Thứ Sáu, 23/11/2012 14:10

Nhiều điểm cộng cho thanh khoản hệ thống ngân hàng

Lãi suất huy động giảm cùng với việc thanh khoản hệ thống cải thiện có thể việc giảm lãi suất cho vay sẽ diễn ra một ngày không xa. Vì vậy, trong thời gian tới, nhiều khả năng DN có cơ hội tiếp cận vốn rẻ hơn.

Trong vài tuần trở lại đây, một số ngân hàng đã giảm lãi suất kỳ hạn trên 12 tháng. Ví như, tại Techcombank lãi suất huy động cao nhất hiện chỉ còn 12%/năm thay vì mức 12,5%/năm trước đây. Hay như Eximbank lãi suất cũng được giảm 0,3 – 0,8% chỉ còn ở mức 12%/năm. ACB cũng vừa thay đổi biểu lãi suất huy động. Theo biểu mới áp dụng của ACB, mức lãi suất huy động VND cao nhất 13%/năm đã được kéo xuống 12,5%/năm; kỳ hạn 12 tháng cũng giảm còn 12%/năm thay vì 12,5%/năm trước đó…

Việc các ngân hàng hạ lãi suất huy động các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên trong thời điểm quý IV được dư luận quan tâm. Vì thông thường, vào thời điểm này các ngân hàng bước vào mùa cao điểm đáp ứng nhu cầu vay vốn, thanh toán chi trả DN cuối năm nên lãi suất huy động có xu hướng tăng.

Nhận định về hiện tượng có vẻ “bất thường” này, Phó Tổng giám đốc ACB Nguyễn Thanh Toại chia sẻ với Thời báo Ngân hàng: ACB dựa trên dự báo lãi suất kỳ hạn dài nhiều khả năng sẽ hạ trong thời gian tới, bởi khả năng hấp thụ vốn của DN còn thấp, nếu cứ tăng lãi suất huy động mà không đưa vốn ra được thì ngân hàng sẽ bị lỗ nên ngân hàng đã chủ động đón đầu xu thế. Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho rằng, việc hạ lãi suất huy động của các ngân hàng cho thấy thanh khoản hệ thống tiếp tục được cải thiện.

Nhiều thông tin cũng củng cố nhận định này. Theo dữ liệu của Reuters, ngày 21/11, NHNN đã phát hành 3.803 tỷ đồng tín phiếu để hút tiền về. Cụ thể, trên thị trường mở (OMO), NHNN phát hành 2.210 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 56 ngày với lãi suất 6%/năm; phát hành 1.593 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 91 ngày với lãi suất 6,8%/năm. Đáng chú ý là tính riêng trong 3 ngày phát hành tín phiếu gần đây (ngày 15,16 và 21/11), NHNN đã hút về trên 12.000 tỷ đồng với lãi suất 6-6,8%/năm. Trong khi báo cáo mới nhất của NHNN cho biết, trong tuần qua lãi suất liên ngân hàng giảm tất cả kỳ hạn đối với các giao dịch bằng VND. Đây là tín hiệu cho thấy nhiều ngân hàng đang dư thanh khoản.

Theo phân tích của Phó Tổng giám đốc một NHTMCP, thống kê tỷ lệ cho vay/huy động của các ngân hàng quy mô lớn nhóm G12 bình quân ở mức 80 – 85%. Nguyên do là cầu tín dụng giảm mạnh, trong khi huy động toàn hệ thống tăng hơn 13%, tăng trưởng tín dụng chỉ hơn 3% cho thấy chênh lệch đầu vào đầu ra khá nhiều và như vậy các NHTM đang khá dư dả tiền. Và một yếu tố nữa cho thấy thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang ở trong trạng thái rất tích cực. Đó là hiện lượng trái phiếu “nằm” tại các NHTM khá lớn, hơn 100 nghìn tỷ đồng...

Lãi suất huy động giảm cùng với việc thanh khoản hệ thống cải thiện có thể việc giảm lãi suất cho vay sẽ diễn ra một ngày không xa. Theo vị lãnh đạo trên, cứ đà diễn tiến này, đến thời điểm nào đấy tự động các NHTM sẽ phải hạ lãi suất chứ không cần NHNN yêu cầu. Vì ngân hàng huy động để cho vay. Do đó khi huy động quá nhiều mà không đưa vốn ra được thì ngân hàng sẽ bị lỗ, vì thế không thể không hạ lãi suất để đưa vốn ra. Vì vậy, trong thời gian tới, nhiều khả năng DN có cơ hội tiếp cận vốn rẻ hơn.

Đồng quan điểm, nhưng ông Toại cho rằng, việc giảm lãi suất cho vay mới chỉ mang tính cục bộ, tập trung chủ yếu ở những ngân hàng dư thanh khoản. Có ngân hàng dự báo là thừa tiền nhưng có ngân hàng đưa ra nhận định ngược lại. Chưa kể, mỗi ngân hàng có nhận định khác nhau về một vấn đề đối với tương lai. Và điều quan trọng là mỗi ngân hàng đều biết mình đang đứng ở đâu, sức khỏe tài chính như thế nào để đưa ra các quyết định về giá (lãi suất huy động và cho vay). Với ACB cũng sẽ điều chỉnh lãi suất theo tín hiệu thị trường. Mặc dù vậy, sức hấp thụ vốn của DN đang rất thấp nên không dễ để giải ngân.

Thực tế, một số ngân hàng đang chào mời chương trình vay lãi suất 9%/năm trong vòng 3 tháng nhưng rất khó để tìm khách vay. Còn với những khách hàng muốn vay với lãi suất trên 20%/năm ngân hàng không dám cho vay vì lo ngại rủi ro.

Tính đến cuối tháng 10, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống mới đạt 3,3%. Và để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 8% cho năm 2012 là rất khó và việc cần phải làm ngay là tháo gỡ các nút thắt nợ xấu, hàng tồn kho nhất là tồn kho, bất động sản. Theo lãnh đạo một ngân hàng, sự đóng băng của thị trường bất động sản là nguyên nhân lớn khiến cho hoạt động nền kinh tế bị ngưng trệ. Để khai thông thị trường này cần hỗ trợ chính sách tổng thể vĩ mô chứ chỉ riêng hệ thống ngân hàng khó có thể hồi phục. Ví như, Chính phủ có thể hỗ trợ trực tiếp chính sách ưu đãi cho người tiêu dùng thay vì qua nhà đầu tư…

Thanh Huyền

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Thủ tục rườm rà không phải lỗi ngân hàng (23/11/2012)

>   Quốc hội yêu cầu Thống đốc xử nghiêm tiêu cực ngân hàng (23/11/2012)

>   Khẩu vị rủi ro, nhìn từ kết quả kinh doanh của VIB (23/11/2012)

>   LienVietPostBank và hàng ngàn tỷ đồng tài trợ vốn giá rẻ cho “chính chủ” Him Lam (25/11/2012)

>   Ngân hàng rục rịch gom trái phiếu cuối năm (23/11/2012)

>   Vay tiền mua nhà: “Cẩn trọng”! (22/11/2012)

>   Cổ đông lớn chống đối, gây khó tái cơ cấu ngân hàng (22/11/2012)

>   Lãi suất có thể tăng nhẹ vào năm 2013 (22/11/2012)

>   TCTD có chi nhánh nước ngoài phải báo cáo định kỳ hàng tháng (22/11/2012)

>   Quản lý thị trường vàng: Một góc nhìn khác (22/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật