Cú “đá giò lái” bức tử doanh nghiệp
Báo Lao Động số ra ngày 22 và 25.6.2012 đã có bài nói về việc các DN nhập khẩu vận thăng lồng bị cơ quan hải quan hồi tố đòi thu thêm thuế, dù trước đó chính hải quan đã chấp thuận và cho thông quan.
Tuy nhiên, trong khi DN vẫn đang kiến nghị chưa được giải quyết thì lại nhận được “trát” đe “chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra và áp dụng các biện pháp cưỡng chế”.
“Đá giò lái” vào hầu bao DN
Từ năm 2008 đến nay, Cty CP máy công nghiệp Đông Sơn và nhiều Cty khác nhập khẩu từ Trung Quốc mặt hàng “tời nâng kiểu thùng”, có tên tiếng Anh là “hoists” dùng để chở người và chở hàng theo chiều thẳng đứng trong các công trình xây dựng cao tầng. Trong giấy chứng nhận xuất xứ của nước bạn, mặt hàng này có “H.S Code” là 8428109000. Đây là mặt hàng VN chưa sản xuất được và theo quy định của VN, mức thuế nhập khẩu ưu đãi là 0%.
Tuy nhiên, từ tháng 2.2012, hàng loạt DN nhập khẩu mặt hàng này đã bị Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) và Chi cục Hải quan bắc Hà Nội... phát công văn đòi truy thu thuế mức 10%. DN nào ít thì phải chịu mức truy thu vài chục triệu đồng, nhiều thì lên đến vài tỉ đồng và thậm chí cả chục tỉ đồng. Lý do truy thu được Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị đưa ra là “phân loại, áp mã số, tính lại thuế theo kết luận số 456/TCHQ-TTr ngày 7.2.2012 của Tổng cục Hải quan đối với mặt hàng tời nâng kiểu thùng (vận thăng lồng)”. Còn lý do của Chi cục Hải quan bắc Hà Nội đưa ra là: “Áp sai mã số (mã HS) tính thuế hàng nhập khẩu”.
Hàng DN nhập về, giá bán được tính toán trên mức thuế đã được hải quan áp cho. Bây giờ bỗng dưng hải quan quay ngược lại tung cú “đá giò lái” hiểm hóc đòi truy thu thuế, khiến các DN lao đao cho dù DN không hề sai hay cố tình gian lận, né tránh thuế.
Hải quan sai sót, sao đi "bức tử" doanh nghiệp?
Việc cơ quan hải quan áp mã thuế sai phải điều chỉnh, hay có sự điều chỉnh trong việc phân loại, áp mức thuế, âu cũng là chuyện bình thường, nhưng nó chỉ nên được áp dụng từ thời điểm ban hành văn bản trở về sau. Trường hợp kết luận số 456/TCHQ-TTr ban hành ngày 7.2.2012, thế nhưng các chi cục hải quan ở địa phương lại vin vào đó đòi thu thêm thuế là hoàn toàn không hợp lý.
Theo khoản 1, Điều 39 Luật Quản lý thuế năm 2006 và điều 58 Nghị định 154 của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, thì căn cứ để ấn định lại thuế là: “Người khai thuế dựa vào các tài liệu không hợp pháp để khai báo căn cứ tính thuế, tính và kê khai số thuế phải nộp; không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ, chính xác các căn cứ tính thuế làm cơ sở cho việc tính thuế”. Chiếu theo các quy định này, DN không sai, có thể có sai sót ở phía hải quan, thì sao lại cứ bắt DN phải chịu? Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, Điều 79 cũng có quy định: “Không được quy định hiệu lực trở về trước đối với các trường hợp sau đây: a/Quy định trách nhiệm pháp lý mới đối với hành vi mà vào thời điểm thực hiện hành vi đó pháp luật không quy định trách nhiệm pháp lý; b/Quy định trách nhiệm pháp lý nặng hơn”.
Ngay trong văn bản 456/TCHQ-TTr, Tổng cục Hải quan cũng chỉ yêu cầu hải quan các địa phương lưu ý thêm một số nội dung trong việc phân loại, xác định mức thuế đối với một số mặt hàng trong đó có vận thăng lồng, chứ không hề yêu cầu các đơn vị hải quan “đá giò lái” hồi tố thu thêm thuế đối với DN.
Thế nhưng, không chỉ đòi thu thêm thuế, mà đơn cử như Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị, còn đe DN rằng sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra và cưỡng chế theo pháp luật. Cách ứng xử này không hợp lý hợp tình mà còn thô bạo. DN cũng đã kiến nghị về việc này lên Tổng cục Hải quan từ nhiều tháng nay, nhưng cũng không được giải quyết.
Thẩm Hồng Thụy
LAO ĐỘNG
|