Khẩu vị rủi ro, nhìn từ kết quả kinh doanh của VIB
Đặt trong tình hình chung, sự sụt giảm ở một số chỉ tiêu cơ bản của Ngân hàng Quốc tế (VIB) sau 9 tháng đầu năm 2012 không nhiều khác biệt. Song, họ cũng tin rằng các chỉ số này sẽ sớm bật lên trong tương lai gần.
Sau 9 tháng đầu năm 2012, Ngân hàng Á Châu (ACB) có sự sụt giảm mạnh ở khá nhiều chỉ tiêu, nhất là ở quy mô tổng tài sản và lợi nhuận. Song, đây là trường hợp cá biệt, gắn với tác động ngoài mong muốn…
Còn tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), tín dụng giảm tới 14,7% so với cuối 2011 được xem là “khủng”. Lãnh đạo ngân hàng này còn cho rằng có thể giảm tới 20%, khi phải lựa chọn yếu tố an toàn hơn nữa trong bối cảnh khó khăn chung.
Nhưng, Eximbank không phải là cá biệt. Báo cáo tài chính 9 tháng của VIB còn ghi nhận mức giảm tín dụng lên tới 26% (ứng với dư nợ giảm 11.200 tỷ đồng). Bên cạnh chỉ tiêu tín dụng, báo cáo cho thấy tổng tài sản của VIB cũng giảm 34% so với đầu năm; tiền gửi và cho vay liên ngân hàng giảm tới 23.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế giảm 48% so với cùng kỳ 2011…
Vì sao vậy? Tín dụng giảm khá mạnh, đương nhiên kéo theo tổng tài sản. Nhưng tác động lớn nhất là sự thu hẹp hoạt động trên thị trường liên ngân hàng.
Như một bài viết mới đây trên VnEconomy, các ngân hàng đã bớt “bật tường” vốn lẫn nhau, tổng tài sản của nhiều thành viên giảm mạnh sau 9 tháng. Đại diện của VIB cho biết ngân hàng này đã chủ động giảm thiểu rủi ro trên thị trường liên ngân hàng trong năm 2012 thông qua việc giảm trên 80% (tương đương với 23.000 tỷ đồng) các hoạt động và số dư của thị trường liên ngân hàng, phù hợp với khẩu vị rủi ro mới. Quy mô tổng tài sản theo đó giảm 25%.
Khẩu vị rủi ro mới đó có thể gắn với những thay đổi quan trọng trong cơ chế giao dịch liên ngân hàng. Thông tư 21 có hiệu lực với những rào cản kỹ thuật chặt chẽ hơn; yêu cầu phải trích lập dự phòng cho các khoản cho vay ở đây đã và sẽ tác động đến chi phí, mà cụ thể là lợi nhuận phải chia sẻ.
Và khi chủ động giảm thiểu rủi ro trên liên ngân hàng, VIB phải lái nguồn vốn sang kênh khác, an toàn hơn và có nguồn thu đáng kể. Báo cáo tài chính ghi nhận ngân hàng này đã tăng trưởng đáng kể số dư trái phiếu Chính phủ với gần 10.000 tỷ đồng. Thu nhập từ đây thấp hơn cho vay thông thường, nhưng đổi lại là duy trì được tỷ lệ các tài sản an toàn cao và tăng cường khả năng phòng thủ cho thanh khoản.
Xét chung hệ thống, khoảng 183.000 tỷ đồng mà các nhà băng trú ẩn ở trái phiếu Chính phủ cũng là đặc điểm của mùa cao điểm chi trả năm nay. Tính thanh khoản của lượng tài sản này đi cùng với độ nhạy trong ứng xử với thanh khoản, góp phần giải thích vì sao thanh khoản hệ thống đến thời điểm này vẫn tương đối yên bình, trái ngược với trạng thái chông chênh cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, bộ phận phân tích tài chính của VIB giải thích rằng, từ đầu năm đến nay hoạt động tín dụng cũng đã có hướng dịch chuyển, lái từ các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro sang các mảng có độ an toàn cao hơn. Hệ số rủi ro ở đó thấp hơn, tín dụng giảm mạnh như vậy đã tạo một hệ số an toàn vốn (CAR) rất cao, tới 19% trong khi mức tối thiểu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước là 9%.
Để lái vốn sang các mảng, các nhóm khách hàng tốt hơn, trong xu hướng chung của nhiều nhà băng khác, cạnh tranh sẽ quyết liệt hơn. Theo đó, VIB cho biết lãi suất cho vay thời gian qua được áp dụng rất linh hoạt, phổ biến từ 9% đến dưới 15%/năm. Cạnh tranh lãi suất như vậy và tín dụng giảm đương nhiên không thể thúc đẩy con số lợi nhuận cao như những năm trước.
Đổi lại, VIB cho biết, sau 10 tháng, ngân hàng đã có được lượng khách hàng tốt (cả cá nhân và doanh nghiệp) vượt chỉ tiêu, đạt 104% kế hoạch năm. Trên cơ sở này, cùng với chính sách lãi suất hấp dẫn hơn, ngân hàng này dự kiến tăng trưởng tín dụng sẽ bắt đầu tăng mạnh trở lại từ quý 4/2012. Một trong những tín hiệu là mới đây nhất VIB liên tiếp ký các hợp đồng tín dụng lớn với Vietnam Airlines, hợp đồng hợp vốn cùng một số ngân hàng khác với PVEP và tung ra gói ưu đãi lãi suất 9,9%/năm cho vay bất động sản và cá nhân kinh doanh…
Cùng với việc xây dựng cơ sở khách hàng có chất lượng cao hơn như trên, với sự trợ giúp của các chuyên gia CBA (đối tác chiến lược từ Australia), VIB đang đầu tư xây dựng hệ thống ngân hàng điện tử (internet banking và mobile banking) để mở rộng khách hàng cho dịch vụ, bên cạnh tín dụng. Trên thực tế, chỉ trong 4 tháng giới thiệu các dịch vụ trên, số lượng khách hàng mới đã tăng 400%.
Đại diện VIB cũng dự tính rằng, với định hướng thận trọng ở các hoạt động truyền thống như tín dụng, kinh doanh trên liên ngân hàng trong năm 2012, các hoạt động kinh doanh chính của VIB sẽ bật mạnh từ năm 2013, trên cơ sở lượng khách hàng chất lượng đã tích lũy, các dịch vụ mới được xây dựng và sức khỏe tài chính đã được củng cố.
Minh Đức
tbktvn
|