Thứ Sáu, 02/11/2012 15:11

Tháo chạy khỏi thủy điện: “Cái chết” cần thiết

Nhiều nhà đầu tư dự án thủy điện cho rằng những biến động quá nhanh của nền kinh tế khiến việc đầu tư của họ không còn hiệu quả. Hàng loạt dự án, công trình đang chết đứng vì lãi suất ngân hàng cao chót vót.

Hiện có đến sáu nhà máy thủy điện nằm trên sông Bung (Quảng Nam). Trong ảnh: đập chắn nước của Nhà máy thủy điện Sông Bung 5 đang vào giai đoạn hoàn thành

Tại Quảng Trị, nói như ông Hoàng Tiến Dũng - trưởng phòng quản lý điện năng (Sở Công thương Quảng Trị), chính quyền tỉnh không cần phải rà soát hay đề nghị loại bỏ các dự án thủy điện, bởi chẳng còn dự án nào đủ sức để triển khai nữa.

Tiền bán điện vừa đủ trả lãi

Ông Dũng cho biết thời điểm 2007-2008 kinh tế sôi động, nhu cầu tiêu dùng điện cao nên Quảng Trị đã xác định xây dựng thủy điện là ngành kinh tế mũi nhọn. Nhiều nhà đầu tư được Ngân hàng Phát triển VN cho vay với lãi suất chỉ 6-7%/năm, mỗi thủy điện được vay đến 70% tổng giá trị công trình nên đã dấy lên phong trào “nhà nhà làm thủy điện”. Hồi đó suất đầu tư cho 1 MW chỉ 18-20 tỉ đồng nên đầu tư thủy điện có lãi. “Nghịch lý ở chỗ bây giờ điện làm ra giá chỉ chừng 530 đồng/kWh mà bán cũng khó, thêm vào đó lãi vay ngân hàng, giá vật liệu tăng vọt nên giờ chẳng ai mặn mà với thủy điện cả” - ông Dũng nói.

Thủy điện Sông Tranh 2:

Không an toàn thì không tích nước

Ngày 1-11, bà Hà Thị Khiết, trưởng Ban dân vận trung ương, đã có buổi làm việc với chính quyền huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) và thị sát thủy điện Sông Tranh 2. Ông Nguyễn Duy Khánh, bí thư đảng ủy xã Trà Tân, báo cáo với đoàn công tác vừa xuất hiện một trận động đất mạnh lúc 4g30 sáng 1-11 khiến người dân trong vùng một phen khiếp đảm.

Tại cuộc làm việc, bà Khiết cho biết Ban bí thư trung ương rất quan tâm đến người dân vùng động đất và an toàn của công trình thủy điện Sông Tranh 2 lúc này. Nói về an toàn đập, bà Khiết nhấn mạnh nếu không an toàn thì phải chọn giải pháp vì dân mà không tích nước. “Bây giờ tích nước nếu biết xảy ra sự cố mà vẫn làm có hại cho người dân thì đó là tội ác” - bà Khiết nhấn mạnh.

TẤN VŨ

Ông Mai Văn Huế, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần thủy điện Trường Sơn, chủ đầu tư thủy điện Đakrông 3, cho biết công ty ông phải vay 50% trong tổng số 240 tỉ đồng đầu tư cho thủy điện này. Với giá bán điện vừa đàm phán được với Tổng công ty Điện lực miền Trung bình quân chưa đến 1.000 đồng/kWh (thấp nhất là 550 đồng và cao nhất là 2.300 đồng/kWh), doanh thu từ phát điện hằng tháng vừa đủ để trả lãi vay ngân hàng (khoảng 1,2 tỉ đồng/tháng).

Theo ông Huế, khi lập dự án dự tính 10 năm sẽ hoàn vốn nhưng với tình hình như hiện tại, thời gian hoàn vốn sẽ kéo dài đến 20, thậm chí 25 năm. “Nếu biết trước tình cảnh này chúng tôi chẳng dại gì đầu tư. Các cổ đông lớn như chúng tôi giờ phải bán biệt thự vào ở chung cư để lấy tiền trả lãi vay và góp vốn. Bây giờ không tư nhân nào đầu tư thủy điện mà lãi. Mọi thứ biến động quá nhanh nên nhà đầu tư không xoay chuyển kịp” - ông Huế ngao ngán.

Trong khi đó ông Hồ Công Năm - chủ tịch hội đồng quản trị thủy điện Sông Bung 4A (49MW) - cho biết: tổ máy 1 dự kiến phát điện vào tháng 4-2013 nhưng giá bán hiện vẫn chưa đàm phán xong. Cũng theo ông Năm, với tổng vốn đầu tư lên đến 1.470 tỉ đồng (trong đó 80% vốn là vay ngân hàng), hiện bình quân mỗi tháng nhà đầu tư này phải trả lãi không dưới 4 tỉ đồng và với tình hình lãi suất như hiện tại, đến khi phát điện mỗi tháng phải trả số tiền lãi 5 tỉ đồng. Nếu không có gì trở ngại, ít nhất 10 năm sau Sông Bung 4A mới hoàn vốn. Tương tự, thủy điện Za Hưng (30 MW ở Đông Giang, Quảng Nam) theo tính toán phải sau 10 năm mới hoàn vốn.

Ngày 30-10, trong buổi làm việc với chính quyền tỉnh Quảng Nam về tiến độ thủy điện, ông Lê Quang Hào, giám đốc Công ty cổ phần Tài chính và phát triển năng lượng - chủ đầu tư thủy điện Tr’Hy (Tây Giang), cho biết thủy điện Tr’Hy chỉ chậm tiến độ chứ không có việc bỏ luôn vì hiện tại gần 100 tỉ đồng doanh nghiệp đã đầu tư vào đấy. “Chúng tôi đều là các cổ đông từ ngân hàng lớn, nhưng chủ yếu chờ lãi suất hạ để có thể tiếp tục vay, vì thời gian qua các ngân hàng vừa hạ lãi suất đến 12,5% đã tăng lên 13,5% nên vô cùng khó khăn” - ông Hào nói. Theo ông Hào, nguyên nhân chính là do lãi suất ngân hàng tác động khiến dự án phải dừng và sẽ tiếp tục trong thời gian đến.

Cuộc đua chấm dứt

Là người thẩm định, đánh giá và cho vay nhiều dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, ông Phan Đình Chiến, giám đốc Ngân hàng Phát triển VN (chi nhánh Quảng Nam), cho rằng thời điểm các thủy điện đua nhau làm đã chính thức khép lại. Ông Chiến nhận định: “Bây giờ kiếm đâu ra doanh nghiệp sáng sủa trong nền kinh tế lúc này để cho vay. Ngân hàng rất muốn cho các doanh nghiệp “khỏe mạnh” vay nhưng không có”. Tuy nhiên ông Chiến cũng cho rằng: “Lãi suất chưa phải là nguyên nhân chính bóp chết các thủy điện, mà còn liên quan đến việc mua bán điện, quan hệ với địa phương, vấn đề cạnh tranh... vì điện làm ra chỉ có một người mua (EVN) trong khi rất nhiều người bán”.

Chia sẻ với những khó khăn của các nhà đầu tư, ông Hoàng Văn Lộc - phó trưởng phòng quản lý điện năng (Sở Công thương Thừa Thiên - Huế) - cho rằng với những quy định ngặt nghèo như hiện nay của ngân hàng, chắc chắn không dự án thủy điện nào có thể tái khởi động được cả. Bởi theo ông Lộc, bây giờ muốn vay thì bản thân các chủ đầu tư phải có trong tay 50% vốn tổng giá trị công trình - một điều kiện quá khó trong thời điểm hiện tại, chưa kể việc các nhà đầu tư rất khó tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi.

Trong khi đó, trước những hệ lụy mà các dự án thủy điện đã và đang gây ra, tại cuộc họp rà soát thủy điện với chính quyền các huyện vào đầu tháng 10-2012, ông Lê Phước Thanh, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, tỏ thái độ cương quyết khi cho rằng loại càng nhiều dự án càng tốt vì theo ông, tác hại của thủy điện quá lớn.

ĐĂNG NAM - TẤN VŨ

Thủy điện “ngoạm” gần 20.000ha đất rừng

Bộ NN&PTNT vừa có báo cáo gửi Thủ tướng về tình hình chuyển mục đích sử dụng rừng sang xây dựng thủy điện trong bảy năm qua (2006-2012), và kiến nghị Thủ tướng cần chỉ đạo để “hạn chế ở mức thấp nhất việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang xây dựng thủy điện”.

Theo bộ này, từ năm 2006 đến nay cả nước đã có 160 dự án (ở 29 tỉnh, thành phố) thực hiện việc chuyển gần 20.000ha đất rừng tự nhiên sang xây dựng thủy điện, trong đó hơn 3.000ha rừng đặc dụng, hơn 4.400ha rừng phòng hộ và gần 12.500ha rừng sản xuất. Theo Bộ NN&PTNT, thực tế diện tích rừng bị mất để xây dựng thủy điện có thể lớn hơn báo cáo, bởi khi làm thủy điện sẽ kèm theo đất tái định cư, đất sản xuất...

Bộ NN&PTNT đánh giá nhiều công trình thủy điện không được quy hoạch đồng bộ với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch bảo vệ phát triển rừng của địa phương khiến ngành lâm nghiệp phải chạy theo sau để điều chỉnh. Mặt khác, hầu hết thủy điện nằm ở đầu nguồn, có nhiều rừng tự nhiên nên đã làm thay đổi dòng chảy tự nhiên, gây lũ lụt, sạt lở đất đá, ảnh hưởng đến hệ sinh thái.

Đ.BÌNH


TUỔI TRẺ

Các tin tức khác

>   Thế giới sau tháng 11 (02/11/2012)

>   Bầu Thụy tặng Sài Gòn Xuân Thành cho TP HCM (02/11/2012)

>   Bệnh hoành tráng (02/11/2012)

>   Nhiều vết nứt trong hầm đường bộ Hải Vân (02/11/2012)

>   Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11/2012 (01/11/2012)

>   Đánh chìm chiến hạm để làm bảo tàng (01/11/2012)

>   Lãng phí tội không kém tham nhũng (01/11/2012)

>   Tháo chạy khỏi thủy điện (01/11/2012)

>   Tháp truyền hình Nam Định đổ sập: Ai phải chịu trách nhiệm? (01/11/2012)

>   Khi tổng cục can thiệp chuyện bếp núc của VFF (01/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật