Thứ Năm, 22/11/2012 18:07

Lãi suất có thể tăng nhẹ vào năm 2013

Theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, lãi suất sẽ khó hạ mà còn tăng nhẹ vào năm sau vì dự báo lạm phát sẽ cao hơn năm nay, vào khoảng 8-10%.

Ông Nguyễn Trí Hiếu

Trong tháng 7 vừa qua, Thống đốc Nguyễn Văn Bình có nói đến khả năng lãi suất sẽ xuống thêm 1 điểm phần trăm trong năm nay, nhưng đến thời điểm này chưa thấy động tĩnh gì. Vậy theo ông, lãi suất sẽ diễn biến thế nào trong thời gian tới?

Nói về hiện tại, tôi cho rằng một số ngân hàng đã ổn định được thanh khoản hơn so với 2 tháng trước, vậy nên lãi suất huy động đã hạ nhiệt trong tháng qua. Đây là tín hiệu mừng. Các ngân hàng đã không còn phải đôn đáo tìm nguồn vốn. Nhưng cuối năm, thường là thời điểm nhu cầu tiền mặt tăng, doanh nghiệp sẽ rút tiền gửi để thanh toán hàng hóa, lương, thưởng cho công nhân viên, điều này sẽ gây áp lực lên thanh khoản của nhiều ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng nhỏ. Tôi cho rằng vì vậy lãi suất trong 2-3 tháng tới khó mà giảm, xu hướng có thể là tăng nhẹ.

Trong phiên chất vấn tại quốc hội vừa qua, Thống đốc Nguyễn Văn Bình lại nói nếu năm sau lạm phát kiềm chế dưới 8% thì có tiền đề để hạ lãi suất. Theo ông lạm phát sẽ diễn biến ra sao và lãi suất có giảm như mong muốn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN)?

Trong năm 2013 tôi thiên về khả năng lạm phát sẽ cao hơn mức 8%. Theo tôi, để GDP đạt từ 5-6%, lạm phát sẽ ở mức 8-10%. Dự báo này của tôi đưa ra dựa trên việc nền kinh tế có thể sẽ diễn biến khả quan hơn một chút khi những biện pháp của chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện sẽ phần nào phát huy tác dụng. Đồng thời, kinh tế thế giới chưa thoát khỏi khủng hoảng nhưng cũng bớt trì trệ hơn bởi những nỗ lực giải quyết từ châu Âu và Mỹ, dẫn đến việc giá hàng hóa có thể sẽ cao hơn năm nay. Điều này sẽ dẫn đến cả lạm phát tâm lý và lạm phát nhập khẩu đều tăng.

Kịch bản lạm phát thấp sẽ xảy ra nếu tình hình kinh tế thế giới và trong nước xấu hơn dự báo. Lúc này lạm phát rất dễ được kiềm chế bởi lực cầu yếu, thất nghiệp gia tăng. Tuy nhiên tôi kỳ vọng tình hình không quá xấu với những quyết tâm từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về cả chính sách tài khóa và tiền tệ. Cụ thể như tái cơ cấu ngân hàng, chứng khoán, lập lại trật tự trên thị trường vàng, và những chính sách rà soát và xem xét lại các dự án đầu tư công cũng sẽ giúp cho kinh tế vĩ mô cải thiện hơn.

Vì thiên về khả năng lạm phát sẽ từ 8-10%, nên tôi cho rằng lãi suất cũng sẽ không giảm mà còn có khả năng tăng nhẹ.

Đơn giản là khi tiền đồng mất giá, nhiều người dân tìm đến các tài sản an toàn khác như vàng, hay ngoại tệ. Các ngân hàng nhỏ vì vậy lại tiếp tục lao đao về thanh khoản và sẽ phải vượt trần để huy động được vốn. Và các ngân hàng lớn lại cũng sẽ tăng lãi suất để giữ khách hàng. Như vậy, mặt bằng lãi suất chung rất khó giữ.

Tôi cũng kỳ vọng vào khả năng thả nổi lãi suất của Ngân hàng Nhà nước vốn đã hứa trong năm nay nhưng chưa làm được. Nếu lãi suất đi theo xu hướng thị trường thì nền kinh tế đỡ méo mó hơn bởi các công cụ hành chính.

Và, việc chỉnh đốn ngân hàng nhỏ nên thực hiện sớm, nên bỏ quan điểm không để ngân hàng nào đổ vỡ, và sáp nhập họ lại với nhau vì thực tế họ vẫn yếu, còn buộc ngân hàng lớn vào cuộc cũng nguy hiểm vì sẽ ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của họ, gián tiếp ảnh hưởng đến hệ thống. Nếu thấy ngân hàng nào yếu, nên cho họ phá sản, các nước cũng thực hiện như vậy. Nếu ráo riết với việc này thì lãi suất sẽ không có những cuộc đua không cần thiết và sẽ không cần đến công cụ trần lãi suất như hiện nay.

Ông cho rằng kinh tế có thể sẽ bớt suy giảm vào năm sau, nhưng lãi suất sẽ tăng lại, vậy doanh nghiệp sẽ khỏe hay yếu hơn?

Tôi không chắc doanh nghiệp sẽ khỏe hơn. Thực tế lãi suất không phải là vấn đề lớn nhất của doanh nghiệp. Trong khi các vấn đề hiện tại như hàng tồn kho lớn do sức mua yếu, nợ trong giai đoạn vừa qua quá lớn... đã vắt kiệt sức doanh nghiệp. Nền kinh tế có cải thiện chút ít như tôi nói, cao lắm cũng chỉ giúp được doanh nghiệp tồn tại qua khủng hoảng mà thôi. Bên cạnh đó, vấn đề nợ xấu đang là rào cản lớn đối với việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Những yêu cầu khắt khe hơn từ phía ngân hàng về tài chính doanh nghiệp, về khả năng trả nợ sẽ khiến cho doanh nghiệp khó vay vốn dù lãi suất ở mức nào.

Tôi cho rằng vai trò của Chính phủ hiện rất quan trọng. Những tổ chức bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn chưa thực sự làm tốt công tác cầu nối. Việc này Chính phủ nên xem xét để cải thiện. Thêm nữa, chính sách giảm, miễn các loại thuế cũng nên được thực hiện để doanh nghiệp bớt khó khăn. Và lớn nhất, như tôi đã đề cập là Chính phủ phải quyết tâm với các chủ trương đã đề ra để kinh tế vĩ mô sớm cải thiện mạnh mẽ. Có vậy may ra doanh nghiệp mới bán được hàng và tăng trưởng trở lại.

Thanh Thương

tbktsg

Các tin tức khác

>   TCTD có chi nhánh nước ngoài phải báo cáo định kỳ hàng tháng (22/11/2012)

>   Quản lý thị trường vàng: Một góc nhìn khác (22/11/2012)

>   Khơi thông nợ xấu, nhìn từ nước Mỹ (22/11/2012)

>   Ráo riết mời gọi cổ đông chiến lược (22/11/2012)

>   Nguy cơ mất khả năng chi trả cổ tức tại ngân hàng nhỏ (22/11/2012)

>   Rủi ro khi ký khống giấy tờ giao dịch ngân hàng (22/11/2012)

>   Ngân hàng cho vay như… cưới vợ (22/11/2012)

>   Basel 1 với ngân hàng Việt, chờ 2015 (22/11/2012)

>   Ngân hàng choán gần 90% thị trường trái phiếu (22/11/2012)

>   Ngân hàng công khai lãi suất cho vay (21/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật