Thứ Sáu, 09/11/2012 09:29

VN - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới - Kỳ cuối:

Đừng cố chạy theo thành tích

Rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực lúa gạo cho rằng VN không nên chạy theo thành tích về sản lượng gạo xuất khẩu mà cần tập trung nâng cao giá trị hạt gạo, cải thiện đời sống nông dân.

Tuổi Trẻ xin lược ghi một số ý kiến.

>>Kỳ 1: Dẫn đầu nhưng chưa vui


Bốc xếp gạo xuất khẩu tại Cái Bè (Tiền Giang)

GS.TS Võ Tòng Xuân: Giá trị thấp vì lúa phẩm chất kém

Lâu nay VN tập trung trồng lúa theo hướng tăng năng suất và sản lượng nên chi phí sản xuất trong cấu thành giá trị hạt lúa chiếm tỉ lệ khá cao khiến phần lợi nhuận bị thấp đi. Trong khi Thái Lan duy trì việc nâng cao chất lượng, sản phẩm có thương hiệu bán được giá cao nên dù năng suất chỉ vài tấn/ha nhưng lợi nhuận của nông dân họ cao hơn rất nhiều so với nông dân mình. Đã vậy họ vẫn có những chính sách hỗ trợ, gần đây lại trợ giá cho nông dân.

Mặt khác, giá trị xuất khẩu gạo của chúng ta luôn thấp hơn nhiều so với Thái Lan. Gạo VN luôn bán với giá thấp hơn vài chục đến cả trăm USD/tấn vì phẩm chất kém hơn, chưa có thương hiệu và công tác thị trường của doanh nghiệp còn yếu kém.

Ông Nguyễn Minh Nhị (nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang): Đừng ảo tưởng chạy theo thành tích

Giá trị xuất khẩu gạo của VN năm nay thấp hơn năm 2011 và có thể thua Thái Lan, Ấn Độ do giá bán thấp. Do đó, chuyện trở thành nước có lượng gạo xuất khẩu số 1 thế giới cũng không có ý nghĩa khi lâu nay đại bộ phận nông dân vẫn còn nghèo, thu nhập lại bấp bênh. Vì vậy không nên ảo tưởng chạy theo thành tích đó mà cần tập trung đầu tư tạo ra sản phẩm chất lượng, đồng thời làm tốt khâu thị trường để bán được giá cao, tăng lợi nhuận cho người trồng lúa.

TS Nguyễn Văn Sánh (viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL): Giảm bớt gánh nặng cho nông dân

Trước hết cần có chính sách cho người trồng lúa, cho các địa phương trồng lúa như tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, công nghệ hóa ngành trồng lúa, phát triển các dịch vụ... để tăng thu nhập và giảm bớt gánh nặng cho nông dân. Bởi lâu nay người trồng lúa phải gánh nặng nhiều thứ theo kiểu “hạt lúa bị cắn ra làm tám” nên không thể giàu lên nổi.

Bên cạnh đó, không vì chạy theo thành tích cố duy trì là nước xuất khẩu gạo số 1 mà phát triển sản xuất theo hướng độc canh cây lúa. Nhất là không nên mở rộng diện tích, tăng sản lượng mà phải tổ chức sản xuất sao cho đảm bảo cân bằng về nguồn nước, về môi trường sinh thái, không để ảnh hưởng đến các tài nguyên khác, đến ngành có lợi thế khác như nuôi trồng thủy sản, cây ăn trái.

TS Lê Văn Bảnh (viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL): Không bền vững

Dù lúc này VN có lượng gạo xuất khẩu số 1 nhưng không thể duy trì lâu dài “kỳ tích” này. Bởi Thái Lan có diện tích trồng lúa 10,5 triệu ha, mỗi năm cho sản lượng hơn 22 triệu tấn gạo, với dân số khoảng 60 triệu người họ có thể xuất khẩu được trên 10 triệu tấn gạo. Đấy là chưa nói Thái Lan còn khả năng mở rộng diện tích trồng lúa.

Trong khi chúng ta gần 4 triệu ha trồng lúa, dù có tăng năng suất cỡ nào cũng chỉ có thể xuất tối đa ngoài 7 triệu tấn gạo. Vì vậy, kết quả này là tạm thời, chúng ta có được là từ việc Thái Lan trợ giá lúa, tăng giá xuất khẩu nên gạo của họ giảm thị phần.

Chủng loại gạo VN xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm 2012

Ông Phạm Văn Dư (cục phó Cục Trồng trọt): Doanh nghiệp phải đặt hàng

Cách mua bán của doanh nghiệp xuất khẩu gạo từ trước đến nay là thông qua hệ thống thương lái, không quy định cụ thể từng loại gạo nên người dân không biết đâu mà lần. Chỉ cần doanh nghiệp đặt hàng cụ thể họ muốn loại gạo nào, số lượng bao nhiêu, tiêu chuẩn thế nào... thì ngành nông nghiệp và nông dân sẽ đáp ứng được.

Về lâu dài, để nâng cao giá trị xuất khẩu gạo cũng như lợi nhuận cho cả nông dân và doanh nghiệp thì doanh nghiệp xuất khẩu phải có vùng sản xuất cụ thể. Doanh nghiệp phải có hợp đồng cụ thể với nông dân để đảm bảo bao tiêu đầu ra và giá cả cụ thể cho người dân yên tâm sản xuất.

Ông Phạm Quang Diệu (giám đốc Công ty nghiên cứu thị trường Agromonitor): Cần nâng cao năng lực dự báo

Philippines, một trong những khách hàng lớn nhất của VN, đã thay đổi luật chơi, thay vì đàm phán những hợp đồng tập trung lớn, họ đã để cho tư nhân tham gia mua gạo. Nhiều thị trường khác cũng có những động thái tương tự khiến tỉ lệ hợp đồng tập trung trong xuất khẩu gạo của VN ngày càng giảm. Trong 10 tháng đầu năm nay, lượng hợp đồng tập trung chỉ chiếm 17,3% trong khi hợp đồng thương mại chiếm tới 82,7%.

Như vậy, bên cạnh những dự báo của ngành nông nghiệp, ngành công thương và Hiệp hội Lương thực VN, bản thân các doanh nghiệp cũng phải tự nâng cao năng lực dự báo thị trường và kinh doanh của mình nếu muốn có lợi nhuận.

TRẦN MẠNH - ĐỨC VỊNH ghi

Tuổi Trẻ

Các tin tức khác

>   Kinh tế Mỹ tác động làm nhiều loại hàng hóa mất giá (08/11/2012)

>   Xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới: Dẫn đầu nhưng chưa vui (08/11/2012)

>   Ngũ cốc tăng giá trong ngày quan trọng của nước Mỹ (08/11/2012)

>   Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo chuyển qua làm cung ứng (07/11/2012)

>   Giá hạt tiêu biến động mạnh (07/11/2012)

>   Nông sản Việt sẽ lên sàn giao dịch Singapore (05/11/2012)

>   Xuất khẩu gạo đã đứng số 1 (02/11/2012)

>   Xuất khẩu càphê cả nước đạt kỷ lục gần 3,4 tỷ USD (02/11/2012)

>   Cà phê trong nước đang rẻ nhất trong 6 tháng (02/11/2012)

>   Cà phê robusta thấp nhất 7 tuần, đường vững, cacao tăng (31/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật