Thống đốc Nguyễn Văn Bình: "Không có lý do gì bình ổn giá vàng!"
“Dù chênh lệch giá vàng lớn nhưng không ảnh hưởng kinh tế vĩ mô, tỉ giá nên không ảnh hưởng chỉ tiêu giá cả, lạm phát. Vàng không nằm trong rổ hàng hóa tính CPI nên không có lý do gì bình ổn giá vàng”
Thống đốc Nguyễn Văn Bình trả lời chất vấn sáng 13-11.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình
|
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận xét, thị trường tài chính tiền tệ đang có vấn đề nóng về nợ xấu, tái cấu trúc hệ thống các ngân hàng (NH) thương mại… Về thị trường vàng: Câu chuyện quản lý nhà nước, câu chuyện thị trường: quản lý thị trường vàng theo cơ chế thị trường có vai trò nhà nước nhằm đảm bảo nền kinh tế không bị vàng hóa. Không dùng vàng đầu cơ, đầu tư mà không đem lại hiệu quả nên cần tăng cường vai trò nhà nước. Tính độc quyền của nhà nước: Không độc quyền kinh doanh nhưng phải quản lý, đảm bảo người có vàng, mục đích sử dụng vàng làm trang sức, cất trữ được đảm bảo, thị trường vàng phát triển, quản lý nhà nước chặt chẽ.
Đồng thời, cần giải quyết, ngăn chặn những tiêu cực trong kinh doanh của thị trường vàng, tiền tệ gây bức xúc trong xã hội. Đây là những vấn đề trọng tâm Thống đốc NH Nhà nước sẽ trả lời chất vấn.
Chủ tịch nói rằng: Vấn đề rất nóng nhưng chúng ta có thể trả lời từ từ.
Tuy nhiên, khi các đại biểu vừa đặt câu hỏi hội trường đã “nóng” lên vì nợ xấu, quản lý vàng miếng và độc quyền vàng!
Đại biểu Dương Hoàng Hương (Bà Rịa – Vũng Tàu): Sự chênh lệch kéo dài giá vàng trong nước và thế giới, đánh giá của thống đốc? Một lượng vàng lớn nhàn rỗi trong dân trong khi nền kinh tế thiếu vốn, làm sao huy động được?
Nợ xấu và vấn đề giải quyết nợ xấu đang gây những băn khoăn lo lắng, nếu không giải quyết hệ lụy sẽ gây ra tiêu cực? Do nợ xấu phát sinh nhiều nguyên nhân, nhiều lĩnh vực, có đại biểu đề xuất giải pháp 3+1 cần nhiều lĩnh vực mới giải quyết được hàng tồn kho, nợ xấu? Trách nhiệm tổng thể giải quyết?
Dù có giải pháp hỗ trợ nhưng việc doanh nghiệp tiếp cận vốn vẫn gặp khó khăn, vướng mắc, làm sao để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn vốn?
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết: Vì sao cơ chế quản lý thị trường vàng chưa đạt mục tiêu kéo sát về thế giới, vì sao NH Nhà nước không quản lý chất lượng vàng mà quản lý thương hiệu vàng gây những bất cập?
Tiến độ xử lý nợ xấu còn chậm, tỉ lệ nợ xấu trong các lĩnh vực ra sao, đâu là nguyên nhân chính và khắc phục? Bao giờ giải quyết xong nợ xấu?
Đại biểu Đàm Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận): Nguyên nhân dẫn đến nợ xấu quá lớn tại các NH, nhất là NH có vốn nhà nước? Lỗi nợ xấu tại ai: người vay hay người cho vay? Với vai trò người đứng đầu, xử lý các NH gây nợ xấu như thế nào? Hướng xử lý với những cho vay không đúng mục đích, đối tượng? Việc dùng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu ra sao và có công bằng giữa các tổ chức tín dụng? Có lợi ích nhóm trong việc xử lý nợ xấu hay không khi lấy dự phòng xử lý nợ xấu?
Doanh nghiệp gặp khó khăn, mà chưa thấy nhà nước quan tâm. Lúc doanh nghiệp làm ăn tốt đóng góp ngân sách không nhỏ, khi gặp khó khăn doanh nghiệp cũng cần được tiếp sức. Thống đốc có chia sẻ gì và giải pháp cụ thể để tăng trưởng tín dụng, làm sao để doanh nghiệp hấp thụ được vốn?
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng): Luật TCTD có hiệu lực từ 1-1-2011 nhưng đến ngày 8-3-2012 mới ban hành Thông tư 04 hướng dẫn việc ủy thác, ảnh hưởng đến một số TCTD trong thời gian chưa có thông tư. Sự chậm trễ ban hành này, gây ra thiệt hại cho các tổ chức và cá nhân thì trách nhiệm của NH Nhà nước đến đâu?
Nếu trước đây, chi phí dập vàng SJC chỉ khoảng 7k-8k/lượng, nay khi chuyển đổi khoảng 50k, với việc chuyển đổi mỗi ngày hàng tỉ đồng? Sao có sự chênh lệch, mức chi phí này do ai đặt ra, được sử dụng ra sao? Việc mua bán vàng miếng là tập quán lâu đời của người dân, NH Nhà nước có những giải pháp nào phát triển thị trường vàng, liên thông với thế giới và hạn chế tiêu cực, đưa vào phát triển nền kinh tế.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình:
Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới: Trước đây, mỗi khi giá vàng trong nước có biến động lên xuống theo giá thế giới ảnh hưởng lớn đến kinh tế vĩ mô do ảnh hưởng tỉ giá. Giá vàng chỉ cần hơn thế giới đã có hiện tượng buôn lậu vàng qua biên giới, đầu cơ rất lớn. Thống kê của NH Nhà nước nhiều năm qua, một năm lượng vàng buôn lậu qua biên giới khoảng 10-30 tấn nên khi có chênh lệch giới đầu cơ gom vàng, gom USD chợ đen gây ảnh hưởng tỉ giá chợ đen tăng cao và tỉ giá chính thức tăng theo. Khi đó, ảnh hưởng xuất nhập khẩu, Mặt hàng các hàng hóa nguyên liệu nhập khẩu tăng, đội giá hàng hóa trong nước làm chỉ số giá cả tăng, ảnh hưởng làm phát. Giá vàng ảnh hưởng lớn đến kinh tế vĩ mô và chảy máu ngoại tệ. Nên dù biết vàng không phải là mặt hàng thiết yếu, không phục vụ quốc tế dân sinh. Nhưng vì tính chất của nó ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô buộc Chính phủ phải cho phép nhập khẩu vàng để ổn định giá vàng trong nước, sát với quốc tế.
Trước khi có Nghị định 24, thị trường vàng bỏ ngỏ, không ai quản lý. Mỗi bộ, ngành, cơ quan chỉ quản lý một khúc. Theo Nghị định 174, NH Nhà nước chỉ quản lý xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu dập ra vàng miếng. Vàng miếng được coi là hàng hóa bình thường. Hơn 12.000 cửa hàng kinh doanh vàng miếng, mọi doanh nghiệp chỉ cần có giấy phép kinh doanh vàng do Sở KHĐT cấp là được buôn bán thoải mái vàng miếng.
Điều này, quản lý hoạt động thị trường vàng nhiều bất cập.
Để chấn chỉnh, NH Nhà nước ban hành Nghị định 24 từ khoảng năm 2009, nhưng vì động chạm nhiều lĩnh vực kinh doanh trên thị trường nên rất nhiều lần đàm phán, trao đổi đến năm 2011 mới ban hành và có hiệu lực từ 25-5 vừa qua: Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng. Cùng với Nghị định 95 về xử phạt trong ngoại hối và kinh doanh vàng.
Hai nghị định này giúp thị trường vàng bước đầu đạt những mục tiêu đặt ra: nhập lậu vàng qua biên giới trước đây hầu như ngăn chặn, không còn nhập lậu vàng như trước đây. Từ tháng 4 trở lại đây, thị trường ngoại tệ ổn định, giá vàng trong nước quốc tế tăng dần từ chênh lệch 1 triệu đồng/lượng đến nay 3 triệu đồng/lượng… Dù chênh lệch giá vàng lớn nhưng không ảnh hưởng kinh tế vĩ mô, tỉ giá nên không ảnh hưởng chỉ tiêu giá cả, lạm phát.
Vàng không nằm trong rổ hàng hóa tính CPI.
Giá vàng trong nước cao hơn thế giới nhưng không ảnh hưởng kinh tế vĩ mô. Là mặt hàng kinh doanh có điều kiện và nhà nước không khuyến khích kinh doanh, không thuộc diện phải bình ổn giá. Không có lý do bình ổn giá vàng.
Làm sao huy động vàng trong dân?: Đến nay, chưa có cơ quan nào làm khảo sát đánh giá có bao nhiêu vàng trong nền kinh tế, dù nhiều thông tin khác nhau. Lượng vàng này theo ước tính của NH Nhà nước khoảng 250 tấn đến 300 tấn (khoảng dưới 15 tỉ USD). Lượng tiền rất lớn nằm dưới dạng ngoại tệ. Mục tiêu làm sao huy động, khơi thông vàng phục vụ kinh tế và không làm tăng thêm vàng hóa kinh tế. Đây là mục tiêu trong đề án chống vàng hóa của NH Nhà nước.
Sau khoảng 5 tháng thực hiện nghị định 24, hệ thống các TCTD đã mua lại của người dân hơn 60 tấn vàng. Nếu không phải vì quý IV các TCTD phải thanh toán các khoản tín dụng, thanh khoản gặp khó khăn… sẽ phải mua hết số vàng đã nợ của dân trước ngày 25-11. Nếu trong tình trạng bình thường, các NH có thể mua vào 80 tấn vàng.
Đây là cứu cánh của nền kinh tế trong năm 2012. Thời điểm này năm ngoái, bức tranh trên thị trường tiền tệ: các NH vay nhau liên NH khoảng 25-30%, nguy cơ mất thanh khoản lan rộng toàn hệ thống. Doanh nghiệp vay NH 20-25%... thanh khoản của hệ thống NH và nền kinh tế vô cùng cạn kiệt.
Việc chống vàng hóa bước đầu hiện phục vụ kinh tế.
Về nợ xấu: Thực trạng, nợ xấu hệ thống NH không phải bây giờ mới nhìn thấy mà từ tháng 8-2011 đã thấy nguy cơ nợ xấu tăng lên nhanh. NH Nhà nước đã xây dựng đề án tái cấu trúc hệ thống NH trong đó có nợ xấu. Lần đầu tiên NH Nhà nước công bố tỉ lệ nợ xấu theo đánh giá của NH Nhà nước. Năm 2008, khi Mỹ đổ vỡ trong hệ thống NH do bất động sản và đến nay chưa giải quyết xong. Tại Việt Nam, hiện có 3 số liệu về nợ xấu, số liệu theo đánh giá của cơ quan quản lý nhà nước sẽ chính xác nhất. Theo báo cáo của các TCTD, nợ xấu 4,93% đến 30-9 và con số này theo NH Nhà nước 8,82% và tốc độ này gia tăng nhanh chóng từ năm 2008. Năm 2008 tăng 74%, năm 2009 24%, 2011 64% và từ đầu năm đến nay nợ xấu tăng 66%... Hệ quả của những tồn tại trước đây dồn lại, làm nợ xấu đến nay tăng nhanh.
Xử lý nợ xấu: Nếu nói nguyên nhân có 5 nhóm: do các TCTD cho vay vốn, do doanh nghiệp đi vay vốn, do cơ chế chính sách vĩ mô và phát triển ngành, do môi trường điều kiện trong ngoài nước từng thời kỳ và do công tác thanh tra giám sát trong ngành NH và các lĩnh vực khác. Tôi đi nặng về nhóm giải pháp hệ thống NH.
Đến 30-6, tổng số nợ được cơ cấu khoảng 36.000 tỉ và đến 30-9 là đến khoảng 252.000 tỉ đồng.
Đến nay, trích lập dự phòng khoảng 70.000 tỉ đồng và các TCTD đã xử lý được nợ xấu khoảng 12.000 tỉ đồng.
Thái Phương
Người lao động
|