Tháo chạy khỏi thủy điện
Nhiều năm trước đầu tư vào thủy điện vừa và nhỏ ở miền Trung được xem là lĩnh vực “ngon ăn”. Ngân hàng chào mời vốn vay ưu đãi, thậm chí có địa phương còn xác định mũi nhọn kinh tế... là thủy điện.
Thế nhưng chỉ sau thời gian ngắn, hiện nhiều nhà đầu tư đang tháo chạy khỏi các dự án thủy điện.
Kỳ 1: Bỏ rơi dự án
Nhiều dự án thủy điện vừa và nhỏ đã giải phóng mặt bằng, đầu tư hàng trăm tỉ đồng... nay phải dừng đột ngột nằm phơi nắng mưa giữa rừng núi, còn nhà đầu tư thì mất hút, trong khi đời sống của người dân nằm trong vùng dự án khốn khổ trăm bề.
Đường vào thủy điện Tr’Hy giờ đây trở thành nơi người dân chăn bò - Ảnh: TẤN VŨ
|
Nằm ở huyện miền núi xa xôi nhất của tỉnh Quảng Nam, thủy điện Tr’Hy (30MW, huyện Tây Giang) được xem là công trình có vốn đầu tư và quy mô lớn nhất ở vùng đất này. Năm 2007 tỉnh Quảng Nam cấp giấy chứng nhận đầu tư và được Công ty CP Tài chính và phát triển năng lượng LED (Hà Nội) khởi công vào giữa năm 2009 với tổng mức đầu tư hơn 600 tỉ đồng.
“Đứng bánh” giữa chừng
Ngày khởi công, hàng ngàn người dân trong vùng khấp khởi vui mừng đã kéo đến chứng kiến những đoàn xe tải, xe múc, máy ủi rầm rập tiến vào nổ mìn, phá núi, bạt đồi. Núi rừng Tr’Hy cả ngàn năm yên tĩnh, nay bỗng chốc náo nhiệt do dòng người kéo đến thi công, đường mới được khai phá, hàng quán mọc lên phục vụ công nhân, kỹ sư thi công công trình.
Sau gần một năm thi công, toàn bộ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đã hoàn thành. Hơn 9km đường công vụ từ trung tâm xã vào khu vực nhà máy được cày ủi xây dựng, 19km đường dây cấp điện thi công cũng đã triển khai... với số tiền giải ngân ước tính lên đến gần 100 tỉ đồng. Nhiều khu tái định cư mọc lên, nhiều người dân đã dọn về ở bắt đầu cuộc sống mới...
"Một số nhà máy thủy điện đã hoạt động trên địa bàn, tiền bán điện vừa đủ trả lãi ngân hàng. Một số doanh nghiệp khác năng lực tài chính hạn chế nên tất cả đều tháo lui khỏi thủy điện"
Ông Nguyễn Đức Huy (trưởng phòng quản lý điện năng Sở Công thương Quảng Ngãi)
|
Thế nhưng sự náo nhiệt ấy chỉ kéo dài một thời gian rồi lặng yên. Kể từ tháng 12-2010 đến nay mọi thứ đột ngột dừng hẳn. Những chiếc xe múc, xe ủi âm thầm rút khỏi địa phương trong lặng lẽ. Các công nhân ở đây cũng khăn gói về quê không ai hay biết. Con đường chính vào nhà máy này chỉ còn là những khối bêtông trơ ra cùng mưa nắng. Ngồi trước hiên căn nhà mới dựng sát đường vào dự án, già làng Clau Blau (thôn Voong, xã Tr’Hy) lắc đầu bảo: “Con đường được đầu tư tiền tỉ nhưng nhiệm vụ chính bây giờ là để người dân dắt bò đi ăn”.
Không chỉ thủy điện Tr’Hy, nhiều dự án thủy điện khác ở Quảng Nam cũng đang lâm vào tình cảnh dở dang mà dự án thủy điện Nước Chè (huyện Phước Sơn) là một minh chứng. Với dự án này, nhà đầu tư đến đặt vấn đề, bắt tay vào làm công tác hậu cần, chuẩn bị khởi công... rồi sau đó ra đi biền biệt. Cũng tại Phước Sơn, thủy điện Đắk Mi 2, Đắk Mi 3 đang ì ạch thi công cầm hơi buộc chính quyền phải nhiều lần nhắc nhở.
Hàng loạt dự án thủy điện vừa và nhỏ khác tại Quảng Trị cũng nằm trong tình trạng “đứng bánh”. Thủy điện Đakrông 1 (12MW, huyện Đakrông) do Công ty CP Đầu tư điện lực 3 làm chủ dự án dù đã thi công được một số hạng mục như cầu, đường điện, một phần vai đập nhưng tất cả đều phải khựng lại do thiếu vốn. Theo đại diện của chủ đầu tư, dự án có tổng vốn khoảng 260 tỉ đồng, do không sắp xếp được vốn nên đành tạm dừng.
Tại Thừa Thiên - Huế, theo thống kê hiện có 21 dự án thủy điện đã được phê duyệt quy hoạch, tuy nhiên rất nhiều dự án vừa và nhỏ trong đó hiện vẫn chưa tìm được nhà đầu tư, một số dự án đang trong giai đoạn đầu tư dang dở đành phải hoạt động cầm hơi. Cụ thể như hai dự án thủy điện Thượng Nhật và Thượng Lộ, chủ đầu tư đã bỏ ra không dưới 20 tỉ đồng/dự án để làm công tác giải phóng mặt bằng, hồ sơ thiết kế... nhưng đến nay vẫn không thể triển khai. Thậm chí như dự án thủy điện ALin B1, chủ đầu tư là Công ty CP thủy điện Trường Phú (Huế) đã bỏ ra gần 100 tỉ đồng để thi công các hạng mục như đào đường hầm (hơn 300m), tái định cư, làm đường thi công... nhưng hiện dự án này cũng đang rơi vào tình cảnh hết vốn buộc chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế phải ra văn bản đôn đốc “hoặc đẩy nhanh tiến độ dự án, hoặc chuyển giao dự án cho đơn vị có đủ năng lực thực hiện”.
Dân sống lay lắt...
Quá ngao ngán và mệt mỏi với những gì các dự án thủy điện đã và đang mang lại cho địa phương, ông Bling Mia, chủ tịch UBND huyện Tây Giang (Quảng Nam), cho biết huyện đã nhiều lần liên lạc với nhà đầu tư thủy điện Tr’Hy nhưng không được. Nhiều lần tiếp xúc cử tri, người dân địa phương hỏi thủy điện làm hay bỏ để họ tận dụng đất canh tác sản xuất nhưng huyện không thể trả lời. “Thấy tôi gọi, họ (chủ đầu tư - PV) không cầm máy nên khi dân hỏi mình không biết sao mà trả lời” - ông Mia tâm sự. Cũng theo ông Mia, cần phải tính đến các phương án hỗ trợ chủ đầu tư tiếp tục thi công, hoặc bán dự án lại cho các chủ đầu tư khác chứ không thể để tình hình này kéo dài. “Vì tiền đầu tư đa số là vay ngân hàng bị kẹt cứng. Chẳng lẽ cả trăm tỉ bỏ luôn. Dù nguồn tiền nào thì thiệt hại cũng là người dân và Nhà nước” - ông Mia tiếc rẻ.
Chủ tịch UBND xã Tr’Hy A Lăng Hớp cho biết người dân địa phương đang thiếu đất sản xuất nên rất muốn quay về nơi ở cũ với những thửa ruộng ven sông màu mỡ để canh tác nhưng không ai dám vì sợ nhà đầu tư quay lại mọi thứ sẽ mất trắng. Trong khi đó những mảnh ruộng tái định cư vừa mở thửa chưa thể tươi tốt như ruộng cũ. Nhiều con đường dân sinh đang thi công dở dang đã bắt đầu sạt lở khiến giao thông nhiều nơi gián đoạn nhưng nhà đầu tư thì không thấy.
Cũng trong tình cảnh khốn khó như huyện Tây Giang, ông Đoàn Văn Thông, phó chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, cho biết nhiều dự án thủy điện đến địa phương xí phần rồi treo lơ lửng khiến đời sống người dân đảo lộn. “Chủ đầu tư làm hay không chính quyền không biết, trong khi người dân rất cần đất cho sản xuất. Chúng tôi buộc phải kiến nghị tỉnh giải quyết vướng mắc này” - ông Thông nói.
Trong căn nhà ọp ẹp bên cánh rừng vừa phát dở dang để trồng sắn, ông Hồ Văn Quyết, thôn 4, Phước Đức, huyện Phước Sơn, mừng ra mặt: “Nghe chính quyền tỉnh xóa nhiều dự án thủy điện, người dân chúng tôi như mở cờ trong bụng vì có thể chọn cho mình miếng đất canh tác. Dù thủy điện có di dời, tái định cư nhưng thấy các khu tái định cư của thủy điện trước đây xuống cấp, thấy cảnh tình người dân đang sinh sống trong đó, chúng tôi phát ngán lắm rồi!”.
Loại bỏ dự án năng lực tài chính yếu
Tỉnh Quảng Ngãi vừa có kiến nghị loại khỏi quy hoạch sáu dự án thủy điện vừa và nhỏ gồm thủy điện Sông Tang 1, Sông Tang 2, Suối Kem, Sơn Trà 3, Đaksêlô và Nước Lác. Ngoài ra, địa phương này cũng đề nghị Bộ Công thương loại khỏi quy hoạch hai dự án thủy điện khác là Hà Doi và Trà Bói (huyện Trà Bồng).
Tương tự, tỉnh Kon Tum vừa ra quyết định thu hồi và chấm dứt chủ trương đầu tư tám dự án thủy điện tại các huyện Kon Plông, Đăk Hà, Ngọc Hồi và Sa Thầy. Ngoài ra địa phương này còn loại bỏ ba thủy điện vừa và nhỏ khác tại hai huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông ra khỏi quy hoạch nguồn điện của địa phương. Nguyên nhân chính là do năng lực tài chính của các chủ đầu tư không mạnh, khó tiếp cận được nguồn vốn vay và lãi suất cao nên không mang lại hiệu quả kinh tế cho nhà đầu tư.
Ra “tối hậu thư ” cho thủy điện chậm tiến độ
Ngày 30-10, chính quyền tỉnh Quảng Nam thống nhất ra “tối hậu thư” cho ba công trình thủy điện chậm tiến độ nhiều năm qua gây bức xúc ở địa phương là thủy điện Tr’Hy (30MW, Tây Giang), Đắk Mi 2 (98MW), Đắk Mi 3 (54MW) tại huyện Phước Sơn. Ông Đinh Văn Thu - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho rằng ba dự án lớn trên địa bàn với tổng vốn đầu tư hơn 4.500 tỉ đồng, nhưng hơn năm năm qua nhà đầu tư chỉ thực hiện ở mức 320 tỉ đồng là quá chậm. Nhiều chủ đầu tư hứa hẹn hỗ trợ người dân địa phương nhưng không thực hiện gây bức xúc trong dân chúng. “Chậm nhất là trước ngày 15-11, các chủ đầu tư phải báo cáo kế hoạch tiến độ dự án. Nếu không địa phương sẽ báo cáo Chính phủ dừng dự án vì không thể kéo dài tình trạng ì ạch này” - ông Thu nói.
|
Tấn Vũ - Đăng Nam
tuổi trẻ
|