hai công ty, ngân hàng được chỉ định giao dịch là Absa Bank của Nam Phi, nhưng thư bảo lãnh lại yêu cầu công ty Việt Nam trả 20.000 đô la vào Net Bank.
Thương vụ đã yều cầu công ty Việt Nam tạm dừng việc chuyển tiền để thẩm tra. Công ty Việt Nam đã phản hồi ý kiến của Thương vụ cho đối tác ở Nam Phi, công ty Nam Phi chấp nhận gửi thư bảo lãnh của ngân hàng Absa với đầy đủ form, ký tên, đóng dấu của ngân hàng này. Tuy nhiên, khi Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi làm việc với Ngân hàng Absa, ngân hàng này đã thông tin bảo lãnh này không có số bảo lãnh; dùng từ ngữ sai; người ký trong giấy bảo lãnh không đúng… và kết luận thư bảo lãnh này là gian lận và bất hợp pháp.
Theo Bộ Công Thương, để mở rộng thị trường sang khu vực châu Phi, doanh nghiệp nên tham gia các hội chợ thương mại tổ chức tại các nước, các đoàn xúc tiến thương mại do các bộ, ngành tổ chức hoặc trực tiếp đi khảo sát tìm hiểu thị trường. Doanh nghiệp cũng có thể đề nghị Bộ Công Thương và Thương vụ hỗ trợ cung cấp thông tin về thị trường và hỗ trợ trong quá trình thực hiện các hoạt động tại các nước. Nếu cảm thấy có những bất thường trong quá trình giao dịch, doanh nghiệp cần xác minh rõ đối tác và các yêu cầu của họ.
Để xác minh doanh nghiệp đối tác nước ngoài, doanh nghiệp nên đề nghị đối tác cung cấp địa chỉ đầy đủ bao gồm cả giấy phép đăng ký kinh doanh và địa chỉ ngân hàng nơi doanh nghiệp đó mở tài khoản và gửi cho Thương vụ Việt Nam tại nước sở tại hoặc gửi về Bộ Công Thương.
Trần Sơn
tbktsg
|