Thứ Hai, 12/11/2012 08:47

Nhìn lại những cuộc đổi chủ ngân hàng (Phần 4)

Những thương vụ đổi chủ của các ngân hàng khá rầm rộ và tốn không ít giấy mực gần đây gợi nhớ đến những cái tên như VietABank, TienPhongBank, Techcombank, MaritimeBank, GPBank và Sacombank. Khác với sáp nhập hay hợp nhất, việc thay đổi cơ cấu sở hữu và hội đồng quản trị của những đơn vị trên không làm mất đi các thương hiệu, và đây cũng là những hoạt động thường thấy trên các thị trường chứng khoán. 

VPBank: Cổ đông “lạ” Châu Thổ và sự “biến mất” bí ẩn của Techcombank

CTCP Đầu tư Châu Thổ nắm 14.99% vốn của VPBank (757 tỷ đồng mệnh giá). Nếu tính cả phần vốn 1.53% đầu tư ủy thác qua TechcomCapital thì đã vượt mức 15% - đây là tỷ lệ tối đa mà cổ đông tổ chức được sở hữu ở ngân hàng, theo Điều 55 của Luật Tổ chức Tín dụng năm 2010.

* MaritimeBank: Sóng gió biển cả quật ngã một thương hiệu

* VietABank: Tập đoàn Việt Phương “soán ngôi” Chủ tịch từ S.J.C

* TienPhongBank: Câu chuyện về đứa con đẻ của FPT

Vốn điều lệ từ 20 tỷ lên 5,770 tỷ đồng - Gấp hơn 288 lần sau 20 năm

NHTMCP các Doanh nghiệp ngoài quốc doanh Việt Nam được thành lập vào năm 1993, đến năm 2010 được đổi tên gọi thành NHTMCP Việt Nam Thịnh Vượng, trong khi tên viết tắt vẫn được giữ nguyên là VPBank.

Vốn điều lệ của VPBank vào lúc thành lập chỉ ở mức 20 tỷ đồng. Ngân hàng này sau đó đã liên tục đẩy mạnh mở rộng quy mô vốn điều lệ cũng như tổng tài sản (biểu đồ bên dưới). Tính đến cuối năm 2011, vốn điều lệ của ngân hàng đạt 5,050 tỷ đồng và tổng tài sản đạt 82,818 tỷ đồng.

Mới đây, ngày 02/11/2012, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa chấp thuận cho VPBank được tăng vốn điều lệ lên 5,770 tỷ đồng theo phương án lấy từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối và quỹ dự trữ.

Như vậy, sau 20 năm hoạt động, vốn điều lệ của VPBank đã tăng đến hơn 288 lần; và tổng tài sản tăng hơn 64 lần trong giai đoạn 2001 – 2011. Quá trình tăng vốn điều lệ và mở rộng quy mô vượt bậc của ngân hàng này đã để lại nhiều câu hỏi đáng suy ngẫm.

Dragon Capital đến rồi đi, OCBC 6 năm liên tục rót thêm tiền

VPBank là ngân hàng tiên phong trong việc tìm kiếm các cổ đông chiến lược nước ngoài, với thương vụ đầu tiên chào bán 20% vốn cổ phần cho Dragon Financial Holding Limited (quỹ đầu tư do Dragon Capital quản lý) và Vietnam Fund vào năm 1996.

Sau đó, trong giai đoạn khủng hoảng 1998-1999, Vietnam Fund đã quyết định thoái vốn khỏi VPBank. Đến cuối quý 1/2010, quỹ đầu tư của Dragon Capital cũng thoái vốn bằng cách bán cổ phần nắm giữ cho một đối tác nội địa, nhưng không thông tin chi tiết nào về thương vụ này như giá bán, người mua… được tiết lộ.

Trước khi Dragon Capital thoái vốn, vào năm 2006, Oversea Chinese Banking Corporation Ltd (OCBC) đã mua 10% vốn điều lệ và trở thành cổ đông chiến lược trong đợt tăng vốn điều lệ lên 750 tỷ đồng. Sau đó, OCBC tiếp tục nâng tỷ lệ cổ phần lên 14.88% vào năm 2008, và giữ vững tỷ lệ này trong suốt lộ trình tăng vốn đến hiện nay ở VPBank.

Techcombank xuất hiện công khai. VPBank thay đổi tên gọi, logo, nhận diện thương hiệu

Năm 2010, hàng loạt ngân hàng nhỏ phải chạy đua để tăng vốn điều lệ tối thiểu lên mức 3,000 tỷ đồng theo yêu cầu của NHNN. VPBank không là ngoại lệ, nhưng đã tăng vốn thành công vượt so với yêu cầu tối thiểu, với vốn điều lệ huy động tăng gần gấp đôi từ 2,117 tỷ đồng lên 4,000 tỷ đồng trong năm 2010.

Đi kèm với việc tăng vốn điều lệ gấp đôi này là những thay đổi về chủ sở hữu, ban điều hành cũng như định hướng hoạt động.

Ngày 16/03/2010, hàng loạt các thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát và Ban Điều hành được bổ nhiệm mới.

Đáng chú ý là cuộc “lên ngôi” của ông Ngô Chí Dũng ở vị trí Chủ tịch HĐQT thay cho ông Phạm Hà Trung. Ngoài ra, bà Nguyễn Quỳnh Anh cũng được bổ nhiệm chức vụ Trưởng Ban Kiểm soát. Trước đó, ông Ngô Chí Dũng và bà Nguyễn Quỳnh Anh đều là các nhân sự nòng cốt của NHTMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), với các chức vụ tương ứng là Phó Chủ tịch HĐQT và thành viên chuyên trách.

Một điểm đáng chú ý khác là thời gian tại vị ngắn ngủi 7 tháng của bà Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Nguyệt Hường trong năm 2010. Bà Hường được bổ nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT vào ngày 16/03/2010, cùng thời điểm bổ nhiệm các ông Ngô Chí Dũng (Chủ tịch HĐQT), ông Lô Bằng Giang (Ủy viên), ông Trần Trọng Kiên (Ủy viên) trong HĐQT. Tuy nhiên, bà Hường sau đó không còn “chân” trong HĐQT VPBank và lý do được trích dẫn là “đương nhiên bị mất tư cách” từ ngày 21/10/2010.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường sau đó “nhảy sang” đảm nhận chức vụ Phó Chủ tịch thứ nhất của HĐQT Maritime Bank (MSB) từ tháng 02/2011 – 02/2012 – đây cũng là ngân hàng mà chồng của bà Hường là ông Trần Anh Tuấn đang là Phó Chủ tịch rồi sau đó trở thành Chủ tịch HĐQT. Từ tháng 2/2012, bà Hường trở thành Chủ tịch Hội đồng sáng lập của MSB.

Mới đây, vào tháng 7/2012, ông Nguyễn Đức Vinh sau khi rời chức vụ Tổng giám đốc và Phó chủ tịch HĐQT của Techcombank cuối năm 2011 cũng đã về làm Tổng giám đốc của VPBank. Người tiền nhiệm của ông Vinh, ông Nguyễn Hưng, trước kia cũng đã từng kinh qua chức vụ Chánh Văn phòng Hội sở Techcombank, Phó Giám đốc Chi nhánh Techcombank Thăng Long, Giám đốc Chi nhánh Techcombank Đông Đô trong thời gian từ năm 2000 đến 2008.

Trong Bản cáo bạch phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu cuối năm 2010, Techcombank “bất ngờ” được công bố là cổ đông lớn của VPBank với tỷ lệ cổ phần nắm giữ ở mức 9.21% tại thời điểm ngày 30/09/2010.

Trước đó, tại thời điểm 31/12/2009, danh sách cổ đông lớn (nắm giữ từ 5% vốn cổ phần trở lên) của VPBank chỉ bao gồm: Oversea Chinese Banking Corporation Ltd (OCBC), Dragon Financial Holdings Limited (Dragon Capital), và NHTMCP Dầu khí Toàn Cầu (GPBank), với tỷ lệ nắm giữ cụ thể ở bảng bên dưới.

Trong năm 2010, VPBank cũng đã đổi tên từ NHTMCP các Doanh nghiệp ngoài quốc doanh Việt Nam thành NHTMCP Việt Nam Thịnh Vượng, với tên viết tắt VPBank được giữ nguyên. Cùng với việc thay đổi tên gọi, VPBank đưa vào sử dụng logo và hệ thống nhận diện thương hiệu mới.

Sự “biến mất” bí ẩn của Techcombank. Chủ tịch Ngô Chí Dũng nắm 4.48% vốn điều lệ

Sau khi VPBank tăng vốn điều lệ lên 4,000 tỷ đồng, thì thông tin công bố tại thời điểm 31/12/2010 cho thấy Techcombank đã ra khỏi danh sách cổ đông lớn mà không có bất cứ giải thích nào.

Nếu Techcombank không thực hiện quyền mua theo tỷ lệ 1:0.6283 với giá 14,000 đồng/cp trong đợt tăng vốn, thì tỷ lệ cổ phần sở hữu VPBank tại thời điểm 31/12/2010 (sau khi tăng vốn điều lệ lên 4,000 tỷ đồng) sẽ giảm xuống 5.66% nhưng vẫn còn là cổ đông lớn và phải có tên trong danh sách cổ đông lớn được công bố?

Có thể thấy cổ đông lớn Techcombank chỉ thoáng xuất hiện rồi sau đó nhanh chóng “biến mất” vào cuối năm 2010, và kể từ đó không còn thông tin nào đáng kể liên quan đến cổ đông tổ chức này được công bố.

Đáng chú ý là lượng cổ phần của Chủ tịch HĐQT Ngô Chí Dũng vào cuối năm 2010 đã tăng lên đáng kể với tỷ lệ nắm giữ đến 4.48%, từ con số ít ỏi 0.21% trước đó.

Ông Ngô Chí Dũng từng là cổ đông sáng lập và thành viên HĐQT của NHTMCP Quốc tế (VIBank) trong giai đoạn 1996 – 2004. Song song với nhiều vị trí khác, ông Dũng còn tham gia vào ngân hàng Techcombank với chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT. Ông Dũng có học vị Tiến sỹ Kinh tế tại Liên bang Nga.

Cổ đông “lạ” CTCP Đầu tư Châu Thổ là ai? Tại sao lại ủy thác đầu tư 7.7 triệu cp VPBank qua TechcomCapital?

Trong năm 2011 vừa qua, VPBank tiếp tục thực hiện tăng vốn điều lệ từ 4,000 tỷ lên mức 5,050 tỷ đồng. Đợt tăng vốn điều lệ này gắn liền với sự xuất hiện của cổ đông “lạ” CTCP Đầu tư Châu Thổ với tỷ lệ nắm giữ đến 14.99%, tương đương với 757 tỷ đồng theo giá trị mệnh giá cổ phần.

Mặc dù phải là doanh nghiệp có tiềm lực tài chính lớn mới có thể bỏ ra một lượng tiền “khủng” như trên, nhưng điều bất ngờ là thông tin về CTCP Đầu tư Châu Thổ lại rất ít ỏi. Công ty này thậm chí không có cả website riêng.

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch Đầu tư TPHCM, CTCP Đầu tư Châu Thổ (viết tắt là DeltaCorp) được cấp phép kinh doanh ngày 11/05/2007 với mã số doanh nghiệp 0304996054. Vốn đăng ký kinh doanh chỉ là 300 tỷ đồng với văn phòng đặt tại số 11F Phan Kế Bính, phường Ðakao, quận 1, TPHCM, do ông Vũ Đình Luyện làm người đại diện theo pháp luật.

CTCP Đầu tư Châu Thổ đăng ký hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực: Tư vấn đầu tư, Dịch vụ quản lý bất động sản, Kinh doanh bất động sản (trừ dịch vụ môi giới, định giá, sàn giao dịch bất động sản), Ðầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng cơ sở khu dân cư…

Với mức vốn đăng ký chỉ là 300 tỷ đồng, liệu Châu Thổ có thể tìm đâu ra nguồn vốn “khủng” 757 tỷ đồng để góp vốn vào VPBank?

Một điểm đáng lưu ý khác là theo BCTC năm 2011, Công ty TNHH Quản lỹ quỹ Kỹ thương (TechcomCapital) đã nhận đầu tư ủy thác 7.7 triệu cổ phiếu VPBank (tương đương 1.53% vốn điều lệ) từ CTCP Đầu tư Châu Thổ.

Nếu tính cả phần vốn đầu tư ủy thác qua TechcomCapital thì số lượng cổ phần tại VPBank của CTCP Đầu tư Châu Thổ đã vượt quá mức 15%. Theo Điều 55 của Luật Tổ chức Tín dụng năm 2010, trong trường hợp bình thường, một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Liệu có phải chăng CTCP Đầu tư Châu Thổ ủy thác đầu tư qua TechcomCapital để lách quy định sở hữu tối đa này?

Ai đang là người chủ thực sự của VPBank?

Theo Báo cáo tình hình quản trị ngân hàng 6 tháng đầu năm 2012, tính đến ngày 30/06/2012 (vốn điều lệ 5,050 tỷ đồng), các cổ đông lớn đáng chú ý của VPBank gồm:

Ông Ngô Chí Dũng (Chủ tịch HĐQT) và gia đình: Nắm giữ 13.03% vốn điều lệ, tổng giá trị theo mệnh giá là 658 tỷ đồng.

CTCP Đầu tư Châu Thổ: Nắm giữ 14.99% vốn điều lệ, giá trị theo mệnh giá là 757 tỷ đồng; và rất có thể bao gồm thêm 7.7 triệu cổ phiếu (1.53%) được ủy thác đầu tư qua TechcomCapital.

Ông Bùi Hải Quân (Phó Chủ tịch HĐQT) và gia đình: Nắm giữ 4.3% vốn điều lệ, giá trị theo mệnh giá là 217 tỷ đồng. Ông Quân hiện là Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Kỹ thuật Việt Hải, thành viên HĐQT của CTCP Kỹ nghệ gỗ MDF Long Việt và Công ty TNHH Hồng Hải.

Bà Nguyễn Thị Mai Trinh (Thành viên Ban kiểm soát từ ngày 24/04/2012): Nắm giữ 4.92% vốn điều lệ, giá trị theo mệnh giá là 248 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Quỳnh Anh (Trưởng Ban kiểm soát): Nắm giữ 3.94% vốn điều lệ, giá trị theo mệnh giá là 199 tỷ đồng. Bà Anh từng là Thành viên Ban kiểm soát của Techcombank từ năm 2008 đến tháng 3/2010 và CTCK EuroCapital từ năm 2009 đến tháng 6/2010.

OCBC: Nắm giữ 14.88% vốn điều lệ, giá trị theo mệnh giá là 751 tỷ đồng.

Hoàng Vũ (Vietstock)

Finfonet

Các tin tức khác

>   Thị trường tiền tệ: ổn định vẫn lo (12/11/2012)

>   Thống đốc Ngân hàng Nhà nước “lên ghế nóng” tại nghị trường (12/11/2012)

>   Tăng tín dụng: Hạ lãi suất hay gỡ nợ xấu? (11/11/2012)

>   Nhà băng vào cuộc đua giảm lãi suất (11/11/2012)

>   361 vị đại biểu muốn trực tiếp chất vấn Thống đốc (10/11/2012)

>   Tìm cách thoát khỏi vòng luẩn quẩn giữa ngân hàng và bất động sản (10/11/2012)

>   6 ngành ngốn gần 100.000 tỷ đồng nợ xấu (10/11/2012)

>   Thắt chặt quản lý ngoại hối (10/11/2012)

>   Thâu tóm ngân hàng tăng, trách nhiệm Thống đốc thế nào? (10/11/2012)

>   Muốn vay vốn, phải biết “tiếp thị” bản thân“ (10/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật