Thứ Hai, 12/11/2012 14:38

Ngân hàng hậu tăng trưởng nóng

Quản trị rủi ro không theo kịp quá trình tăng trưởng nóng và đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hàng loạt những tồn tại của thị trường ngân hàng hiện nay. Việc tái trúc ngân hàng đòi hỏi phải có cái nhìn thấu đáo về điều này nhằm chữa bệnh đúng thuốc.

Bài 1: Lớn nhanh nhưng không mạnh

Quá trình chuyển đổi mô hình chuyên doanh sang đa năng từ năm 1997 đến nay của các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng là quá trình bùng nổ về mọi mặt: tài sản, vốn, nguồn nhân lực, và đặc biệt là về quy mô tín dụng khi tỷ lệ tín dụng ngân hàng/GDP tăng từ khoảng 20% vào năm 1997 lên tới 120% vào năm 2010. Các NHTM cũng luôn có mặt trong bảng xếp hạng những doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.

20 năm, tăng trưởng... hàng ngàn lần

Theo báo cáo kết quả kinh doanh chín tháng đầu năm 2012 vừa được ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) công bố, tính đến 30.9.2012, tổng tài sản của Sacombank đạt 149.689 tỉ đồng, tăng 7% so với thời điểm cuối năm 2011; vốn điều lệ 10.740 tỉ đồng. 20 năm trước, Sacombank được xây dựng với mức vốn điều lệ ban đầu chỉ 3 tỉ đồng!

Trong khoảng 20 năm qua, không chỉ Sacombank, nền kinh tế chứng kiến sự phát triển chóng mặt của hệ thống NHTM, cả về vốn, tài sản, mạng lưới… nhất là trong nhóm những ngân hàng từ mô hình nông thôn chuyển sang đô thị. Như ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), tiền thân là ngân hàng TMCP Nhơn Ái, được thành lập năm 1993 với mức vốn điều lệ chỉ có 400 triệu đồng! Tính đến 30.9.2012, tổng tài sản của SHB đạt 103.785 tỉ đồng; vốn điều lệ là 8.866 tỉ đồng. SHB cũng luôn giữ nhịp tăng trưởng nóng, đặc biệt là từ khi chuyển đổi mô hình từ ngân hàng nông thôn sang đô thị vào năm 2007. Theo đó, tính đến năm 2011, tổng tài sản của SHB tăng năm lần trong vòng bốn năm, từ 14.381 tỉ đồng lên tới 70.990 tỉ đồng (trước khi Habubank sáp nhập vào).

Tương tự như vậy, ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank), từ ngân hàng TMCP Nông Thôn Hải Hưng (cũng thành lập năm 1993), năm 2007 chuyển sang hoạt động theo mô hình ngân hàng TMCP đô thị và đổi tên thành OceanBank. Sau bốn năm (tính đến 2011), ngân hàng này đã tăng 4,5 lần tổng tài sản từ mức 14.091 tỉ đồng lên 62.639 tỉ đồng.

Năm 2011, ngân hàng TMCP Liên Việt (LienVietBank) có tốc độ tăng trưởng tổng tài sản và vốn chủ sở hữu tới hơn 60% so với năm 2010. Đặc biệt, ngân hàng TMCP Bản Việt (tiền thân là ngân hàng Gia Định) có tốc độ tăng trưởng đột biến về tổng tài sản và vốn chủ sở hữu, đạt lần lượt 1 06% và 59% so với năm 2010…

Báo cáo kinh tế vĩ mô 2012 do nhóm Tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô thực hiện, uỷ ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì cũng cho thấy, trong giai đoạn 2005 – 2008, có 11 ngân hàng được chuyển đổi từ mô hình nông thôn sang thành thị, như: ABBank, SHB, OceanBank, Navibank (HNX: NVB), GP.Bank, KienLongBank, TrustBank, WesternBank, DaiABank, PGBank, MekongDevBank. Trong vòng ba năm 2008 – 2011, vốn chủ sở hữu của các ngân hàng này tăng từ 9.787 tỉ đồng lên 32.754 tỉ đồng. Trong bốn năm (2007 – 2011), tổng huy động tiền gửi của mười ngân hàng (chưa tính OceanBank) tăng từ 35.852 tỉ đồng lên 153.159 tỉ đồng. Như vậy, số vốn huy động tăng trung bình 69% mỗi năm và tổng số vốn huy động đã tăng thêm 117.307 tỉ đồng; tổng tài sản của các ngân hàng cũng tăng mạnh từ mức 67.491 tỉ đồng lên 299.410 tỉ đồng, tương đương tăng 344%; dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 31.549 tỉ đồng lên 121.652 tỉ đồng sau bốn năm…

Điểm đáng chú ý là trong các ngân hàng nhỏ nói chung, sự tăng trưởng nhanh chóng về quy mô tổng tài sản không dựa trên nền tảng chắc chắn, bởi tốc độ tăng tổng tài sản quá nhanh so với tốc độ tăng trưởng của vốn điều lệ. Cụ thể, giai đoạn 2006 – 2009, tốc độ tăng trưởng vốn điều lệ của các ngân hàng này chỉ là 127,8%, trong khi tốc độ tăng trưởng tổng tài sản lên tới 306%. Thực tế cũng cho thấy, đây cũng là giai đoạn tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế luôn ở mức cao trên 30%, cá biệt năm 2007 lên tới 53%. Mặc dù vậy, các ngân hàng nhỏ đã không thể hoàn thành lộ trình tăng vốn lên mức tối thiểu 3.000 tỉ đồng tại thời điểm 31.12.2010 theo quy định, khiến cho ngân hàng Nhà nước buộc phải lùi lộ trình này thêm một năm nữa.

Từ tín dụng đến đầu tư

Cùng với quá trình tăng trưởng nóng về tài sản, các ngân hàng cũng phát triển theo hướng ngân hàng đầu tư, mà giai đoạn bùng nổ nhất là những năm 2006 – 2008. Như ngân hàng Sacombank đã có tới hơn một chục công ty con, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ, như công ty chứng khoán, bất động sản, vàng… được chính bản thân Sacombank nhận định là lĩnh vực hết sức nhạy cảm, rủi ro, cạnh tranh khốc liệt.

Còn SHB, gắn với thương hiệu ngân hàng này là một loạt các tên tuổi như công ty chứng khoán SHS, công ty quản lý quỹ SHF, công ty phát triển đô thị và khu công nghiệp SHB… Hầu hết các ngân hàng lớn, nhỏ đều phát triển theo hướng như vậy.

Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997 cho phép các ngân hàng được chuyển từ chuyên doanh sang đa năng, nhưng phải thành lập tổ chức riêng, như công ty chứng khoán riêng, công ty tài chính riêng, công ty bất động sản riêng... Trong trường hợp đầu tư vào các ngành công nghiệp thì phải có một bộ phận chuyên biệt. Bởi giữa hoạt động kinh doanh tín dụng và các hoạt động đầu tư, nhất là đầu tư vào khu vực ngoài lĩnh vực tài chính, là có sự khác biệt về thị trường, về phương thức quản lý, cơ chế kiểm soát rủi ro… Các ngân hàng Việt Nam thường lựa chọn hình thức đầu tư gần gũi với lĩnh vực tài chính, như chứng khoán, bất động sản, tài chính, bảo hiểm… và rủi ro tác động mạnh nhất đến các ngân hàng Việt Nam hiện nay chính là chứng khoán và bất động sản.

Nguyên tắc tối thượng để tách bạch chức năng đầu tư và tín dụng của một ngân hàng, theo một chuyên gia là tách bạch nguồn vốn. Theo đó, NHTM được phép huy động tiền gửi tiết kiệm từ doanh nghiệp và dân cư cho hoạt động tín dụng, nhưng hoạt động đầu tư thì bắt buộc phải phát hành trái phiếu – tức là kinh doanh rủi ro thì không được gắn với lợi ích hàng ngày người dân. Song nguyên tắc này bị nhiều ngân hàng bỏ qua. Thậm chí, ông chủ các ngân hàng thường lập ra các doanh nghiệp gắn với lợi thế của ngân hàng mẹ, tận dụng lợi thế của ngân hàng để làm ăn; tận dụng vốn rẻ và dễ… Điều này khiến cho vốn của nền kinh tế, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa bị cạnh tranh, chèn ép; mặt khác mang lại rủi ro lớn cho chính các ngân hàng.

Xuân Thu

Sài Gòn Tiếp thị

Các tin tức khác

>   Những vướng mắc trong thi hành quyết định của tòa án để TCTD thu hồi nợ (12/11/2012)

>   Xử lý nợ xấu: Cắt ngọn trước, bổ gốc sau? (12/11/2012)

>   Thống đốc nói về tác động tiêu cực của “lợi ích nhóm” (12/11/2012)

>   Ngân hàng bắt người vay phải ký quỹ? (12/11/2012)

>   Niêm phong khuôn đúc 5 thương hiệu vàng (12/11/2012)

>   Xử lý nợ xấu: Kinh nghiệm từ Malaysia (12/11/2012)

>   VPBank: Cổ đông “lạ” Châu Thổ và sự “biến mất” bí ẩn của Techcombank (12/11/2012)

>   Thị trường tiền tệ: ổn định vẫn lo (12/11/2012)

>   Thống đốc Ngân hàng Nhà nước “lên ghế nóng” tại nghị trường (12/11/2012)

>   Tăng tín dụng: Hạ lãi suất hay gỡ nợ xấu? (11/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật