Đại biểu muốn Quốc hội giám sát công nợ tập đoàn
"Công nợ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước không được báo cáo đầy đủ, cơ quan quyền lực cao nhất là Quốc hội phải giám sát vấn đề này".
Nhiều nội dung được đề xuất tại phiên thảo luận về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2013.
|
Đề nghị trên đây được đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Tp.HCM) đưa ra tại phiên thảo luận về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2013, sáng 8/11.
Tại đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 2 trong 3 nội dung sau để tiến hành giám sát tối cao tại hai kỳ họp trong năm 2013.
- Chuyên đề 1: Việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2006-2012.
- Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, giai đoạn 2009-2012.
- Chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, giai đoạn 2006 - 2012.
"Nợ xấu ở đâu và mức độ ra sao, nếu chỉ có Chính phủ và ngân hàng có tháo gỡ được không? Quốc hội nên tập trung giám sát chuyên đề về nợ xấu và bất động sản". Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) phát biểu.
Cơ bản nhất trí với sự cần thiết của các nội dung này, song nhiều vị đại biểu vẫn muốn Quốc hội sẽ tập trung một số vấn đề đang được đặt ra với yêu cầu cấp bách.
Dẫn ý kiến nhiều chuyên gia và cử tri cho rằng công nợ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước không được báo cáo đầy đủ, đại biểu Nghĩa đề nghị Quốc hội nên tiến hành giám sát tối cao để nắm được sức khỏe của khu vực này.
"Qua đó, anh nào chưa có bệnh thì phòng, có bệnh thì chúng ta giúp sức để chữa bệnh, an nào cần cấp cứu thì kịp thời cấp cứu để tránh khi đổ vỡ, khi có nguy cơ phá sản thì Quốc hội mới chất vấn và vào cuộc", ông Nghĩa nói.
"Nợ xấu ở đâu và mức độ ra sao, nếu chỉ có Chính phủ và ngân hàng có tháo gỡ được không? Quốc hội nên tập trung giám sát chuyên đề về nợ xấu và bất động sản", đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) phát biểu.
Với đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, nên giám sát lĩnh vực quản lý giá, nhất là đối với giá xăng, dầu để làm rõ việc lỗ thật hay lỗ giả, lãi thật hay lãi giả. Việc lên nhanh xuống chậm, vấn đề thao túng thị trường và rất nhiều vấn đề khác để có giải pháp xử lý cơ bản, triệt để, góp phần làm yên lòng dân.
Đại biểu Trần Du Lịch (Tp.HCM) đề nghị giám sát việc thực hiện kết quả hàng trăm kiến nghị sau giám sát từ đầu Quốc hội khóa 12 đến nay đã được xử lý thế nào.
Bên cạnh nội dung, nhiều ý kiến cho rằng nên đổi mới cách thức giám sát để giảm hình thức và mang lại kết quả thực chất hơn.
Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) phàn nàn về thực trạng khi chuẩn bị về nơi giám sát các đoàn thông báo với địa phương rất hoành tráng, nhưng khi về lại lèo tèo vài đồng chí.
"Vấn đề nào có chuyên gia tư vấn, đến tận nơi truy vấn mới rõ vấn đề, còn chỉ xem báo cáo rồi vui vẻ đi về thì không hiệu quả". Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch (Tp.HCM) cho biết.
Đã tham gia khá nhiều cuộc giám sát, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng không nên chọn quá nhiều chuyên đề, ngoài giám sát chung các ủy ban của Quốc hội nên đi vào vụ việc cụ thể điển hình để từ cái cụ thể thấy rõ được sự bất cập của chính sách, quy định chung.
Vị đại biểu này cũng chỉ ra hạn chế khi các đoàn giám sát thường chỉ nghe báo cáo từ các cơ quan nhà nước mà chưa nghe người dân đi khiếu kiện trực tiếp trình bày để hiểu rõ oan sai của họ.
Cũng như đại biểu Lê Nam, ông Lịch cho rằng các đại biểu cần tham gia từ đầu đến cuối, tránh cưỡi ngựa xem hoa, về cơ cấu nên bớt quan chức bộ ngành, tăng chuyên gia độc lập làm tư vấn để phát hiện vấn đề.
"Vấn đề nào có chuyên gia tư vấn, đến tận nơi truy vấn mới rõ vấn đề, còn chỉ xem báo cáo rồi vui vẻ đi về thì không hiệu quả", ông Lịch đúc rút từ kinh nghiệm thực tiễn.
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, cần vi hành để giám sát, gặp dân trước, gặp quan sau, cần có cách nào để dân cung cấp thông tin cho đại biểu, sau đó mới tính cách giám sát thế nào cho đúng nơi đúng việc.
Nguyên Vũ
TBKTVN
|