Thứ Ba, 13/11/2012 07:07

Ưu đãi lãi suất vay cho khách tốt

Nhiều ngân hàng đang tích cực giảm lãi suất cho vay, thêm ưu đãi nhằm “lôi kéo” khách hàng tốt.

DN càng tốt, lãi suất vay càng thấp

. Thưa ông, có nghịch lý hay không khi DN tốt thì đang vay lãi suất thấp, còn DN cần hỗ trợ nhiều hơn lại phải vay lãi suất cao hơn?

+ Ông Đặng Quốc Tiến, Phó Tổng Giám đốc NH Quân đội (MBB): Hiện nay tổng vốn huy động toàn hệ thống NH tại TP.HCM vào khoảng 7%-8% nhưng cho vay ra chỉ khoảng 1,28%, chứng tỏ một số NH đang dư vốn. NH luôn muốn cho vay nhưng trong điều kiện nợ xấu ngày càng tăng cao, NH cho vay ra nhiều nhưng phải lựa chọn khách hàng tốt. Nghĩa là DN thuộc nhóm I càng được ưu tiên giải ngân nhanh.

. Như vậy dựa vào lãi suất được vay có thể biết tình trạng DN?

+ Đúng vậy, nếu DN được vay lãi suất khoảng 15% thì đơn vị này đang phát triển ở mức độ chấp nhận được, được vay lãi suất 12%-12,5% là DN tốt. Tuy nhiên, với nhóm khách hàng tốt, nhiều NH sẵn sàng cho vay lãi suất thấp hơn nữa (khoảng 10%) để giữ khách hàng trung thành.

. Tại sao lại giảm thêm lãi suất cho khách hàng trung thành mà không dành cho DN nhóm khác?

+ Trong bối cảnh hiện nay, khách hàng trung thành quan trọng hơn khách hàng lớn. Vì ở bất cứ hoàn cảnh nào, chỉ có khách hàng trung thành mới sử dụng các dịch vụ gửi tiền, vay vốn… của NH. Do đó, không chỉ trong điều kiện tốt mà kể cả điều kiện khó khăn, NH cần có chính sách ưu đãi đối với khách hàng trung thành. Một NH muốn phát triển bền vững phải có nhiều khách hàng trung thành. Họ là những khách hàng mà 10 năm trước, khi tình hình kinh tế thuận lợi thì ăn nên làm ra, đem lợi nhuận lớn về cho NH. Bây giờ kinh tế khó khăn, họ có thể đem về lợi nhuận ít hơn, thậm chí NH chỉ hòa vốn cũng không sao. Sau khi vượt qua khủng hoảng, họ lại tiếp tục gắn bó với NH.

Khách hàng trung thành dễ tiếp cận vốn ngân hàng hơn khi có nhu cầu vay vốn.

Vẫn có thể giảm lãi suất cho DN nhóm II

. Nếu cho vay lãi suất thấp thì phải lấy gì để bù lại?

+ Thứ nhất, muốn cho vay lãi suất thấp NH phải có tiềm lực tài chính tốt, tính thanh khoản cao, nghĩa là tỉ lệ sử dụng vốn tương đối thấp. Cơ sở thứ hai để NH giảm lãi suất là dựa trên rổ tiền tệ bao gồm: huy động vốn của tất cả khoản vay kỳ hạn, không kỳ hạn và khoản tiền gửi ký quỹ, tiền gửi bảo lãnh… trộn với nhau cho ra giá bình quân của tổng huy động. Nếu rổ tiền huy động thấp, NH có thể cho vay ra thấp. Cơ sở này rất quan trọng để mỗi NH tung ra gói giảm lãi suất nhằm cạnh tranh thu hút khách hàng tốt.

. Cụ thể đối với khách hàng tốt thì NH làm thế nào, thưa ông?

+ Thứ nhất, với khách hàng truyền thống có các phương án kinh doanh hiệu quả, NH cam kết giữ mức lãi suất trong kỳ hạn phù hợp, ngay cả khi khó khăn. Chẳng hạn đến nay, MB vẫn còn khách hàng cũ đang vay USD nhập máy móc với lãi suất 3,5%-3,6% USD/năm. Lãi suất nếu có điều chỉnh cũng không đáng kể. Thứ hai, NH phải phân loại khách hàng như tại MB phân nhóm I có ba bậc AAA, AA, A và nhóm II có ba bậc BBB, BB, B… Đến khách hàng nhóm B, chúng tôi phải giảm lượng tín dụng đi nhiều. Cách đánh giá thông qua xếp loại tín dụng như vậy căn cứ vào tiêu chí và khẩu vị rủi ro của từng NH, từ đó đưa ra chính sách phù hợp.

. Vậy nếu DN thuộc nhóm II vẫn có khả năng phát triển thì NH làm thế nào?

+ Trước tiên, NH phải xem xét khó khăn thực tế của DN chứ không chỉ dựa trên hồ sơ. Cụ thể, NH sẽ xem xét doanh thu các tháng vừa rồi, hoạt động kinh doanh năm vừa rồi, luân chuyển và vòng quay của hàng tồn kho, vòng quay vốn lưu động… để từ đó đánh giá tình hình tài chính, mục đích sử dụng vốn của DN đúng hay sai. Nếu việc sử dụng vốn đúng mục đích và tình hình kinh doanh có chiều hướng phát triển tốt, thị trường đầu vào và đầu ra tốt, NH sẽ hỗ trợ trên nguyên tắc vừa bơm tín dụng vừa quản lý chặt doanh thu và giảm dần dư nợ, phù hợp với thực tế của khách hàng. Giả sử khách hàng có thể trả nợ NH đúng hạn nhưng lại bị đối tác chiếm dụng vốn nên từ khách hàng tốt trở thành nợ quá hạn. Nếu đúng như vậy, NH sẽ cơ cấu lại khoản vay, dư nợ (chưa thu lãi quá hạn và tiếp tục bơm tín dụng) để khách hàng phát triển kinh doanh. NH cũng có thể giảm lãi suất như đáng ra là 16% thì còn 15%...

. Nhưng nói gì thì nói NH cơ cấu lại nợ, cho vay thấp vẫn phải dựa trên các nguyên tắc an toàn của tài chính?

+ Tất nhiên, việc tái cơ cấu khoản vay, tín dụng để cứu DN phải dựa trên cơ sở DN đang hoạt động bình thường, có thị trường đầu vào đầu ra ổn định, doanh thu có tiềm năng tăng trưởng...

. Xin cảm ơn ông.

Người ta hay nói vui rằng NH cho cái ô khi trời nắng và rút ô khi trời mưa. Điều này mô tả thực tế tính chất lĩnh vực kinh doanh đầy rủi ro của NH. DN càng tốt thì NH càng có nhiều chính sách ưu đãi, thậm chí cho cả nhân viên của họ và ngược lại. Những DN nhóm khác muốn được như vậy chỉ có cách vươn lên nhóm I mà thôi.

Ông NGUYỄN THANH TOẠI, Phó Tổng Giám đốc NH ACB

Cách tiếp cận khách hàng ở mỗi NH khác nhau nhưng đều phục vụ cho mục đích lâu dài chứ không theo tình thế. Không thể hôm nay thấy có lợi thì làm, mai không thích thì không làm.

Ông TRẦN XUÂN QUẢNG, Phó Tổng Giám đốc Maritime Bank


YÊN TRANG thực hiện

pháp luật tphcm

Các tin tức khác

>   Được cứu nợ xấu: Ngân hàng, BĐS lại lên hương (13/11/2012)

>   Giải mã vàng SJC chênh giá 3 triệu đồng/lượng (13/11/2012)

>   Dồn vốn cho cuối năm (12/11/2012)

>   Thống đốc: “Không có lợi ích nhóm” trong độc quyền vàng miếng (12/11/2012)

>   Giả định 3 kịch bản hợp nhất Sacombank và Eximbank (12/11/2012)

>   Ngân hàng hậu tăng trưởng nóng (12/11/2012)

>   Những vướng mắc trong thi hành quyết định của tòa án để TCTD thu hồi nợ (12/11/2012)

>   Xử lý nợ xấu: Cắt ngọn trước, bổ gốc sau? (12/11/2012)

>   Thống đốc nói về tác động tiêu cực của “lợi ích nhóm” (12/11/2012)

>   Ngân hàng bắt người vay phải ký quỹ? (12/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật