Ngân hàng thận trọng đẩy vốn vào bất động sản
Trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài, nợ xấu từ bất động sản tăng nhanh, nhưng các ngân hàng vẫn phải tính toán dần đẩy vốn vào thị trường này để kích thích dư nợ. Trong đó, phân khúc được lựa chọn là những dự án có tiến độ tốt và đầu ra ổn định.
Thanh khoản dồi dào, các ngân hàng bắt đầu “thoáng” hơn với bất động sản
|
Đỏ mắt tìm dự án khả thi
Hơn 2 năm nay, tín dụng bất động sản gần như đóng băng bởi trước đó, các nhà băng đã mạnh tay đẩy vốn vào thị trường này khiến xuất hiện bong bóng trong lĩnh vực bất động sản. Khi thị trường xấu đi, nợ xấu trong phân khúc này tăng mạnh khiến cho các ngân hàng e ngại khi cho vay chủ dự án, mà hầu như chỉ triển khai cho vay đối với phân khúc khách hàng cá nhân. Kể từ đầu năm 2012, khi Ngân hàng Nhà nước loại tín dụng bất động sản nhà ở ra khỏi “rổ” tín dụng phi sản xuất, các ngân hàng đã đẩy mạnh mảng cho vay mua nhà để ở. Tuy nhiên, do áp lực lãi suất cao, cộng với kỳ vọng giá bất động sản giảm thêm, nên khách hàng cá nhân vẫn chưa mặn mà với việc gõ cửa ngân hàng để mua nhà.
Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng 10 tháng qua của hầu hết các ngân hàng rất chậm. Thậm chí, một số nhà băng đến thời điểm này vẫn chưa thoát khỏi tình trạng tín dụng âm. Vì thế, dù vẫn còn rủi ro, nhưng các ngân hàng đang bắt đầu tìm kiếm dự án bất động sản có đầu ra khả thi để tài trợ vốn cho chủ đầu tư và chi mạnh vốn cho cá nhân mua nhà.
Phó tổng giám đốc OCB, ông Phạm Linh cho biết, dư nợ tín dụng bất động sản chỉ mới chiếm khoảng 4 - 5% trong tổng dư nợ tín dụng 10 tháng qua của Ngân hàng. Do đó, dư địa cho vay ở lĩnh vực này tại OCB còn rất lớn. Hiện OCB không chỉ đẩy mạnh cho vay bất động sản tiêu dùng (cá nhân mua, sửa chữa nhà…), mà còn tìm kiếm các dự án có đầu ra khả thi để tài trợ vốn cho chủ đầu tư.
Trong ngày 21/11, OCB đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ 80 tỷ đồng cho CTCP Đầu tư Nam Long để triển khai Dự án căn hộ Ehome 3 (Tây Sài Gòn), quận Bình Tân, TP. HCM, với quy mô gần 64.000 m2, cung cấp 2.000 căn hộ cho thị trường. Ông Linh cho biết, Dự án căn hộ Ehome 3 dành cho phân khúc khách hàng có thu nhập trung bình và ổn định, đầu ra tương đối khả thi. Đó cũng là một hướng đi phù hợp đối với các chủ dự án hiện nay, nên OCB đã quyết định tài trợ vốn cho dự án này.
Ngoài dự án Ehome 3 của Nam Long, OCB cũng đã quyết định tài trợ một dự án bất động sản khác của Công ty Hà Đô với hạn mức tín dụng 100 tỷ đồng và hiện đã giải ngân được 50 tỷ đồng.
“Chúng tôi tin tưởng, việc tài trợ vốn của OCB sẽ tạo điều kiện để các chủ đầu tư triển khai dự án nhanh hơn, đồng thời mang lại doanh thu thuần từ hoạt động cho vay của Ngân hàng. Nhưng điều đó không có nghĩa là OCB ồ ạt đẩy vốn vào bất động sản, mà Ngân hàng chỉ chọn những dự án có đầu ra ổn định”, ông Linh nói.
Ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank cho biết, ngoài việc hỗ trợ vốn cho khách hàng cá nhân vay mua nhà để ở, với mức lãi suất thấp nhất 8,6%/năm (áp dụng cho 3 tháng đầu tiên), HDBank cũng đang tìm kiếm các dự án tốt để tài trợ vốn. Tuy nhiên, theo ông Trung, trước bối cảnh hiện nay, thị trường bất động sản được đánh giá khó có thể tan băng trong một sớm một chiều, nên việc tài trợ vốn cho các dự án bất động sản cũng cần lựa chọn kỹ.
Vẫn ngại nhiều rủi ro
Ông Phạm Linh cho biết, khác với mọi năm, nhu cầu vốn của khách hàng mùa cao điểm cuối năm nay không tăng nhiều. Đối với khối khách hàng DN, chỉ có lĩnh vực xuất khẩu là tương đối tốt. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng của OCB 10 tháng đầu năm nay đã đạt khoảng 11%, riêng với khối khách hàng DN tăng trưởng tín dụng đã đạt đến 23%. Vì thế, hiện Ngân hàng đang từng bước đẩy mạnh hỗ trợ vốn cho các chủ đầu tư và khách hàng cá nhân ở lĩnh vực bất động sản. Dù vậy, theo ông Linh, trước xu hướng nợ xấu tăng và chủ yếu rơi nhiều vào lĩnh vực bất động sản nên OCB cũng khá thận trọng trong cung ứng vốn cho các chủ dự án.
Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank cũng cho hay, Ngân hàng đang tập trung nhiều cho việc tài trợ vốn đối với khách hàng cá nhân có nhu cầu về nhà ở. Riêng với chủ đầu tư dự án, DongA Bank vẫn phải xem xét kỹ trước khi cung cấp vốn.
Hiện ACB chỉ cho khách hàng cá nhân vay vốn mua nhà để ở và hạn chế tối đa trong việc cung ứng vốn cho chủ đầu tư dự án bất động sản. Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng chỉ tài trợ vốn cho khách hàng cá nhân mua nhà, căn hộ ở những dự án mà ACB có liên kết với các chủ đầu tư, nhằm hạn chế rủi ro nợ xấu phát sinh.
Hiện lãi suất cho vay bất động sản được một số ngân hàng áp dụng ở mức dao động 15 - 16,5%/năm. Chẳng hạn, OCB tài trợ Dự án Ehome 3 của Nam Long với mức lãi suất huy động trung hạn cộng thêm biên độ khoảng 4,5%/năm. Tính ra, mức lãi suất thực cho vay ở mức 16 - 16,5%/năm đối với lĩnh vực nhà, đất. Tuy nhiên, ông Linh cho biết, cũng không dễ tìm được khách hàng và dự án tốt để có thể cho vay.
Theo lãnh đạo các nhà băng, nhu cầu vốn của thị trường năm nay và dự báo 6 tháng đầu năm tới cũng chưa thể cải thiện nhiều. Ông Lê Thành Trung nhận định, tình hình cho vay trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm vẫn khá trầm lắng. Do đó, khó có thể kỳ vọng dư nợ tăng trưởng tín dụng tăng mạnh trong thời gian sắp tới đây. Riêng đối với lĩnh vực bất động sản, ông Trung cho biết, cá nhân có nhu cầu nhà ở còn mong chờ giá bất động sản cũng như lãi suất giảm thêm mới quyết định vay vốn.
Trong khi đó, ông Trung đánh giá, lãi suất cho vay mua nhà về mức hiện nay là đã phù hợp. Còn đối với giá bất động sản, theo ông Nguyễn Vĩnh Trân, Phó giám đốc CTCP Đầu tư Nam Long, việc giảm giá sẽ tùy từng dự án và chính sách của chủ đầu tư.
Thùy Vinh
Đầu tư chứng khoán
|