Thứ Tư, 14/11/2012 11:30

Thủ phạm giấu mặt là... ngân hàng

Hơn 1.312 tỉ đồng nợ các tổ chức tín dụng là số tiền mà ông Phạm Văn Thụ - nguyên GĐ Cty TNHH Công nghiệp Thái Sơn - “tự khai” trong bản báo cáo số 58/TSCN ngày 4.7.2012 gửi tới các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Điều đáng nói, ông Thụ gửi văn bản này trước khi bị bắt vì tội danh “lừa đảo”. Cụ thể là nhóm các Cty gia đình ông Thụ đã lừa cả một loạt các tổ chức tín dụng. Nhưng cho tới thời điểm có bản báo cáo nêu trên, trong số 13 tổ chức tín dụng đã cho các Cty của ông Thụ nợ tiền, chỉ một tổ chức đứng ra tố cáo ông Thụ lừa đảo. Còn hơn chục tổ chức tín dụng khác chọn thái độ… “im lặng”(?).

Có thể khẳng định, rất hiếm vụ án thủ phạm lại tự nguyện “thú nhận” tội trước khi bị phát hiện như trường hợp ông Phạm Văn Thụ. Và cũng hiếm trường hợp nạn nhân – là các tổ chức tín dụng – dù biết rõ thủ phạm đang hiện diện trước mặt mà vẫn không dám kêu.

Được biết, trong báo cáo của Cty ông Thụ có đoạn “… chỉ được các tổ chức tín dụng cho vay món mới để trả món (nợ) cũ và trả lãi..”. Có nghĩa, việc ông Thụ vay được tiền từ các tổ chức tín dụng chỉ dùng để… đảo nợ. Nội dung của đoạn báo cáo nêu trên đã cho thấy, các tổ chức tín dụng rõ ràng đã liên đới tới hành vi lừa đảo của ông Thụ, và cũng không hề “ngoa” nếu nói rằng có sự đồng lõa để cho ông Thụ có thể “lừa đảo” được chính các tổ chức tín dụng số tiền hơn 1.312 tỉ đồng.

Trong 13 tổ chức tín dụng đã cho ông Thụ vay, có nhiều món nợ từ 48 tỉ đồng tới cả 100 tỉ đồng, nhưng phần lớn những món tiền này lại được thực hiện tại các chi nhánh. Cụ thể Cty của ông Thụ nợ Ngân hàng TMCP Hàng hải - chi nhánh Hải Phòng 98,8 tỉ đồng, nợ Ngân hàng TMCP Phát triển nhà TPHCM - chi nhánh Thăng Long 100 tỉ đồng, nợ Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt - chi nhánh Thăng Long 70 tỉ đồng… Theo phân quyền cho vay, thường thì cấp chi nhánh của các tổ chức tín dụng chỉ được quyền cho vay các khế ước quy mô dưới 10 tỉ đồng; cao hơn là phải trình xin xét duyệt của ban TGĐ hay HĐQT. Vậy việc cho nhóm Cty của ông Thụ vay được số tiền lớn hơn quy định, đương nhiên phải thông qua sự đồng ý của ban TGĐ hay HĐQT các tổ chức tín dụng này.

Mặt khác, các món cho vay giá trị lớn bao giờ cũng được kèm theo các yêu cầu ngặt nghèo về “chất lượng” khách hàng. Chẳng hạn như báo cáo tài chính 3 năm gần nhất luôn phải lãi, không có nợ quá hạn, tài sản thế chấp lớn… Tuy nhiên, báo cáo của ông Thụ cho thấy Cty Thái Sơn lỗ lớn, kéo dài từ giữa năm 2008 cho đến nay. Và với tư cách là người cho vay tiền, không thể nói các tổ chức tín dụng không hiểu rõ tình hình nguy khốn về tài chính của nhóm Cty gia đình ông Thụ. Vậy nhưng, món nợ của nhóm các Cty gia đình này liên tục “phình to” thêm cho đến khi nợ nần chồng chất, dẫn tới việc bố con ông Thụ bị bắt vì tội danh lừa đảo.

Để xảy ra chuyện, không thể nói không có trách nhiệm của lãnh đạo cấp cao của các tổ chức tín dụng, bởi họ đã duyệt cho đối tượng này vay tiền không đúng quy định, dù biết đối tượng không có khả năng chi trả nợ vay, dẫn đến khả năng mất số tiền vốn của các tổ chức tín dụng tới 1.312 tỉ đồng bằng việc vô hiệu hóa hệ thống thẩm định từ trên xuống dưới. Vậy thì người cho vay tiền trái quy định không thể vô can khi mà họ đã tự tiếp tay cho lừa đảo. Những ai đã tiếp sức cho những vụ vay… mất tiền của tổ chức tín dụng ? Đó là điều đang cần được pháp luật làm rõ.

Huy Bình

lao động

Các tin tức khác

>   Cách chức trưởng bến phà “vòi tiền” xe chở Bí thư Hải Phòng (14/11/2012)

>   Truy tố nguyên giám đốc và nhiều cán bộ chi nhánh Agribank (14/11/2012)

>   Động cơ phản lực Trung Quốc: Đốt hơn 16 tỉ USD vẫn "như muối bỏ bể" (14/11/2012)

>   Chủ tịch thị trấn tự dỡ nhà làm gương (14/11/2012)

>   Trung Quốc thông qua danh sách bầu vào BCH TW (14/11/2012)

>   Thống đốc Ngân hàng 'xin nhận một nửa giải Nobel' (13/11/2012)

>   Chân dung thủ tướng tương lai của Trung Quốc (13/11/2012)

>   Phạt xe không chính chủ: Ngồi trên trời làm chính sách (13/11/2012)

>   Nhóm Mua bổ nhiệm giám đốc mới thay ông Tom Trần bị điều tra (13/11/2012)

>   Gấu Tam Đảo và trách nhiệm bảo vệ an ninh quốc phòng (13/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật