Đại biểu bức xúc - bộ trưởng lạc quan
Hàng chục ý kiến của ĐBQH chuẩn bị bằng văn bản có, nói vo có nhưng đều gay gắt, thẳng thắn khi đề cập đến những bức xúc, tồn tại yếu kém, song cũng rất tâm huyết khi hiến kế cho Chính phủ nhằm gỡ bí cho nền kinh tế.
Đại biểu Lê Thị Nga
|
Một không khí đối thoại gián tiếp cũng được ghi nhận khi một số bộ trưởng đăng đàn. Tất cả đã làm nóng nghị trường QH tại phiên thảo luận ngày hôm qua (30.10).
Đại biểu: Bức xúc, hiến kế
Hình như chưa bao giờ lại có lắm bức xúc được nêu ra tại nghị trường Quốc hội như trong phiên họp ngày 30.10: Thủy điện trước thì gây lũ, giờ thì gây cả lũ lẫn động đất kích thích. Rừng bị tàn phá. Mà theo ĐBQH Lê Hữu Đức (Khánh Hòa), trong số 160 dự án thủy điện với 19.492ha rừng chuyển đổi, chỉ có 8/29 tỉnh thực hiện việc trồng lại, bù được có 37%.
Thuốc chữa bệnh tăng giá tùy tiện. Người mắc bệnh hiểm nghèo không dám đi chữa bệnh. Y đức xuống cấp. Tệ nạn phong bì. Bệnh viện quá tải. Trọng bệnh gia tăng do môi trường sinh thái bị phá hủy. Vệ sinh không được kiểm soát chặt chẽ. Thuốc độc tràn lan. Thịt thối khắp nơi. Người tiêu dùng bị buộc phải ''thông thái''.
Giá cả tăng chóng mặt. Xăng lên nhanh, xuống chậm. DN đại lý thì kêu lỗ, quản lý nhà nước lúng túng, ngân sách thất thu.
Doanh nghiệp đang chịu lãi suất cao gấp 2,1 lần khu vực. Hàng tồn một núi, thị trường BĐS ''đóng băng'' và chưa có khả năng phục hồi. Nợ xấu khổng lồ, như cục máu đông làm nghẽn mạch máu tài chính. Tiền- tức là nguồn vốn- nói như ĐBQH Huỳnh Văn Tiếp là không biết “đi về đâu”.
Khi “Ngân hàng huy động vốn trên 9% thì doanh nghiệp đi vay không còn mức lãi suất 15%”. “Vòng kim cô” nợ xấu đang có dấu hiệu ngày một siết chặt, làm chết không biết bao nhiêu doanh nghiệp. Thương hiệu vàng SJC khiến các vàng khác trở thành thứ yếu, gây thiệt hại cho người dân.
Nếu những bức xúc làm nóng nghị trường thì hàng loạt giải pháp hiến kế cứu nền kinh tế cũng được các ĐBQH làm nóng không kém. Trong số những điểm nghẽn được nhiều ĐB quan tâm nhất là giải quyết nợ xấu, nhiều ĐB cho rằng giải quyết vấn đề này là “trách nhiệm của các tổ chức tín dụng”. ĐB Huỳnh Ngọc Đáng cho rằng, xử lý nợ xấu không chỉ bằng kêu gọi cá nhân, tổ chức trong nước mua mà có thể chào hàng các tổ chức quốc tế để họ mua, nhất là đối với các khoản nợ xấu trong nước.
Nhiều đại biểu đề nghị Nhà nước tiếp tục thực hiện hỗ trợ tín dụng cho các DN duy trì sản xuất, từ đó giảm nợ xấu.
Giải phóng hàng tồn kho cũng khiến nhiều ĐB trăn trở. ĐB Trần Du Lịch đề nghị Chính phủ tính toán nới tín dụng tiêu dùng để tiêu thụ tồn kho bất động sản. Còn đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng lưu ý xử lý hàng tồn kho cần chú ý tới áp lực cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Để giải quyết hàng tồn trong lĩnh vực xây dựng, ĐB Lê Hữu Đức cho rằng cần phát hành trái phiếu cho các công trình quốc gia dân sinh để tiêu thụ ximăng, sắt thép... ĐB Cao Sỹ Kiêm đề nghị Chính phủ công bố nhanh các giải pháp chính sách để xử lý, và làm thế nào để chính sách này bắt nhập thực tế, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Bộ trưởng: Lạc quan
Trong khi các ĐBQH phát biểu đầy tâm huyết bởi những bức xúc và tâm huyết hiến kế thì các bộ trưởng lại tỏ ra khá lạc quan. Đối với phản ánh của ĐBQH về các hoạt động tạm nhập tái xuất xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết: Hoạt động tạm nhập tái xuất là bình thường, và việc này không chỉ do Petrolimex đảm nhiệm, mà cả các Cty xăng dầu hàng không, xăng dầu hàng hải.
Riêng đối với vấn đề độc quyền giá xăng dầu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói: Hiện có 12 DN kinh doanh xăng dầu. Theo Nghị định 84, DN nào có điều kiện thì có thể đăng ký. Tuy nhiên đến nay, theo Bộ trưởng Hoàng: Chưa có DN nào thành lập thêm. Về cơ chế, bộ trưởng nói hằng năm, bộ có thông báo chỉ tiêu và để DN đăng ký hạn ngạch nhập căn cứ vào nhu cầu trong nước chứ không phân bổ theo ý chí hành chính.
Tuy nhiên, nhiều DN không thực hiện, vì thế, phần thiếu còn lại phải giao Petrolimex thực hiện nhiệm vụ đó. Đối với vấn đề thị phần, theo Bộ trưởng Hoàng: 30% (thị phần) của PV Oil là do trong nước sản xuất. 60% của Petrolimex là do “lịch sử để lại”. Ông, lần thứ hai khẳng định: Chúng tôi không hạn chế DN trong nước tham gia kinh doanh xăng dầu.
Về nợ xấu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình thẳng thắn: Không thể hứa gì trước. Theo ông Bình: “Hiện nợ đọng tiền xây dựng cơ bản ở các địa phương lên tới hơn 90.000 tỉ đồng, nợ đọng vốn bất động sản khác hiện cũng rất lớn. Do đó, việc tiêu thụ hàng tồn kho cũng có đóng góp quan trọng vào việc giải quyết nợ xấu, nên riêng thống đốc cũng không thể hứa gì trước được về việc này”.
Về trách nhiệm giải quyết nợ xấu, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, Chính phủ đã lập một ban chỉ đạo liên ngành gồm một phó thủ tướng làm trưởng ban, thống đốc làm phó ban, cùng đại diện của các bộ, ban, ngành khác: “Với từng ngân hàng thương mại cũng có ban chỉ đạo xử lý, do vậy quá trình xử lý các ngân hàng thương mại không chỉ có riêng ý kiến của Ngân hàng Nhà nước, mà còn những đánh giá của các cơ quan khác, đảm bảo tính công khai, minh bạch”.
Đối với sự thiếu an toàn của vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: Tình trạng nhập lậu thực phẩm không qua đường chính ngạch khó kiểm soát. Hóa chất thực phẩm là do ý thức của người dân. Tuy nhiên, bộ trưởng cũng hứa sẽ tăng cường giám sát an toàn thực phẩm, xây dựng đề án về vệ sinh thức ăn đường phố, vệ sinh từ trang trại đến bàn ăn. Riêng đối với vấn đề giá thuốc, Bộ trưởng Tiến nói: Đang cùng với BHXH lên danh mục thuốc.
Căn cứ Luật Cạnh tranh và Nghị định 116 đã có đầy đủ căn cứ để Cục Quản lý cạnh tranh điều tra về lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, nhưng do cơ quan chủ quản của Petrolimex và Cục Quản lý cạnh tranh đều thuộc Bộ Công Thương, nên chưa từng có một cuộc điều tra nào được thực hiện. Đề nghị bộ trưởng trả lời về vấn đề này. Đại biểu Lê Thị Nga
Đến giờ này, mọi việc luôn được thực hiện theo quy trình. Chúng tôi cũng nhận thức rằng nếu để Cục Quản lý cạnh tranh trực thuộc Bộ Công Thương thì sẽ vừa quản lý, vừa xử lý những việc hằng ngày nên đang đề xuất tách cục ra khỏi bộ. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng.
Lao động
|