Bệnh hoành tráng
Vì sao ngân sách giảm thu, để đến nối không bố trí được khoản chi thường xuyên, tối quan trọng và đã được hoạch định lộ trình sẵn là lương. Cử tri và nhân dân đã không được trả lời khi QH thảo luận về một trong những vấn đề quan trọng của đất nước là ngân sách.
Dự án cảng Vân Phong, vốn đầu tư tăng từ 3 ngàn tỷ ban đầu, nay dự kiến lên đến 10 ngàn tỷ.
|
Buổi thảo luận, ở một ý nghĩa nào đó, giống với một cuộc ''than khổ tập thể'', khi các bộ, ngành, địa phương coi đó là một cơ hội trình bày sự khốn khó, để xin tiền ngân sách.
Mà ngân sách năm 2013 thì nào có dư giả: Chỉ 180 ngàn tỉ. Con số mà ĐBQH Trần Quang Chiểu đánh giá là “thấp nhất trong các năm”, thậm chí đến mức “chưa nhìn tới mục tiêu trung- dài hạn”.
Có câu “Có thực mới vực được đạo”. Chính sự thiếu hụt trong đồng tiền ngân khố là câu trả lời chính xác nhất cho chất lượng của sự phát triển, của những lạc quan và bi quan về trình trạng của nền kinh tế.
Hôm qua, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã dùng hình ảnh “tấm chăn” để nói về ngân sách nhà nước: “Co đầu này thì đầu kia sẽ thiếu”.
Nhưng cái khó của ''miếng bánh ngân sách'' ngày hôm nay đang có tác dụng lột tả những khoản chi cực kỳ hoành tráng, không tí “khéo co”, cũng không hề “căn cơ”. Đó là Dự án cảng Vân Phong- vốn đầu tư tăng từ 3 ngàn tỉ ban đầu lên 6 ngàn tỉ lúc khởi công, và nay dự kiến lên đến 10 ngàn tỉ. Thứ đội giá mà Phó Chủ nhiệm Ủy ban các Vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng gọi là “lãng phí chiến lược”.
Đó là Hà Giang, với đại công trường đang bỏ hoang. Nói như Ủy viên Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Đức Kiên: “Dù Hà Giang từng bị kỷ luật vì nợ đầu tư xây dựng cơ bản 1.100 tỉ đồng, nhưng đến nay số nợ của Hà Giang gấp 10 lần số thu ngân sách địa phương”.
“Căn bệnh hoành tráng” phổ biến mà ĐBQH Nguyễn Thành Tâm nói tới đã khiến một tỉnh miền núi còn nghèo, với toàn bộ nguồn thu đáp ứng 10-12% tổng chi và hằng năm “vác rá” xin tiền ngân sách, đã “trăm hoa đua nở” với chiến dịch đầu tư hàng ngàn tỉ cho xây dựng cơ bản. Tất nhiên, những con số “ngàn tỉ” này là tiền âm, có được bằng cách đề nghị DN ứng vốn. Có một thời, các NHTM của Hà Giang có tổng nợ xấu cao nhất nước, với khoảng 25% số nợ. Có ngân hàng có tới 80% dư nợ là nợ xấu. ''Căn bệnh hoành tráng'' một thời giờ đã biến Hà Giang thành một con nợ khổng lồ và dư chấn của nó nặng nề đến nỗi không biết bao giờ Hà Giang mới có thể gượng dậy, chứ chưa nói đến việc trả nợ.
Nhưng Hà Giang chưa bao giờ là cá biệt. "Miếng bánh" ngân sách từ TƯ đến địa phương đã được đầu tư quá tràn lan, dàn trải, và thực tế đang bị chôn vùi trong cỏ dại ở những đại công trường hoang tàn, trong phong trào “người người sân bay, nhà nhà cảng nước sâu”, và không thể không nói đến một con số khổng lồ về nguồn lực khi cả triệu tỉ đồng đang “chôn trong đất”. Đánh giá của Bộ Tài chính nói về tình trạng này là mấy chữ: “Diễn ra khá phổ biến và ở mức độ khá nghiêm trọng”.
“Tấm chăn ngân sách” đang bé lại, mỏng đi. Có lẽ không “khéo co” cũng không được. Nhưng ai sẽ phải là người ''khéo co'' nếu như trước hết không phải là tư lệnh ngành tài chính (?!).
Đào Tuấn
Lao động
|