Thứ Ba, 13/11/2012 14:13

Kinh nghiệm xử lý nợ xấu của một số quốc gia và những bài học cho Việt Nam

Hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam đang trải qua thời kỳ khó khăn và nhiều thách thức. Một trong những vấn đề có tính trọng tâm hiện nay là xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Trong lịch sử, năm 1998, Việt Nam đã phải xử lý một khối lương nợ xấu khá lớn của các NHTM (khoảng 10,11% tổng dư nợ). Về cơ bản, giai đoạn đó, Việt Nam đã xử lý tương đối thành công những khoản nợ xấu trên. Hiện nay, tính đến tháng 6/2012, theo các thông tin chính thống, nợ xấu ở mức 8,6- 10%, tức là khoảng 10- 11% GDP của Việt Nam. Đây là con số chưa ở mức báo động nhưng tương đối đáng quan ngại. Do đó, việc tìm các giải pháp phù hợp để xử lý lượng nợ xấu trên là rất cần thiết nhằm lành mạnh hóa hoạt động của hệ thống NHTM.

Từ những lý do trên, bài nghiên cứu tập trung xem xét các kinh nghiệm của một số quốc gia có nguồn gốc nợ xấu tương đồng với Việt Nam và rút ra các bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong xử lý nợ xấu.

1. Kinh nghiệm xử lý nợ xấu của một số quốc gia

1.1. Kinh nghiệm của Hàn Quốc

Những yếu kém trong cấu trúc của nền kinh tế Hàn Quốc là vốn dựa quá nhiều vào việc mở rộng thị trường và vay mượn, cộng với việc dòng vốn nước ngoài bị các nhà đầu tư nước ngoài rút ra trong cuộc khủng hoảng tiền tệ năm 1997 đã dẫn tới cuộc khủng hoảng tín dụng và sau đó là khủng hoảng tiền tệ tại quốc gia này. Tính đến cuối tháng 3/1998, tổng nợ xấu của các tổ chức tài chính (TCTC) của Hàn Quốc lên tới 118 nghìn tỷ Won(18% tổng dư nợ), chiếm tới 27% GDP; trong đó, 50 nghìn tỷ Won là các khoản nợ quá hạn từ 3 đến 6 tháng, chiếm 42% tổng nợ xấu, 68 nghìn tỷ Won còn lại là các khoản nợ quá hạn trên 6 tháng và có nguy cơ vỡ nợ cao.

Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định trong số 118 nghìn tỷ Won nợ xấu, số nợ xấu trị giá 100 nghìn tỷ Won (bao gồm 68 nghìn tỷ Won các khoản nợ quá hạn trên 6 tháng và có nguy cơ vỡ nợ cao, một phần các khoản nợ quá hạn từ 3 đến 6 tháng, và các khoản nợ xấu có thể phát sinh trong quá trình xử lý nợ xấu) cần được xử lý ngay lập tức bằng 2 biện pháp: (1) Buộc các tổ chức tín dụng phải sử dụng vốn để xử lý một nửa giá trị các khoản nợ xấu bằng việc yêu cầu các khách hàng trả nợ hoặc bán tài sản thế chấp; (2) Để Công ty Quản lý Tài sản Hàn Quốc (Korean Asset Management Corporation- KAMCO) mua lại một nửa các khoản nợ xấu.

Để thực hiện quá trình xử lý nợ xấu, Chính phủ Hàn Quốc đã áp dụng tiêu chuẩn phân loại nợ quốc tế để đánh giá thực trạng nợ xấu của các TCTC. Liên tiếp trong khoản thời gian từ tháng 3/1998 đến tháng 3/2000, tiêu chuẩn phân loại nợ được thắt chặt, theo đó, các TCTC được yêu cầu phân loại nợ quá hạn từ 3 tháng trở lên là nợ xấu, đến phân loại những khoản nợ dựa trên khả năng tài chính của khách hàng vay vốn trong tương lai đối với việc hoàn thành nghĩa vụ với ngân hàng, và ở mức độ thắt chặt hơn nữa khi phân loại các khoản vay có mức độ rủi ro lớn ngay cả khi khách hàng trả được lãi vào nhóm nợ xấu. Theo tiêu chí phân loại nợ, 68 nghìn tỷ Won nợ xấu quá hạn trên 6 tháng đã tăng lên 88 nghìn tỷ Won vào cuối năm 1999.

Để giải quyết khoản nợ xấu tương đương 27% GDP đi kèm với tái cấu trúc hệ thống tài chính đang suy yếu, Chính phủ Hàn Quốc đã huy động tới 157 nghìn tỷ Won. Trong số này, 60 nghìn tỷ Won được sử dụng để bơm vốn thêm vào cho các TCTC, 39 nghìn tỷ Won được sử dụng để mua các khoản nợ xấu từ các TCTC, 26 nghìn tỷ Won để trả cho người gửi tiền của các TCTC bị vỡ nợ… Trong số 157 nghìn tỷ Won thì 104 nghìn tỷ Won được huy động thông qua phát hành trái phiếu của Hiệp hội Bảo hiểm Tiền gửi Hàn Quốc ( KDIC) và KAMCO được Chính phủ bảo lãnh. Khoản tiền huy động này được thu hồi tới 56% thông qua việc bán lại cổ phần của các ngân hàng đã được bơm vốn, giá trị thu hồi được từ xử lý các khoàn nợ xấu và bán các tài sản thế chấp. Số tiền không thu hồi được được chuyển thành khoản nợ của Chính phủ thông qua việc chuyển các trái phiếu thành trái phiếu Chính phủ, tăng phí bảo hiểm tiền gửi…

KAMCO, tiền thân là công ty con của Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc, đã được cải tiến lại chức năng và nhiệm vụ thành cơ quan chuyên giải quyết nợ xấu thông qua Đạo luật quản lý hiệu quả nợ xấu của các TCTC và sự thành lập Cơ quan quản lý tài sản Hàn Quốc (the KAMCO Act). Chủ sở hữu của KAMCO là Bộ Tài chính và Kinh tế, Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc và các TCTC khác, được quản lý bởi ban điều hành là các đại diện đến từ các chủ sở hữu cộng thêm đại diện từ Ủy ban Giám sát Tài chính, Công ty Bảo hiểm Tiền gửi, Hiệp hội các ngân hàng và 3 chuyên gia độc lập, hoạt động dưới sự giám sát của Ủy ban Giám sát tài chính.

Vai trò của KAMCO trong xử lý nợ xấu

KAMCO ưu tiên mua các khoản nợ mà có thể dễ dàng chuyển giao quyền thu nợ, các khoản nợ có thể giúp các TCTC khôi phục lại hoạt động và hình ảnh trước công chúng, và các khoản cho vay đồng tài trợ. Quy trình đánh giá các khoản vay được tiến hành kỹ lưỡng nhằm bảo đảm các khoản nợ mua về vừa hỗ trợ được các TCTC vừa bảo đảm được hiệu quả hoạt động của Công ty. Các khoản nợ do KAMCO mua lại được chia thành 6 nhóm: Nợ thông thường có bảo đảm (chiếm 17,9% tổng tiền), nợ thông thường không có bảo đảm (5,8%), nợ đặc biệt có bảo đảm (32,2%), nợ đặc biệt không có bảo đảm (10,6%), nợ của tập đoàn Daewoo (32%) và nợ được gia hạn lại (1,5%) với mức giá so với giá trị khoản vay tương ứng là 67%, 11,4%, 47,4%, 29%, 35,9% và 23,1%. Khoản nợ xấu được định giá dựa trên khả năng thu hồi nợ, tài sản bảo đảm và phương pháp định giá được thay đổi tùy theo từng thời kỳ. Đa phần các khoản tiền được sử dụng để mua nợ từ các ngân hàng (chiếm 62,1%), công ty ủy thác đầu tư (21,1%) và công ty bảo hiểm (4,5%). Tổng cộng, KAMCO đã bỏ ra 39,7 nghìn tỷ Won, chiếm tới 36% giá trị các khoản vay, để mua các khoản nợ xấu trong vòng 5 năm từ năm 1997 đến 2002.

Sau khi mua lại, KAMCO nhóm các khoản nợ xấu này lại để phát hành các chứng khoán có đảm bảo bằng tài sản dựa trên các khoản nợ xấu đã mua hoặc bán cho các nhà đầu tư thông qua đấu giá quốc tế cạnh tranh. Luật Chứng khoán có bảo đảm bằng tài sản đã được ban hành để thúc đẩy việc bán các khoản nợ cho các công ty có chức năng chứng khoán hóa các khoản xấu và bán lại cho các nhà đầu tư. Hàn Quốc đã rất thành công trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào xử lý nợ xấu thông qua mua các trái phiếu được bảo đảm bằng các khoản nợ xấu cũng như mua các khoản nợ xấu thông qua đấu giá. Chính sự thành công trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đã khuyến khích các nhà đầu tư trong nước đầu tư vào các chứng khoán cũng như các khoản nợ xấu này. Bên cạnh đó, KAMCO cũng tịch thu tài sản thế chấp của các khoản nợ có đảm bảo để bán thu hồi lại tiền. KAMCO nắm giữ các khoản nợ xấu và cố gắng tái cơ cấu nợ, tái tài trợ hay chuyển đổi nợ thành vốn chủ sở hữu nếu công ty đó có khả năng hồi phục, giảm lãi suất, giãn nợ… Ngoài ra, còn có các biện pháp khác như truy đòi lại chủ nợ ban đầu của khoản nợ xấu, bán khoản nợ cho các công ty quản lý tài sản, công ty tái cơ cấu doanh nghiệp để mua lại cổ phiếu của các công ty này và tiến hành tái cơ cấu lại hoạt động của công ty… Trong khoảng thời gian từ năm 1997 đến 2002, KAMCO đã thu hồi được 30,3 nghìn tỷ Won, tương ứng với tỷ lệ thu hồi là 46,8% trên giá trị khoản nợ.

Nhờ sử dụng đồng loạt các biện pháp xử lý nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu đã giảm từ 17,7% vào năm 1998 xuống còn 14,9%, 10,4%, 5,6%, và 3,9% vào các năm 1999, 2000, 2001 và 2002. Hàn Quốc đã thực hiện thành công việc giải quyết nợ xấu, tái cơ cấu doanh nghiệp, tái cơ cấu khu vực tài chính góp phần ổn định nền kinh tế là do Chính phủ Hàn Quốc đã có những can thiệp nhanh chóng, kịp thời và toàn diện, triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu hợp lý khi đưa KAMCO vào hoạt động và phát triển thị trường thứ cấp cho các khoản nợ xấu, các chứng khoán được bảo đảm bằng nợ xấu được tiến hành giao dịch thuận lợi, thu hút các nhà đầu tư.

1.2. Kinh nghiệm của Trung Quốc

Khác với các quốc gia châu Á khác như Nhật Bản và Thái Lan, nợ xấu là kết quả của những vụ sụp đổ thị trường tài chính và bong bóng tài sản thì nguyên nhân gây ra nợ xấu của Trung Quốc chính là cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung, khi hoạt động của các NHTM Nhà nước lớn chỉ như những cơ quan hành chính Nhà nước, có nhiệm vụ cho vay theo chỉ định cho các công ty và dự án Nhà nước vốn làm ăn kém hiệu quả, thậm chí thua lỗ. Những khoản vay này cũng không qua quy trình phân tích tín dụng chặt chẽ nên rủi ro tín dụng là điều không tránh khỏi. Vì thế, quá trình xử lý nợ xấu ở Trung Quốc gắn trực tiếp với các biện pháp cải cách được thực hiện bởi Chính phủ nhằm chuyển đổi nền kinh tế Trung Quốc từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế kinh tế thị trường cũng như quá trình tái cấu trúc các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và hệ thống tài chính. Quá trình xử lý nợ xấu của Trung Quốc có thể chia thành ba giai đoạn chính.

Giai đoạn thứ nhất, giữa những năm 1990 diễn ra quá trình tái cấu trúc tài chính nhằm chuyển đổi hệ thống ngân hàng, cụ thể là tách cho vay chính sách khỏi cho vay thương mại bằng cách thành lập 3 ngân hàng chính sách chịu trách nhiệm xử lý các khoản vay chính sách. 4 NHTM Nhà nước lớn của Trung Quốc bắt đầu sử dụng cách phân loại nợ thành 5 nhóm theo cách chia của BIS, thay vì 4 nhóm như trước đây, thực hiện phê duyệt tín dụng một cách độc lập với ít can thiệp hành chính từ phía chính quyền địa phương hơn.

Giai đoạn thứ hai, bắt đầu từ năm 1999 đến năm 2003, đánh dấu bằng sự thành lập của 4 công ty quản lý tài sản được Chính phủ tài trợ (Asset Management Corporation- AMC), mỗi công ty tương ứng với một trong số 4 NHTM Nhà nước lớn (chiếm tới 70% tổng tài sản của hệ thống ngân hàng), nhằm giải quyết những khoản nợ xấu của 4 ngân hàng này từ trước năm 1996 có tổng giá trị lên tới 1,4 nghìn tỷ NDT (169 tỷ USD), chiếm 19% GDP của Trung Quốc năm 1999 (Bing Wang and Richard Peiser, 2007). Các khoản nợ xấu được chuyển giao tại mức giá trị sổ sách trực tiếp từ 4 NHTM cho 4 AMC tương ứng được thực hiện suốt năm 1999 và 2000 và trách nhiệm của 4 AMC này là phải xử lý hết các khoản nợ xấu này trong vòng 10 năm.

Giai đoạn thứ ba, Trung Quốc tập trung vào tái cấu trúc các NHTM Nhà nước bằng cách mời gọi sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài có chọn lọc và niêm yết ra công chúng nhằm tăng tính minh bạch và nâng cao năng lực quản trị của 4 NHTM Nhà nước lớn này.

Bài viết sẽ tập trung vào giai đoạn thứ hai nhằm đi sâu tìm hiểu kinh nghiệm xử lý nợ xấu thông qua các AMC của Trung Quốc.

Khi các AMC được thành lập năm 1999, NHTW Trung Quốc, Bộ Tài chính, và Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đều được chỉ định là cơ quan điều tiết. Năm 2003, Uỷ ban Giám sát Ngân hàng Trung Quốc (CBRC) được thành lập và đã tiếp nhận một phần trong những trách nhiệm điều tiết. CBRC phụ trách các hoạt động hàng ngày của các AMC, trong khi Bộ Tài chính xác định có chấp thuận một khoản nợ xấu hay không. Ngoài ra, một Ban giám sát được chỉ định bởi Hội đồng Nhà nước sẽ giám sát chất lượng tài sản của các AMC và đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của các lãnh đạo cấp cao. CSRC, Uỷ ban quản lý và giám sát các tài sản nhà nước, Cục Kiểm toán Nhà nước, NHTW và Bộ Thương mại giám sát một số hoạt động của các AMC trong quyền hạn tương ứng của họ. Như vậy, một số chức năng điều tiết là chồng chéo nhau.

Theo quy định của Chính phủ, các AMC có 4 phương thức để huy động vốn bao gồm: Vốn từ Bộ Tài chính, khoản vay đặc biệt từ NHTW Trung Quốc, phát hành trái phiếu có bảo lãnh của Bộ Tài chính, và vay thương mại từ các định chế tài chính khác. Trên thực tế, để thực hiện mua lại khoản nợ xấu khổng lồ kể trên, các AMC đã phải vay tới 40% từ NHTW Trung Quốc, 60% còn lại được tài trợ bằng trái phiếu của AMC phát hành cho 4 NHTM Nhà nước.

Các AMC đã sử dụng nhiều biện pháp để xử lý nợ xấu bao gồm thanh lý tài sản, bán tài sản trực tiếp cho các nhà đầu tư và chứng khoán hóa những khoản nợ xấu này. Việc xử lý nợ xấu của Trung Quốc còn gắn liền với tái cơ cấu DNNN nên các AMC cũng có vai trò trong quá trình tái cơ cấu DNNN thông qua các biện pháp hoán đổi nợ thành cổ phần và tái cấu trúc doanh nghiệp.

Các AMC đã tích cực bán, đấu giá và cơ cấu lại các khoản nợ xấu, nhà bị tịch thu, kiện tụng và thanh lý. Cuối năm 2001, các cuộc đấu giá quốc tế nợ xấu đầu tiên tại Trung Quốc đã diễn ra, với việc bán các khoản nợ trị giá 13 tỷ NDT của Huarong AMC cho 2 tổ chức quốc tế. Đó là một mốc quan trọng bởi vì lần đầu tiên thông tin về giá cả thị trường của các khoản nợ xấu được tiết lộ một cách đáng tin cậy. Được biết, Huarong AMC nhận được tối đa 21% giá trị sổ sách của khoản nợ.

Với quy mô nợ xấu lớn của Trung Quốc, chứng khoán hóa cũng là một cách hiệu quả để xử lý nợ xấu, bởi chúng tạo ra các loại chứng khoán có rủi ro khác nhau nên có thể thu hút được nhiều nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro khác nhau và thu lại được tiền mặt ngay lập tức cho tổ chức phát hành. Nghiệp vụ chứng khoán hóa các khoản nợ xấu ở Trung Quốc được thực hiện không chỉ có sự tham gia của các AMC mà còn bởi các NHTM khác với tỷ lệ thu hồi được báo cáo là từ 10-30%.

Về hoán đổi nợ thành cổ phần, năm 1999 các AMC đã mua lại các khoản nợ xấu giá trị 405 tỷ NDT của 580 DNNN quy mô lớn và vừa được lựa chọn tại 4 NHTM nhà nước và thực hiện chuyển đổi các khoản nợ phải trả thành cổ phần của AMC trong các doanh nghiệp này. Kết quả là tỷ lệ trung bình các khoản nợ/tài sản trong DNNN tái cấu trúc giảm xuống từ 73% năm 1999 xuống dưới 50% năm 2000 (Ye and Zhai, 2001). Các AMC sẽ tham gia vào quản trị doanh nghiệp, tái cấu trúc doanh nghiệp và khi các doanh nghiệp này hoạt động có lợi nhuận trở lại, các AMC có quyền nhận cổ tức và bán lại cổ phần cho các doanh nghiệp với mức giá thỏa thuận trước trong vòng 10 năm. Hơn nữa, các AMC cũng được ưu tiên rút vốn khỏi các doanh nghiệp này khi niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đây chính là khoản tiền mặt mà các AMC có thể thu hồi được từ nợ xấu thông qua hoán đổi nợ thành cổ phần tại các DNNN.

Thông qua các biện pháp xử lý nợ xấu, đến cuối năm 2004, 4 AMC này chỉ thu hồi được 675 tỷ NDT, chưa đến 40% giá trị nợ xấu được chuyển giao từ năm 1999. Tỷ lệ thu hồi tiền mặt tại các AMC tính đến tháng 12/2004 đạt khoảng 20%, thấp hơn nhiều so với mức 49% của Thái Lan và mức 20-30% ước tính của Nhật Bản. Cho đến nay, thời hạn hoạt động của các AMC đã kết thúc nhưng vẫn chưa có công bố cụ thể nào về tỷ lệ thu hồi thực sự của 4 AMC này. Tỷ lệ thu hồi và tốc độ thu hồi của Trung Quốc thấp hơn chủ yếu là do chất lượng tài sản thấp, quy định mua lại nợ xấu theo giá trị sổ sách, và tính thiếu minh bạch tại các AMC.

Các khoản nợ xấu được mua lại phát sinh từ trước năm 1996, mà chủ yếu là do việc đầu tư vào các dự án đã bị đình trệ do vi phạm các quy định về sử dụng đất đai, môi trường và các quy định khác. Ngoài ra, theo các AMC ước tính, chỉ có khoảng 22% các khoản nợ được bảo đảm bằng bất động sản, quyền sở hữu trí tuệ, hoặc các loại chứng khoán khác, trong đó tỷ lệ được bảo đảm bằng bất động sản chỉ chiếm 7% tổng giá trị khoản nợ xấu (Xu, 2005), nên khả năng thanh lý tài sản để thu hồi nợ là thấp. Điều này làm giảm giá trị của các khoản nợ đối với các nhà đầu tư.

Việc quy định mua lại các khoản nợ xấu theo giá trị sổ sách trong khi giá trị thị trường tại thời điểm đó được ước tính chỉ khoảng 20% giá trị sổ sách đã giúp các NHTM Nhà nước lớn loại những khoản nợ xấu lớn khỏi bảng tổng kết tài sản của mình, nhưng đã gây ra những khoản thua lỗ không thể tránh khỏi đối với các AMC, và khiến các AMC mất động lực để tối đa hóa mức giá thu hồi. Vì tính không hợp lý của quy định này nên năm 2004, các AMC đã được phép mua lại nợ xấu với giá thị trường. Vào tháng 7/2004, Cinda AMC đã mua lại 278,7 tỷ nợ xấu với mức 50 cent cho 1 USD và cho biết khả năng thu hồi là 33-34 cent cho 1 USD vào cuối năm 2005. Mặc dù mức giá mua lại vẫn còn cao hơn so với khả năng thu hồi, nhưng việc này cũng phần nào là bước đi phù hợp tạo động lực gia tăng tỷ lệ thu hồi cho các AMC.

Ngoài ra, việc thiếu minh bạch trong hoạt động của các AMC cũng là nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ thu hồi thấp. Các AMC được miễn kiểm toán bởi các tổ chức kiểm toán độc lập. Tham nhũng và kiểm soát nội bộ yếu kém là phổ biến với 38 vụ việc vi phạm đã được phát hiện đã khiến các nhà đầu tư nản lòng trước việc thông đồng, giao dịch mua bán nội bộ có thể diễn ra trong quá trình mua bán tài sản.

Kết quả của việc xử lý nợ xấu là chất lượng tài sản tại 4 NHTM Nhà nước được cải thiện đáng kể và đã tiến hành niêm yết ra công chúng sau khi được tái cơ cấu vốn. Tuy nhiên, những khoản nợ xấu này không hề biến mất khỏi hệ thống tài chính Trung Quốc, chúng chỉ được chuyển giao từ một tổ chức này sang một tổ chức khác, những nguy cơ tiềm ẩn gây ra cho hệ thống tài chính Trung Quốc không có nghĩa là được giảm bớt.

1.3. Kinh nghiệm của Hungary

Hungary là quốc gia Đông Âu đã phải trải qua giai đoạn chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường với những yêu cầu về cải cách kinh tế, trong đó có công tác tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Yêu cầu phải tái cấu trúc hệ thống ngân hàng được đặt ra tại Hungary vào đầu thập niên 90 khi tỷ lệ nợ xấu tại nước này trên mức 30%. Chính vì vậy, việc xử lý nợ xấu ngân hàng là một nhiệm vụ trọng tâm trong công tác tái cấu trúc hệ thống ngân hàng tại quốc gia này. Hàn Quốc và Hungary có cách thức giải quyết nợ xấu riêng nhưng có một điểm trùng hợp là cả 2 quốc gia này đều thành lập một tổ chức chuyên biệt để giải quyết nợ xấu. Tuy nhiên, cách thức xử lý nợ xấu tại 2 nước là không hoàn toàn giống nhau và đạt được những thành công, thất bại khác nhau. Xử lý thì nợ xấu tại Hungary được chia làm hai nhóm: Các khoản nợ lớn và phức tạp được giao cho một cơ quan trực thuộc Chính phủ và Ngân hàng Phát triển Hungary (HDB) giải quyết. Các khoản nợ còn lại do các ngân hàng tự giải quyết theo thỏa thuận với Bộ Tài chính. Quá trình xử lý nợ xấu tại Hungary bao gồm 3 quá trình nối tiếp nhau: Làm sạch danh mục vốn đầu tư của các ngân hàng; xóa nợ cho các DNNN quan trọng và tái cấp vốn cho các ngân hàng.

Đầu tiên, Hungary thực hiện lành mạnh hóa danh mục vốn đầu tư của các ngân hàng. Hungary cho phép các ngân hàng chuyển các khoản nợ xấu hoặc nợ cũ sang trái phiếu kỳ hạn 20 năm. Một cơ quan thu hồi nợ xấu được thành lập vào tháng 12/1992, cơ quan này dùng trái phiếu chính phủ để đổi lấy các khoản nợ xấu được coi là các khoản nợ lớn và quan trọng. Cơ quan này có quyền bán các khoản nợ xấu hoặc tham gia vào quá trình tái cấu trúc các doanh nghiệp không có khả năng trả nợ. Đối với các khoản nợ xấu còn lại, các ngân hàng tự giải quyết theo hợp đồng với Bộ Tài chính, và hạn chế các khoản cho vay mới. Để khuyến khích các ngân hàng tự xử lý vấn đề nợ xấu, Chính phủ Hungary cấp cho các ngân hàng 2% phí xử lý nợ xấu. Trên thực tế, mức trợ cấp này là quá thấp nên hầu hết các ngân hàng đã tìm cách bán các khoản nợ xấu cho các công ty xử lý nợ xấu tư nhân trên thị trường. Những khoản nợ xấu không thể giải quyết và không thể bán cuối cùng lại chuyển giao cho HDB và trong hầu hết trường hợp, HDB đã phải xóa nợ các khoản nợ xấu này. Chi phí cho quá trình lành mạnh hóa danh mục đầu tư của các ngân hàng tương đương 3,7% GDP Hungary thời điểm đó. Tuy nhiên, công tác xử lý nợ xấu nêu trên tại Hungary chỉ mang tính chất tạm thời và cũng chỉ có kết quả hạn chế do: (i) Việc chuyển các khoản nợ xấu sang trái phiếu không bao gồm các khoản nợ còn nghi ngờ và các khoản nợ dưới chuẩn (tương đương nợ nhóm 3 và nhóm 4 tại Việt Nam); (ii) giải pháp trên chưa giải quyết được vấn đề đầu tư kém hiệu quả của các ngân hàng; (iii) quá trình xử lý nợ xấu không đi kèm với sự thay đổi trong cách quản lý và hoạt động của ngân hàng và (iv) Chính phủ Hungary yêu cầu một công ty kiểm toán tham gia vào quá trình làm sạch danh mục đầu tư của các ngân hàng nhưng công tác kiểm toán thực hiện quá nhanh và sơ sài.

Tuy nhiên, vấn đề nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Hungary chưa thể được giải quyết do hoạt động ngân hàng không hiệu quả vẫn tiếp diễn. Chính vì vậy, Chính phủ Hungary đã quyết định xử lý nợ xấu trực tiếp từ hai chủ thể chính liên quan đến vấn đề nợ xấu là các DNNN và ngân hàng.

Chính phủ Hungary đã xóa nợ cho các DNNN mà Chính phủ coi là quan trọng. Các khoản nợ xấu này được xóa trên bảng cân đối của ngân hàng; đổi lại ngân hàng sẽ được nhận trái phiếu chính phủ kỳ hạn 20 năm. Chi phí cho công tác xóa nợ này tương đương khoảng 1,6% GDP.

Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu tại Hungary vẫn ở mức cao, xấp xỉ 30% vào năm 1993 do Hungary bắt đầu áp dụng cách phân loại nợ mới theo tiêu chuẩn quốc tế, nên một số khoản nợ xấu mới đã xuất hiện. Trong khi đó, tình trạng tài chính của các doanh nghiệp mắc nợ vẫn tiếp tục bị xấu đi.

Do vậy, Hungary quyết định sẽ tái cấp vốn cho các ngân hàng nhằm giúp các ngân hàng đạt được tỷ lệ CAR 8%. Tái cấp vốn được thực hiện dưới hình thức Chính phủ dùng trái phiếu Chính phủ để mua các cổ phiếu mới phát hành của các ngân hàng nằm trong chương trình tái cấp vốn. Kết quả là sở hữu Nhà nước trong ngân hàng tăng tạm thời. Sau đó, Hungary gia hạn cho các khoản vay phụ cho các ngân hàng nhằm không làm gia tăng sở hữu Nhà nước trong hệ thống ngân hàng. Tiếp theo, các ngân hàng phải tự giải quyết nợ xấu. Hầu hết các ngân hàng đều được yêu cầu thành lập một bộ phận riêng để giải quyết nợ xấu (ngay trong chính ngân hàng hoặc một bộ phận độc lập). Việc này sẽ giúp tách bạch được hoạt động xử lý nợ xấu với các hoạt động bình thường của ngân hàng và giúp phân loại được ngân hàng tốt và xấu cho quá trình tư nhân hóa. Các ngân hàng được tái cấp vốn được yêu cầu phải nộp một kế hoạch củng cố hoạt động cụ thể nhằm lành mạnh hóa hoạt động (bao gồm hợp lý hóa công tác quản lý, cải cách kiểm soát nội bộ và hiện đại hóa hoạt động ngân hàng). Việc triển khai thực hiện đề xuất tiến hành theo một bản thỏa thuận ký kết giữa ngân hàng và Bộ Tài chính.

Bằng cách xử lý các khoản nợ xấu lớn thông qua một cơ quan chuyên biệt và HDB, các khoản nợ xấu còn lại do ngân hàng tự giải quyết; kết hợp cùng công tác giải quyết nợ xấu trực tiếp từ phía các DNNN và tái cấp vốn cho ngân hàng, Hungary đã thành công trong công tác xử lý nợ xấu. Nợ xấu tại Hungary đã giảm từ gần 30% vào năm 1993 xuống khoảng 5% vào năm 1997 với chi phí xử lý nợ xấu của Hungary khoảng 13% GDP.

Tóm lại, bằng cách kết hợp nhiều giải pháp, công tác xử lý nợ xấu của Hungary tỏ ra khá hiệu quả. Điều này có được là nhờ công tác xử lý nợ xấu của Hungary được điều chỉnh kịp thời khi các biện pháp giải quyết nợ xấu ban đầu tỏ ra không hiệu quả. Hơn thế nữa, các biện pháp Hungary sử dụng đã xử lý được triệt để hơn gốc rễ phát sinh nợ xấu.

2. Các bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong quá trình xử lý nợ xấu

2.1. Việc thành lập cơ quan chuyên biệt quản lý nợ xấu trực thuộc Ngân hàng Nhà nước

Như kinh nghiệm của các quốc gia, việc thành lập cơ quan xử lý nợ xấu chuyên biệt trực thuộc Chính phủ (có thể ủy quyền cho NHNN quản lý) là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên, cơ quan này sẽ xử lý một phần nợ xấu của các NHTM. Cụ thể, cơ quan này nên tập trung vào xử lý nợ xấu của các tập đoàn, DNNN tại các NHTM. Việc xử lý có thể thực hiện theo một trong những phương thức sau:

(1) Xóa nợ thông qua việc thay thế bằng các trái phiếu do Chính phủ phát hành. Theo mô hình của Hungary, NHNN có thể cho phép các ngân hàng chuyển các khoản nợ xấu hoặc nợ cũ sang trái phiếu kỳ hạn 20 năm. Cơ quan chuyên biệt xử lý nợ của Chính phủ sẽ dùng trái phiếu Chính phủ để đổi lấy các khoản nợ xấu được coi là các khoản nợ lớn và quan trọng. Cơ quan này có quyền bán các khoản nợ xấu hoặc tham gia vào quá trình tái cấu trúc các doanh nghiệp không có khả năng trả nợ.

(2) Hoán đổi các khoản nợ của tập đoàn kinh tế và DNNN với các NHTM cho vay (gồm cả các NHTM Cổ phần và NHTM có vốn Nhà nước chi phối) thành vốn cổ phần. Theo đó, sở hữu Nhà nước sẽ gia tăng trong một số NHTM (gồm cả NHTM cổ phần). Điều này tuy tốn chi phí nhưng sẽ tạo thuận lợi cho NHNN trong chỉ đạo việc hợp nhất, sáp nhập các NHTM phục vụ quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Nguồn vốn của cơ quan quản lý nợ xấu chuyên biệt trên nên hình thành từ việc phát hành trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh. Trên thực tế, hoạt động của NHTM Việt Nam nếu được tái cấu trúc thành công và kinh doanh trong một môi trường thuận lợi thì sẽ tạo lượng lợi nhuận rất lớn (điều này đã được chứng minh trong giai đoạn từ 2005 đến 2009), tăng tính khả thi trong việc hoàn trả các khoản nợ trái phiếu được bảo lãnh bởi Chính phủ.

2.2. Việc xử lý nợ xấu thông qua các cơ quan quản lý tài sản của các NHTM

Theo tính toán, đến nay các NHTM đã trích lập dự phòng tín dụng 70.000 tỷ, trong đó 84% nợ xấu có tài sản đảm bảo với giá trị tài sản đảm bảo tương đương 130% giá trị các khoản nợ và đa phần là bảo đảm bằng bất động sản. Như vậy, các NHTM hoàn toàn có thể chủ động xử lý các khoản nợ xấu của mình (với điều kiện là có tài sản bảo đảm). Vấn đề là phải xây dựng cơ chế hợp lý. Cơ chế phải đảm bảo được 5 nguyên tắc: (1) Hỗ trợ các NHTM thu hồi được vốn đã đầu tư vào nợ xấu nhanh chóng nhưng không gây ra tổn thất quá lớn cho các NHTM; (2) việc thu hồi nợ xấu không làm trầm trọng thêm tình hình thị trường bất động sản; (3) giảm thiểu tối đa thiệt hại của các nhà đầu tư; (4) giảm thiểu tối đa chi phí của Chính phủ; (5) tách biệt hoạt động xử lý nợ xấu và hoạt động kinh doanh của NHTM. Căn cứ theo kinh nghiệm của 3 quốc gia được nghiên cứ trên, nên thực hiện cơ chế như sau:

Thứ nhất, các NHTM bắt buộc phải sử dụng dự phòng để xử lý những khoản vay đối với các doanh nghiệp tư nhân mà không có tài sản bảo đảm hoặc có tài sản bảo đảm nhưng sụt giảm nghiêm trọng giá trị hoặc tranh chấp pháp lý quá phức tạp.

Thứ hai, tất cả các NHTM có nợ xấu bắt buộc phải thành lập công ty quản lý nợ (AMC) để tách hoạt động xử lý nợ xấu khỏi hoạt động kinh doanh của NHTM.

Thứ ba, các NHTM sẽ nhóm toàn bộ các khoản nợ xấu này lại và bán cho các AMC trực thuộc NHTM. Các AMC của NHTM sẽ căn cứ theo mức độ rủi ro của các khoản nợ, giá trị thực của tài sản bảo đảm để phát hành ra các loại trái phiếu (đây là một dạng của phương thức chứng khoán hóa các khoản vay có bảo đảm). Chẳng hạn, AMC có thể chia trái phiếu thành 3 hạng ứng với 3 nhóm nợ là nhóm 3, 4 và 5. Mỗi loại này sẽ có mức lãi suất khác nhau nhưng tối thiểu phải cao hơn lãi suất tiền gửi cùng kỳ hạn. Số tiền thu hồi này sẽ được chuyển cho NHTM để phục vụ việc cho vay các hoạt động kinh doanh, sản xuất.

Thứ tư, Chính phủ nên thực hiện bảo lãnh với các trái phiếu trên đồng thời thành lập cơ quan quản lý bất động sản trực thuộc Chính phủ để quản lý các bất động sản trong trường hợp Chính phủ phải thực hiện chi trả bảo lãnh cho các trái phiếu. Chỉ với sự bảo lãnh của Chính phủ thì các nhà đầu tư trong nước và quốc tế mới thấy được sự hấp dẫn từ các loại trái phiếu trên. Hơn thế, sự trầm lắng của bất động sản cũng như hoạt động tín dụng bất động sản chỉ là tạm thời ở Việt Nam nếu nhìn toàn bộ chu kỳ phát triển của thị trường này tại Việt Nam từ năm 1991 đến nay. Khi thị trường phục hồi thì mọi thứ sẽ trở lại quỹ đạo tích cực. Vấn đề là cơ chế phải tạo điều kiện cho các NHTM và thị trường vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Thứ năm, Chính phủ nên giao nhiệm vụ rõ ràng cho NHNN trong việc ban hành quy chế về hoạt động AMC cũng như hoạt động chứng khoán hóa. Đồng thời xác định rõ trách nhiệm của NHNN trong việc giám sát hoạt động trên, tránh tối đa các NHTM sử dụng nghiệp vụ chứng khoán hóa trên để làm gia tăng rủi ro hệ thống (giống trường hợp của Mỹ giai đoạn 2007-2009).

Việc xử lý nợ xấu của Việt Nam dựa trên kinh nghiệm của các quốc gia, tuy nhiên, việc vận dụng các kinh nghiệm trên phải tính đến điều kiện của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là (1) kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định; (2) hoạt động cho vay phần lớn dựa trên tài sản bảo đảm là bất động sản trong khi thị trường bất động sản chỉ có thể phục hồi trong trung hạn; (3) xử lý nợ xấu không được gây tổn thất quá lớn cho Chính phủ và bản thân các NHTM. Với 2 nhóm khuyến nghị xử lý nợ xấu trên, hy vọng việc áp dụng các kinh nghiệm của Hàn Quốc, Trung Quốc và Hungary sẽ đảm bảo xử lý nợ xấu phù hợp với 3 yêu cầu đặc thù của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

NGND. PGS. TS. Tô Ngọc Hưng

SBV

Các tin tức khác

>   “15 tỷ USD nằm bất động ở vàng” (13/11/2012)

>   Thống đốc Nguyễn Văn Bình: "Không có lý do gì bình ổn giá vàng!" (13/11/2012)

>   Hơn 260.000 tỷ đồng nợ ngân hàng đã được xử lý (13/11/2012)

>   Hệ thống ngân hàng chia sẻ khó khăn đối với nền kinh tế (13/11/2012)

>   HDBank - Ngân hàng tiết kiệm tốt nhất 2012 (13/11/2012)

>   EIB: Lãi 9 tháng đạt 53% kế hoạch, tổng tài sản và tín dụng đều giảm (13/11/2012)

>   Sacombank cho vay ưu đãi lãi suất 10% (13/11/2012)

>   Ưu đãi lãi suất vay cho khách tốt (13/11/2012)

>   Được cứu nợ xấu: Ngân hàng, BĐS lại lên hương (13/11/2012)

>   Giải mã vàng SJC chênh giá 3 triệu đồng/lượng (13/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật