Thâu tóm ngân hàng tăng, trách nhiệm Thống đốc thế nào?
Chính thức được chọn trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội vào đầu tuần sau, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng là một trong số các thành viên Chính phủ nhận được nhiều ý kiến của các vị đại biểu, theo tập hợp chưa đầy đủ của đoàn thư ký kỳ họp.
Một năm trước, ở kỳ họp thứ hai của Quộc hội, tân Thống đốc cũng đã nhận được những chất vấn bằng văn bản về nhiều bất cập của hệ thống ngân hàng. Trong đó có việc chạy đua lãi suất, tiêu cực của cán bộ trong ngành.
Nay, những chất vấn được tập hợp qua 22 ý kiến cho thấy cả độ rộng và sâu hơn của những vấn đề được đề cập.
Đáng chú ý, có đến ba ý kiến cùng nêu quan ngại về tội phạm hình sự trong lĩnh vực ngân hàng bao gồm cán bộ ngân hàng và ngoài ngân hàng liên quan tới vốn tín dụng ngân hàng, việc thâu tóm trong hệ thống ngân hàng trong thời gian qua tăng đáng kể. Trách nhiệm và các giải pháp của Thống đốc trong thời gian tới thế nào, đại biểu nêu chất vấn.
Các vị đại diện cho dân cũng muốn nghe Thống đốc báo cáo thêm về tình hình phòng chống tham nhũng và tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, đồng thời làm rõ trách nhiệm của Thống đốc trong quản lý nhà nước để xẩy ra tham nhũng trong hệ thống ngân hàng, trong việc thâu tóm đã xẩy ra.
Kết quả thanh tra chuyên ngành ở Ngân hàng Nhà nước về chấp hành pháp luật ngân hàng, tình hình vi phạm pháp luật ngân hàng? Lợi ích nhóm chi phối các chủ trương, chính sách, biện pháp của Ngân hàng Nhà nước như thế nào? Đó cũng là các câu hỏi đặt ra với Thống đốc Bình.
Đại biểu Quốc hội cũng hỏi Thống đốc rằng có nên ổn định quy định mức tiền lãi suất trong tình hình hiện nay? Việc quản lý lãi suất huy động, lãi suất cho vay như thế nào?
Nghiên cứu cơ chế quản lý lãi suất sao cho khoảng cách tiền gửi và tiền vay được rút ngắn lại và giải trình về sự hợp lý của khoảng cách hiện nay cũng là điều chờ câu trả lời của Thống đốc.
Biện pháp của ngành (giải quyết vốn vay, hỗ trợ lãi suất) nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp là nội dung chất vấn của ba vị đại biểu.
Cụ thể hơn, đại biểu muốn biết phương án của Thống đốc trong việc xử lý nợ xấu khoản tiền trên 90 ngàn tỷ đồng do ngân sách nhà nước nợ doanh nghiệp. Cạnh đó là trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong việc ban hành các văn bản tăng cường công tác quản lý để hạn chế tiến tới giảm nợ xấu của các ngân hàng thương mại; bảo lãnh Chính phủ về nợ xấu. Giải pháp tháo gỡ tình trạng doanh nghiệp vay vốn ngân hàng có tài sản thế chấp nhưng không xử lý được tài sản đó, phát sinh nợ xấu mới...
Bản tập hợp của đoàn thư ký kỳ họp cho biết, một số vị đại biểu chất vấn người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước về căn cứ để ngân hàng phân loại và bơm tiền cho các ngân hàng thời gian qua cũng như thực trạng cho vay chéo trong hệ thống ngân hàng hiện nay.
Tỷ lệ huy động tiền gửi tăng, nhưng tỷ lệ dư nợ cho vay thấp, tại sao ngân hàng vẫn có lãi là nội dung của hai ý kiến, trong khi một vị khác hỏi về nguyên nhân lãi cao của ngân hàng trong khi kinh tế rất khó khăn?
Dẫn con số thu nhập của lãnh đạo từ trưởng phòng trở lên quá cao (giám đốc ngân hàng chi nhánh ở tỉnh có thể gần 70 triệu đồng/tháng), một vị đại biểu “truy” Thống đốc về việc xếp lương trong hệ thống ngân hàng thương mại trong khi nợ xấu nhiều.
Liên quan tới quản lý thị trường vàng, nội dung đã được Thống đốc giải trình khá kỹ tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội vừa qua, có đại biểu đặt vấn đề “quyết định lấy thương hiệu vàng SJC làm thương hiệu độc quyền có trái với quan điểm phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa hay không?”.
Nguyên nhân giá vàng miếng SJC cao hơn vàng miếng thương hiệu khác và giá vàng theo thương hiệu mà không theo chất lượng gây khó khăn cho người dân khi mua bán, xuất hiện vàng nhái; nguồn thu chênh lệch vàng SJC được quản lý, sử dụng như thế nào? Ý định đánh thuế tài sản cá nhân của dân được cất giữ bằng vàng? Giải pháp ổn định thị trường vàng trong nước… cũng nằm trong nội dung chất vấn Thống đốc Bình.
Nguyên Thảo
tbktvn
|