Nguy cơ mất khả năng chi trả cổ tức tại ngân hàng nhỏ
Trước tình trạng nợ xấu gia tăng, cản dòng chảy tín dụng, để khơi thông vốn, các ngân hàng phải từng bước cắt giảm lãi suất cho vay.
Không chỉ ưu đãi cho các khoản vay mới, ngay cả với các khoản vay cũ, ngân hàng cũng phải giảm lãi suất về mức tối đa 15%/năm, trong khi chi phí huy động cho các khoản vốn này trước đây là 17 - 18%/năm. Việc giảm lãi suất cũ và ưu đãi lãi suất khoản vay mới để khơi thông vốn đòi hỏi các ngân hàng phải chấp nhận hy sinh một phần lợi nhuận để giữ khách hàng. Vì vậy, tỷ lệ chi trả cổ tức tại các ngân hàng khó có khả năng đạt chỉ tiêu.
Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho biết, mục tiêu lợi nhuận trước thuế 500 tỷ đồng của OCB năm nay không dễ đạt được. “10 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng của OCB chỉ thực hiện được phân nửa chỉ tiêu nhận được trong năm nay (15%). Hơn nữa, nợ xấu gia tăng, buộc OCB phải trích lập dự phòng cao, khiến lợi nhuận bị bào mòn”, ông Tuấn lý giải và cho biết, dù lợi nhuận đạt được của OCB trong 10 tháng qua tương đối khả quan, nhưng do phải trích lập dự phòng tín dụng cao, nên khả năng năm nay, OCB khó hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận. Do đó, với tỷ lệ cổ tức chi trả cho cổ đông dự kiến 10% trong năm nay, Ngân hàng sẽ phải điều chỉnh giảm một nửa.
Báo cáo tài chính của các ngân hàng khối cổ phần cho thấy, bức tranh lợi nhuận 3 quý đầu năm tại các ngân hàng đều sụt giảm mạnh. KienLongBank vừa điều chỉnh giảm 14,5% kế hoach lợi nhuận trước thuế năm 2012, đồng thời giảm chỉ tiêu về tổng tài sản, tổng huy động, tỷ lệ cổ tức, trong khi lại điều chỉnh tăng chỉ tiêu nợ xấu. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế, KienLongBank giảm từ mức 650 tỷ đồng xuống mức 530 tỷ đồng (tương đương mức giảm 14,5%). Song tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng lại được điều chỉnh tăng từ dưới 2% theo kế hoạch đặt ra hồi đầu năm lên 3%. Lợi nhuận giảm kéo theo tỷ lệ cổ tức của Ngân hàng cũng được điều chỉnh xuống 10%, thay vì mức trên 12% đã đề ra trước đó.
Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính quý III, lợi nhuận trước thuế của KienLongBank đạt 151,29 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 413,9 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2011. Tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm 30/9/2012 của Ngân hàng là 2,78%, tăng so với 2,77% cuối năm ngoái.
Kết thúc hoạt động 9 tháng đầu năm 2012, dư nợ tín dụng của DaiABank tăng 11,6%, huy động tăng 15,8%. Song lợi nhuận quý III/2012 của DaiABank chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước, kéo lợi nhuận 9 tháng giảm so với cùng kỳ năm 2011. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế quý III của DaiABank còn 61 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận sau thuế giảm 21% so với cùng kỳ năm 2011, từ 286,8 tỷ đồng xuống còn 225,4 tỷ đồng. Nguyên nhân do chi phí hoạt động tăng và thu nhập lãi thuần giảm. Trong khi đó, dự phòng rủi ro cho tín dụng của DaiABank tăng từ 68,7 tỷ đồng lên 120,4 tỷ đồng trong 9 tháng qua.
Các ngân hàng thương mại quy mô nhỏ thừa nhận, để đạt được chỉ tiêu lợi nhuận đề ra cho cả năm nay là điều rất khó. Bởi tăng trưởng tín dụng không thể phát triển, song nợ xấu lại ngày càng gia tăng. Nguyên nhân chính là hàng hóa không tiêu thụ được, hàng tồn kho tăng.
Lợi nhuận của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM 10 tháng đầu năm nay được ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết, chỉ mới bằng 28,5% của cả năm trước, do tín dụng khó tăng, nhưng nợ xấu chưa có dấu hiệu giảm. Vì vậy, cái khó của ngân hàng được lãnh đạo các nhà băng chia sẻ là phải đảm bảo được lợi nhuận để chi trả cổ tức cho cổ đông, trong khi đó phải duy trì lãi suất ở mức phù hợp để có thể huy động được vốn và cho vay.
Trên thực tế, cổ đông đang nắm giữ cổ phiếu của ngân hàng chỉ kỳ vọng vào cổ tức hàng năm. Còn giá cổ phiếu khó có thể kỳ vọng tăng trưởng trong bối cảnh thị trường chứng khoán chưa hồi phục. Nhưng các nhà băng cho biết, chỉ tiêu lợi nhuận năm 2012 khó đảm bảo, thì việc điều chỉnh cổ tức là tất yếu. Thậm chí, ở một số ngân hàng nhỏ trước áp lực tái cơ cấu khả năng, sẽ không còn lợi nhuận để chi trả cổ tức, do nợ xấu ở mức cao.
Vân Linh
đầu tư
|