6 ngành ngốn gần 100.000 tỷ đồng nợ xấu
Thực trạng nợ xấu với cơ cấu theo các nhóm tổ chức tín dụng và theo ngành kinh tế đã được Thống đốc Nguyễn Văn Bình trả lời chất vấn qua văn bản của đại biểu Quốc hội.
Cơ cấu tỷ trọng nợ xấu của một số ngành (đơn vị: %) - Nguồn: Ngân hàng Nhà nước.
|
Tại đây, Thống đốc cho biết, đến ngày 30/6/2012 nợ xấu theo các tổ chức tín dụng báo cáo là 119.139 tỷ đồng, chiếm 4,49% so với tổng dư nợ tín dụng. Còn theo kết quả thanh tra, giám sát của ngân hàng Nhà nước, nợ xấu của các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 6/2012 chiếm khoảng 8,8% tổng dư nợ tín dụng.
Số nợ xấu này không phải mới phát sinh mà trên thực tế đã được tích lũy trong một thời gian dài, đặc biệt là thời kỳ nới lỏng chính sách vĩ mô và bắt đầu lộ diện từ quý 4/2011 trở lại đây, khi môi trường kinh doanh xấu đi, tín dụng tăng chậm và Chính phủ triển khai quyết liệt các giải pháp cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, ông Bình giải thích.
Về cơ cấu nợ xấu theo các nhóm tổ chức tín dụng, theo văn bản trả lời chất vấn, nợ xấu của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước chiếm 3,76% dư nợ tín dụng của nhóm này và chiếm 44,26% tổng nợ xấu của toàn hệ thống.
Các con số tương tự về nợ xấu của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần là 4,73% và 35,3%; của nhóm công ty tài chính là 12,27% và 7,2%; với nhóm công ty cho thuê tài chính là 44,72% và 6,7%; của các quỹ tín dụng nhân dân là 1,4% và 0,45%.
Nợ xấu của nhóm ngân hàng nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và ngân hàng liên doanh chiếm 2,86% dư nợ của các đối tượng này và chiếm 5,2% tổng nợ xấu của toàn hệ thống.
6 ngành "xấu" nhất
Tại văn bản trả lời, Thống đốc Bình cũng cung cấp địa chỉ 6 ngành kinh tế mà nợ xấu tập trung chủ yếu với con số đến cuối tháng 6/2012 là gần 96.000 tỷ đồng, chiếm đến 80,49% tổng số nợ xấu của toàn nền kinh tế.
Cụ thể, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 4,33% dư nợ của ngành và 22,5% tổng nợ xấu của toàn hệ thống. Các con số tương tự của kinh doanh bất động sản và hoạt động dịch vụ là 7,83% và 19,25%; của bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô xe máy và xe có động cơ là 4,16% và 18,52%; của vận tải, kho bãi là 11,61% và 11%.
Cuối cùng, nợ xấu của xây dựng chiếm 4,81% dư nợ của ngành và 9,5% tổng nợ xấu của toàn hệ thống.
Về giải pháp, ông Bình cho hay, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng, trình Bộ Chính trị, Chính phủ đề án thành lập công ty quản lý tài sản để xử lý nợ xấu một cách tập trung với quy mô lớn, trong đó tập trung xử lý nợ xấu có tài sản đảm bảo là bất động sản.
Với các con số cho thấy nợ xấu có chiều hướng tăng chậm lại từ quý 2/2012 từ 7,29% của tháng 1 còn 1,2% của tháng 6, Thống đốc nhấn mạnh “điều này cho thấy quan điểm và giải pháp xử lý nợ xấu của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là hợp lý và đúng hướng”.
Nguyên Hà
tbktvn
|