Cần có một ủy ban độc lập tổng kết thí điểm tập đoàn
Có thể cuộc đại thí điểm mô hình tập đoàn trên quy mô cực lớn bắt đầu từ năm 2005 cho đến nay sẽ phải kết thúc trong thời gian tới.
Mục 2 của thông báo Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 15-10-2012 cho biết hội nghị “ra kết luận về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”, trong đó đã xác định “kết thúc giai đoạn thí điểm tập đoàn kinh tế nhà nước; xem xét chuyển một số tập đoàn kinh tế thành tổng công ty”. Như vậy, có thể hy vọng cuộc đại thí điểm mô hình tập đoàn trên quy mô cực lớn bắt đầu từ năm 2005 cho đến nay sẽ phải kết thúc trong thời gian tới.
Trong những năm 2005-2007, Thủ tướng đã quyết định thí điểm thành lập bảy tập đoàn kinh tế, năm 2009 cho thí điểm thêm bốn tập đoàn nữa trong đó có hai tập đoàn xây dựng. Theo một quan chức có trách nhiệm về lĩnh vực này, vào tháng 12-2011 Chính phủ đã “tổng kết thí điểm thành lập các tập đoàn kinh tế”(1) và cho thấy “tỷ lệ thành công là 8/11” và như vậy là “chúng ta đã thành công trong việc thực hiện chủ trương thí điểm hình thành tập đoàn kinh tế của Đảng”. Vậy, tại sao tổng kết thí điểm rồi lại vẫn thí điểm tiếp và để đến ngày 15-10-2012, Hội nghị Trung ương yêu cầu phải kết thúc giai đoạn thí điểm tập đoàn kinh tế nhà nước?
Thí điểm với quy mô lớn chưa từng có
Thực tế cho thấy đã hình thành cơ chế xin - cho, chia chác trong quan hệ phân phối đầu tư, cấp tín dụng... giữa cơ quan nhà nước chủ quản và tập đoàn. |
Thí điểm là một cuộc thử nghiệm kinh tế, được hoạch định để áp dụng trong phạm vi hạn chế các chính sách, phương pháp quản lý, hình thức tổ chức mới nhằm đạt được một số mục tiêu nhất định trong một khoảng thời gian đã dự kiến. Song, cho đến kỳ họp Quốc hội hồi tháng 5 vừa rồi, đại biểu Quốc hội vẫn chưa thấy có báo cáo tổng kết nào về thí điểm tập đoàn được trình ra (2).
Đối tượng thí điểm lại là bộ xương sống của nền kinh tế. Hiện các tập đoàn và tổng công ty giữ 75% tài sản cố định của toàn bộ nền kinh tế, sử dụng 60% tổng tín dụng. Riêng 12 tập đoàn trong diện thí điểm nợ ngân hàng 218.000 tỉ đồng nhưng chỉ tạo ra 40% tổng sản phẩm trong nước và 28,8% nguồn thu ngân sách. Đáng chú ý, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu rất cao, đặc biệt như ở tập đoàn Sông Đà xấp xỉ 10,5 lần tính đến cuối năm 2011 (theo Bộ Xây dựng). Như vậy, đây là một cuộc thí điểm với quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử kinh tế nước ta.
Thiếu khung pháp lý để hoạt động
Điều nổi bật của thí điểm là khung pháp lý về quản lý vốn chủ sở hữu nhà nước trong các tập đoàn hầu như không có và mãi đến tháng 11-2009, tức là sau khi bắt đầu thí điểm 4-5 năm, Chính phủ mới có Nghị định 101 về thí điểm thành lập tập đoàn kinh tế nhà nước.
Trong khi đó, theo đề nghị của Chính phủ, Luật Doanh nghiệp 2005 chỉ quy định về tập đoàn kinh tế tại điều 149 như sau: “Tập đoàn kinh tế là nhóm công ty có quy mô lớn. Chính phủ quy định hướng dẫn tiêu chí, tổ chức quản lý và hoạt động của tập đoàn kinh tế”. Như vậy, Quốc hội đã không thực hiện đầy đủ quyền lập pháp hiến định của mình về việc quy định những quyền cơ bản của chủ sở hữu vốn nhà nước, quyền và trách nhiệm quản lý nhà nước, quyền giám sát, trách nhiệm giải trình về kết quả sử dụng vốn... mà giao toàn quyền cho Chính phủ quy định.
Vậy tập đoàn kinh tế là ai? Là công ty mẹ hay toàn thể tập đoàn? Một vấn đề tưởng chừng đơn giản nhưng đã không được quy định rõ ràng. Thí dụ như theo Quyết định số 147/2006 ngày 22-6-2006 của Thủ tướng về việc phê duyệt đề án thí điểm hình thành tập đoàn Điện lực Việt Nam quy định trong điều 1, mục 1 “Hình thành tập đoàn Điện lực Việt Nam hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con...”. Đến điều 1, mục 2 ghi “mối quan hệ giữa công ty mẹ trong tập đoàn Điện lực Việt Nam với chủ sở hữu nhà nước, với các công ty con...” và sang mục 3 điều này lại ghi “công ty mẹ - tập đoàn Điện lực Việt Nam là công ty nhà nước”.
Với cách quy định như vậy thì tập đoàn là tổ hợp công ty mẹ và các công ty con hay chỉ là công ty mẹ? Những quy định mâu thuẫn tương tự cũng có thể tìm thấy ở các quyết định thành lập tập đoàn khác.
Nghị định 102 và Nghị định 139 năm 2007 đều quy định tập đoàn không có tư cách pháp nhân.
Những hệ lụy
Một số tập đoàn có vị thế độc quyền hay thống lĩnh thị trường nhưng không hề có sự giám sát về pháp luật trong các hành vi độc quyền. Cục Cạnh tranh trực thuộc Bộ Công Thương có vị thế pháp lý quá hạn chế nên không thể thực hiện được nhiệm vụ pháp định trước những “anh cả đỏ” và “quả đấm thép” này.
Việc thiếu vắng các quy định chặt chẽ về quyền chủ sở hữu nhà nước đã tạo ra một lỗ hổng pháp lý và các tập đoàn đã nhanh chóng đầu tư ra ngoài ngành, lập các công ty con, cháu, chắt đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, tài chính, chứng khoán, bất động sản, kinh doanh khách sạn... Tổng số vốn đầu tư ra ngoài ngành của 11 tập đoàn (không kể Vinashin) lên đến 21.000 tỉ đồng trong khi đầu tư vào ngành cốt lõi không đáp ứng nhu cầu. Số doanh nghiệp con, cháu, chắt trong một số tập đoàn lên đến trên 250 đơn vị, thậm chí bộ phận tổ chức của tập đoàn cũng không thể quản hết. Vậy mà, một quan chức Chính phủ vẫn nhận định: “Việc hình thành tập đoàn dựa trên yêu cầu, đòi hỏi của việc phát triển lực lượng sản xuất thì khi tạo ra quan hệ sản xuất mới theo mô hình tập đoàn sẽ hoạt động tốt”.
Sự lắp ghép cơ học, vội vã các công ty xây dựng đang cạnh tranh lẫn nhau, hay các doanh nghiệp cơ khí, xi măng vào hai tập đoàn Sông Đà và Đầu tư phát triển đô thị vào năm 2009 đã dẫn đến kết cục là phải giải thể tập đoàn.
Việc đích thân Thủ tướng bổ nhiệm các vị trí chủ chốt ở tập đoàn đã tạo ra những bất bình đẳng về pháp lý. Cơ quan thanh tra nhà nước không thể hoạt động bình thường. Cơ quan này đã thanh tra Vinashin 11 lần nhưng chỉ được thanh tra những đơn vị được chỉ định và không phát hiện được gì! Lãnh đạo các tập đoàn đã thách thức các bộ. Dự thảo Nghị định hình thành khung pháp lý quản lý và giám sát các tập đoàn do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chuẩn bị ngày 12-8-2008 đã bị các tập đoàn cho là “quản” quá chặt, “quá vội vã” và đã bị bác bỏ.
Thực tế cho thấy đã hình thành cơ chế xin - cho, chia chác trong quan hệ phân phối đầu tư, cấp tín dụng... giữa cơ quan nhà nước chủ quản và tập đoàn. Vì vậy, muốn tái cấu trúc tập đoàn phải tái cấu trúc bộ máy nhà nước, ban hành Luật Đầu tư công, bổ sung, sửa đổi các quy định luật pháp nhà nước.
Để thực hiện kết luận của Hội nghị Trung ương 6 về kết thúc thí điểm tập đoàn, lần này không thể để tiếp diễn cảnh “mẹ hát con khen hay”. Quốc hội cần lập một ủy ban độc lập về tổng kết thí điểm tập đoàn dưới sự giám sát của các ủy ban kinh tế, ngân sách, pháp luật của Quốc hội. Ủy ban này sẽ cử các chuyên gia, cùng với các chuyên gia độc lập, khảo sát, điều tra, nghiên cứu thực địa và xây dựng một báo cáo có căn cứ khoa học và thực tiễn về cuộc thí điểm này để rút ra những bài học nghiêm túc và có kiến nghị thích hợp.
Lê Đăng Doanh
tbktsg
|