Thứ Bảy, 24/11/2012 13:40

Xử lý nợ xấu, vướng từ khâu định giá tài sản

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, trong số nợ xấu của hệ thống ngân hàng có 80% là có tài sản bảo đảm.

Đây là hy vọng lớn cho việc xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, nhiều tài sản bảo đảm không thể xử lý, khó phát mại hay có tranh chấp về sở hữu, thậm chí là tài sản “ảo” vì khách hàng cố tình lừa đảo. Ngay cả khi tài sản bảo đảm không có những vướng mắc nêu trên, thì ngân hàng vẫn khó thu hồi vốn, bởi tài sản trước đó được định giá quá cao.

Định giá 10 chỉ bán được 1

Đơn cử như trường hợp một ngân hàng cho khách hàng vay 140 tỷ đồng để mua tàu, tài sản bảo đảm là con tàu được mua bằng vốn vay. Sau đó, do bối cảnh kinh tế, thị trường khó khăn, DN không trả được nợ. Khi nợ quá hạn, ngân hàng tiến hành xử lý tài sản bảo đảm thì con tàu chỉ bán được hơn 10 tỷ đồng.

Một vụ việc khác đang trong quá trình giải quyết là ngân hàng cho DN vay 30 tỷ đồng để mua tàu, đến nay DN không trả được nợ, ngân hàng tiến hành kê biên tài sản để phát mại. Tuy nhiên, với tình hình thị trường hiện nay, con tàu chỉ có thể bán ở mức giá 7 - 8 tỷ đồng.

Một khâu quan trọng trong việc thẩm định và phê duyệt khoản vay là định giá tài sản bảo đảm. Tài sản bảo đảm vốn được coi là phao cứu sinh của ngân hàng khi khách hàng không trả được nợ và tài sản này phải bảo đảm các yếu tố dễ xử lý, dễ quản lý và phải có giá trị lớn hơn hoặc bằng với khoản vay. Về bản chất, nợ xấu và định giá là hai vấn đề khác biệt, song đều có liên quan đến rủi ro mất vốn. Khi cán bộ đánh giá khoản vay phải cân đối các yếu tố với nhau, nếu quá tập trung vào tài sản bảo đảm, mà không cân đối khả năng trả nợ của khách hàng, thì vẫn có nguy cơ không thu hồi được vốn.

… do nhiều nguyên nhân

Mỗi ngân hàng có quy định, quy trình và giải pháp khác nhau về định giá, song đều hướng tới mục tiêu là định giá sát với giá thị trường. Chẳng hạn, đối với tài sản dễ quản lý, có giá trị, dễ xử lý, thì tỷ lệ cho vay cao hơn dựa trên định giá tài sản bảo đảm. Ví dụ, tài sản bảo đảm là tiền gửi tiết kiệm trong chính ngân hàng có thể được cho vay tới 100% giá trị tài sản bảo đảm; nếu là tiền gửi tiết kiệm ở ngân hàng khác, tỷ lệ cho vay sẽ thấp hơn. Tài sản bảo đảm là bất động sản trong thời kỳ thị trường tăng trưởng, phát triển, thì tỷ lệ cho vay 70%, động sản là 50%... Sở dĩ quy định tỷ lệ như vậy là để phòng ngừa giá trị tài sản sụt giảm khi thị trường biến động và để có thể thu hồi đủ vốn gốc và lãi. Dẫu vậy, nếu nhân viên ngân hàng định giá tài sản quá cao, thì việc đặt ra tỷ lệ trên cũng không có nhiều ý nghĩa.

Một ngân hàng quy định rằng, chỉ chấp nhận giá bất động sản bằng 70% giá trị thị trường và cho vay bằng 70% giá trị theo định giá. Tức là, một căn hộ có giá thị trường 3 tỷ đồng, thì chỉ được ngân hàng chấp nhận với giá 2,1 tỷ đồng và cho vay 70%, tương đương với 1,47 tỷ đồng. Như vậy, ngân hàng chỉ chấp nhận cho vay bằng 49% giá trị thị trường của bất động sản. Tuy nhiên, thực tế xử lý nợ quá hạn của ngân hàng trên cho thấy, ngay cả với quy định chặt chẽ như vậy, thì khi bán tài sản bảo đảm cũng chỉ thu được gần đủ khoản cho vay.

Thậm chí, có ngân hàng đưa ra bảng thông tin định giá có tới gần 100 câu hỏi liên quan đến các vấn đề ảnh hưởng tới giá trị của bất động sản như: tiếng ồn, môi trường, dân trí, phong thủy, nhà nở hậu hay thót hậu… Tuy nhiên, ngân hàng khi xử lý tài sản bảo đảm đã không thể bán được, hoặc nếu muốn bán thì phải chấp nhận mức giá rất thấp, nguyên nhân là vì trong căn nhà đó có người tự tử.

Một số ngân hàng tách bộ phận định giá độc lập và những ngân hàng nào có công ty quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC) thì chuyển công tác định giá sang công ty này. Việc sử dụng kết quả định giá ở mỗi ngân hàng cũng khác, có ngân hàng quy định khoản vay phải căn cứ vào kết quả định giá, có ngân hàng thì coi kết quả định giá chỉ để tham khảo, cho vay bao nhiêu là do bộ phận thẩm định và phê duyệt quyết định, phụ thuộc vào các yếu tố khác như xếp hạng DN, phương án sử dụng vốn vay, khả năng trả nợ… Tuy nhiên, các ngân hàng đều yêu cầu đối với các khoản vay trung, dài hạn phải đánh giá lại tài sản bảo đảm hàng năm và yêu cầu bổ sung nếu như tài sản bị sụt giảm giá trị.

Về nguyên tắc, giá thị trường là giá mà hàng hóa sẵn sàng được mua bán. Tuy nhiên, làm sao để xác định giá thị trường vẫn là thách thức không nhỏ. Định giá ô tô thì có thể tham khảo từ nhiều nguồn; nhà đất cũng vậy, ít nhất có bảng giá của Nhà nước; nhưng định giá đối với tàu biển là bài học cay đắng cho không ít ngân hàng. Tàu biển là tài sản đặc thù, thị giá trong giai đoạn 2006 - 2007 rất cao, do đó định giá của ngân hàng cao theo và khi xử lý thì không bán được hoặc chỉ có thể bán với giá “sắt vụn”.

Nền kinh tế càng khó khăn, nợ xấu càng nhiều thì càng lộ ra nhiều “khoảng hở” trong công tác định giá tài sản. Chính vì “khoảng hở” này mà dư luận không ai biết được trong số trên 200.000 tỷ đồng nợ xấu tại các ngân hàng hiện nay, dù 80% là có tài sản bảo đảm, nhưng có bao nhiêu nghìn tỷ sẽ mãi mãi không thể thu hồi.

Hoàng Duy

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Ngân hàng thận trọng đẩy vốn vào bất động sản (24/11/2012)

>   Việt Nam sẽ nhận 9 tỷ USD kiều hối năm 2012 (23/11/2012)

>   MBB được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 10.625 tỷ đồng (23/11/2012)

>   Năm 2013 lãi suất cho vay nên ở mức 11-12%/năm” (23/11/2012)

>   3 ngày, Ngân hàng Nhà nước hút về 10.420 tỷ từ tín phiếu (23/11/2012)

>   Nhiều điểm cộng cho thanh khoản hệ thống ngân hàng (23/11/2012)

>   Thủ tục rườm rà không phải lỗi ngân hàng (23/11/2012)

>   Quốc hội yêu cầu Thống đốc xử nghiêm tiêu cực ngân hàng (23/11/2012)

>   Khẩu vị rủi ro, nhìn từ kết quả kinh doanh của VIB (23/11/2012)

>   LienVietPostBank và hàng ngàn tỷ đồng tài trợ vốn giá rẻ cho “chính chủ” Him Lam (25/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật