Thứ Tư, 14/11/2012 16:05

Ai chi tiền xử lý nợ xấu?

Chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tài chính ngân hàng – TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, sẽ cần huy động một nguồn vốn tổng hợp cho việc xử lý nợ xấu…

“Ngủ ngon” với nợ xấu

Không cho rằng nợ xấu lên đến cực điểm vào thời điểm tháng 6-7.2012, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, nợ xấu đang tiếp tục tăng lên sau thời điểm này trong bối cảnh các DN lao đao và ngày càng chết nhiều. Con số nợ xấu theo đó không chỉ dừng lại ở 8-10% như một số công bố trước đây mà hiện có thể lên tới 15%. “Đối chiếu con số này với tổng dư nợ hằng năm khoảng 2,5 triệu tỉ đồng, tôi cho rằng con số nợ xấu hiện nay đâu đó khoảng 375.000 tỉ đồng”. Dẫn kinh nghiệm quốc tế, vị chuyên gia tài chính NH từng có nhiều năm làm việc tại Mỹ cho rằng, có khoảng 50% nợ xấu xem như nợ... mất vốn.

So sánh với nguồn dự phòng 70.000 tỉ đồng được các nhà băng trích lập, câu hỏi được đặt ra và có luôn câu trả lời dường như là nguồn dự phòng rủi ro hiện tại đang được trích lập vào hệ thống là không đủ. Đây chính là thời điểm phải tính đến vấn đề thanh lý tài sản và theo như con số được Thống đốc Nguyễn Văn Bình công bố, có 84% các món nợ có tài sản bảo đảm với giá trị tương đương 135% dư nợ.

“Nếu thật sự như thế thì chúng ta có thể ngủ ngon và không cần phải nghĩ đến nợ xấu nữa” – và nếu đúng như thế theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, sẽ không cần phải nghĩ đến việc thành lập một Cty nợ xấu cũng như phải nghĩ đến các vấn đề khác. Song điều gì xảy ra khi mà giá trị BĐS hiện tại lao dốc và có chỗ xuống chỉ còn 30% giá trị trước kia. “Cái con số, tỉ lệ 135% kia có còn là con số thực không?” – TS. Hiếu đặt câu hỏi.

Chưa kể theo kinh nghiệm được đúc rút từ quá trình xử lý nợ xấu của nhiều quốc gia, nếu xử lý toàn bộ các tài sản bảo đảm bao gồm cả bất động sản, kể cả tiền mặt, hàng tồn kho, trang thiết bị và bảo lãnh, số tiền thu về được sẽ không quá 50% dư nợ. Áp vào con số nợ xấu đâu đó khoảng 375.000 tỉ đồng, số nợ mất trắng sẽ khoảng 190.000 tỉ đồng. “Chúng ta chỉ có 70.000 tỉ đồng trích lập dự phòng và như thế cần khoảng 120.000 tỉ đồng lấy từ thế chấp” – TS. Hiếu nhìn nhận đây là con số không hề đơn giản.

Chỗ dựa ngân sách

Nhìn vào con số 375.000 tỉ đồng nợ xấu với khoảng 120.000 tỉ đồng đang còn thiếu, vị chuyên gia nhiều nhiệt huyết không cho rằng tự bản thân các NH hàng có thể xử lý được nợ xấu. Ngoài yếu tố khả năng xử lý khối nợ xấu vượt ra ngoài tầm tay của các NHTM, bản chất vay nợ của thị trường NH trong nước cũng không thể giải quyết được khi trao vấn đề nợ xấu cho các NHTM. “Các NH cho các Cty con của mình vay mượn và nay họ sẽ không bao giờ đem Cty con của mình ra toà án để xử lý nợ và đưa Cty con của mình đến phá sản” – TS. Hiếu đưa ý kiến.

Khi không thể để các NHTM tự xử lý nợ xấu, phương án thành lập một đơn vị hay một ủy ban tái cấu trúc và xử lý nợ quốc gia được cho là lựa chọn chuẩn xác. Song dù có tên gọi thế nào, đơn vị đó cũng phải được sự chủ trì của NHNN. “Tôi không nghĩ trong hệ thống có bất cứ một đơn vị nào hiểu rõ ngọn ngành, hiểu rõ sức khoẻ của các NH bằng NHNN. Họ nắm rõ nợ xấu ở đâu, ai cho vay, ai được vay và vấn đề của nó như thế nào” – dĩ nhiên theo người thành lập NH Việt đầu tiên tại Mỹ, NHNN sẽ cần sự hỗ trợ của Bộ Tài chính, các Cty kiểm toán độc lập cũng như các Cty pháp lý trong và ngoài nước.

Điểm mấu chốt cuối cùng sẽ là đơn vị trên đây hay NHNN sẽ lấy tiền ở đâu chi cho việc xử lý nợ xấu. Quy mô 100.000 tỉ đồng của đơn vị xử lý nợ xấu trên đây, theo như một số ý kiến được cho là con số đáng kể. “Dĩ nhiên chúng ta không phải bỏ luôn 100.000 tỉ đồng lúc này để xử lý nợ nhưng có thể ít nhất 25% trong đó phải có tiền tươi, tiền mặt và tiền ngay lúc này để thành lập Cty, xây dựng hệ thống pháp lý và bắt đầu xử lý nợ xấu”.

Cấu phần trong nguồn tiền xử lý nợ xấu cũng là một vấn đề cần được quan tâm. TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nguồn tiền một phần có thể từ phát hành trái phiếu. “Song nếu nói cần 100.000 tỉ đồng, tôi nghĩ rằng ít nhất 50% số tiền trong đó phải từ nguồn ngân sách, từ Chính phủ, còn lại 20-30% của các NHTM phải bỏ tiền đóng góp vào và phần còn lại 20- 30% huy động sự hỗ trợ của các tổ chức bên ngoài”.

“Nhiều khách hàng gọi đến cho chúng tôi và hỏi, vấn đề nợ xấu là vấn đề của NH, tại sao lại lấy tiền ngân sách để giải quyết. Tôi nghĩ rằng họ có lý, dân chúng có lý và thực sự vấn đề đầu tiên để xử lý nợ xấu là vấn đề của NH. Trách nhiệm đầu tiên trong vấn đề nợ xấu là những người đi vay và trách nhiệm thứ hai thuộc về NH. Tuy nhiên hình như các tác động từ chính sách tiền tệ, chính sách vĩ mô... cũng bổ trợ cho vấn đề nợ xấu này”.

TS. Nguyễn Trí Hiếu - C.Văn ghi

lao động

Các tin tức khác

>   Nhiều ưu đãi để hút kiều hối (14/11/2012)

>   Tăng trưởng tín dụng đến 19/10/2012 đạt 2,46% (14/11/2012)

>   Techcombank: Lãi ròng hợp nhất quý 3 giảm mạnh 27% (14/11/2012)

>   Thủ phạm giấu mặt là... ngân hàng (14/11/2012)

>   “Lịch sử” hai điểm nóng chất vấn Thống đốc (14/11/2012)

>   Nợ xấu, phá sản, trả giá cho thời ham hố (14/11/2012)

>   M&A ngân hàng: Hợp lực để tốt hơn (13/11/2012)

>   Đại biểu Trần Du Lịch: “Thống đốc quá lạc quan về nợ xấu!” (13/11/2012)

>   Bảo hiểm rủi ro mất vốn, ngân hàng còn e ngại (13/11/2012)

>   Kinh nghiệm xử lý nợ xấu của một số quốc gia và những bài học cho Việt Nam (13/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật