Gấu Tam Đảo và trách nhiệm bảo vệ an ninh quốc phòng
"Nếu chuyện di dời thành hiện thực, tôi e rằng sự tin cậy từ phía những tổ chức nước ngoài và nhà đầu tư sẽ không còn, hoặc họ sẽ phải cân nhắc rất kỹ".
LTS: Xung quanh kiến nghị di dời Trung tâm Cứu hộ gấu Tam Đảo đang gây nhiều tranh cãi. Chúng tôi phỏng vấn ông Tuấn Bendixsen, Trưởng Đại diện AAF (Tổ chức bảo vệ động vật Châu Á - Animal Asia Foundation) tại Việt Nam và những người quan tâm đến vụ việc.
Với tư cách là đại diện tổ chức. Ông có thể đưa ra những thông tin chính thức?
Dự án Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam được bắt đầu từ năm 2006, được Thủ tướng Chính phủ duyệt năm 2008. Theo thỏa thuận ban đầu giữa bên Tổ chức Động vật Châu Á (AAF) là nơi tài trợ cho trung tâm và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là phía Việt Nam cung cấp mặt bằng xây dựng gồm 12ha đất trong Thung lũng Chắt Dậu, thuộc vùng đệm của Vườn quốc gia Tam Đảo. Còn phía AAF sẽ chịu trách nhiệm cung cấp kinh phí. Hai bên cam kết duy trì trung tâm trong thời gian tối thiểu là 20 năm.
Đây là dự án phi lợi nhuận. Trong quá trình lấy mặt bằng, trung tâm cũng phải trả cho 8 hộ dân đang sống ở khu vực đó hơn 4 tỷ VND để họ di dời. Con cháu của các hộ này hiện nay cũng đang làm việc cho trung tâm. Theo thỏa thuận là Bộ NN&PTNN phải giải phóng mặt bằng, nhưng Bộ không có kinh phí đền bù, nên AAF phải trả.
Từ 2006 trung tâm hoạt động rất tốt. Chuyện tranh chấp đất đai phát sinh từ tháng 4/2001 khi chúng tôi bắt đầu nhận thấy những dấu hiệu xấu. Giám đốc Vườn Quốc gia Tam Đảo, Đỗ Đình Tiến giới thiệu Công ty Trường Giang Tam Đảo đến làm việc và đề nghị Trung tâm cắt một phần đất cho công ty đó để làm khu du lịch sinh thái. AAF đương nhiên không đồng ý. Vì nhiều lý do: 1, Đây là đất của Bộ NN&PTNN; 2, Dự án được đích thân Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Sau đó Trường Giang Tam Đảo tiếp tục gửi đơn đến Bộ NN&PTNN đề nghị cho thuê đất 48ha đất ở Thung lũng Chắt Dậu, bao gồm cả đất của Trung tâm Cứu hộ Gấu. Sau khi công ty này gửi công văn thì ông Giám đốc Tiến cũng yêu cầu ngừng xây dựng một khu hoang dã. Sau đó ông ta cũng đưa ra những yêu cầu rằng dự án thiếu giấy tờ này, thiếu thủ tục kia, thiếu sổ đỏ... Nhưng có một việc: ông Tiến chính là giám đốc Việt Nam của dự án, nghĩa là ông chính là người phải chịu trách nhiệm lo các thủ tục giấy tờ thì ông lại kêu ca đổ lỗi.
Ông Tuấn Bendixsen, Ảnh: AAF
|
Việc sổ đỏ, trước đây chúng tôi cũng đã có công văn hỏi Bộ NN&PTNN hỏi thì Bộ trả lời: đất này thuộc Bộ, dự án do Bộ là chủ quản, Cục Kiểm lâm là chủ dự án và AAF và VQG Tam đảo là đơn vị thực hiện dự án vậy sẽ không có trường hợp Bộ cấp sổ đỏ cho một dự án của Bộ. Hơn nữa đây là một dự án thừa thiện phi lợi nhuận, và sau 20 năm trung tâm sẽ quay về Bộ không phải cấp sổ đỏ.
ĐBQH Dương Trung Quốc: Sẽ đưa vấn đề gấu Tam Đảo vào Quốc hội
Tôi thấy trong chuyện này còn nhiều vấn đề phải làm rõ. Hiện tôi đã lấy tài liệu từ nhiều phía và chuẩn bị chất vấn Bộ NN&PTNN về vấn đề này.
|
Ông Tiến vin vào cớ đó nên tìm mọi cách ép Trung tâm nhường đất lại cho Trường Giang Tam Đảo mà con gái ông Tiến nắm 10% cổ phần. Công ty này thậm chí đã mời đơn vị thiết kế vào đo đạc đất của trung tâm trong mấy ngày.
Chúng tôi đã có cuộc làm việc giữa các bên với Bộ NN&PTNN hồi cuối năm 2011. Bộ khẳng định đất này thuộc dự án, và đề nghị ông Giám đốc không can thiệp cản trở. Tuy nhiên đến tháng 4/10/2012, chúng tôi lại bất ngờ nhận được công văn yêu cầu Trung tâm phải di dời vì lý do an ninh quốc phòng.
Điều tréo ngoe là Quyết định này dựa trên công văn yêu cầu của ông Giám đốc Vườn. Và còn vô lý hơn nữa vì ngay sau khi có công văn đề nghị di dời, thì chỉ vài ngày sau ông Tiến đã lại trình lên Bộ NN&PTNN một dự án xây dựng trung tâm bảo tồn động vật khác, cũng trong khu vực đó.
Từ đó tới nay hoạt động của Trung tâm gặp rất nhiều khó khăn. Mọi vệc xây dựng của Trung tâm đã tạm dừng, chờ quyết định cuối cùng của Thủ tướng Chính phủ.
Được biết AAF đã phát động chương trình ký tên vào Thỉnh nguyện thư gửi lên Thủ tướng để giữ Trung tâm, kết quả việc này đến đâu. Thủ tướng đã có phản hồi chưa?
Tôi được biết hiện nay ở Văn phòng Chính phủ đã nhận được rất nhiều thư từ các cá nhân và tổ chức quốc tế về việc này. Thủ tướng vẫn chưa có ý kiến chính thức về việc này.
AAF từng vận động thu hồi hết gấu nuôi lấy mật ở Việt Nam, phải chăng đây cũng là một lý do khiến nhiều nguời 'không thích' Trung tâm?
Tôi không nghĩ vậy. Đây hoàn toàn chỉ là câu chuyện tranh chấp đất đai.
Hiện trên toàn Việt Nam có hơn 2300 cá thể gấu đang được nuôi lấy mật. AAF cũng đã có đề xuất lên Bộ NN&PTNN để nghị mở rộng dự án, xây thêm một số trung tâm cứu hộ gấu khác. Nhưng trước tình hình này, các dự án sẽ phải dừng lại.
Những chú gấu tại Trung tâm Cứu hộ Gấu Tam Đảo, Ảnh: Báo Nhân Dân
|
Những hệ luỵ nào sẽ xảy ra nếu trung tâm bị bắt buộc di dời?
Chắc chắn sẽ thành một tiền lệ, và một ấn tượng rất xấu về Việt Nam. Nếu chuyện di dời thành hiện thực, tôi e rằng sự tin cậy từ phía những tổ chức nước ngoài và nhà đầu tư sẽ không còn, hoặc họ sẽ phải cân nhắc rất kỹ. Công tác bảo tồn động vật nói chung chắc chắn bị ảnh hưởng rất nhiều.
Hơn nữa Việt Nam còn là một trong những nước ký Công ước Cites bảo vệ động vật. Chắc chắn bên ngoài sẽ theo dõi Việt Nam thực hiện cam kết như thế nào.
Tôi hy vọng Thủ tướng Chính phủ sẽ cân nhắc kỹ đến những yếu tố này.
Xin cảm ơn ông!
Nhà văn - Nhà biên dịch Trần Tiễn Cao Đăng: Đây không chỉ là chuyện mấy con gấu!
Gấu đôi khi có thể đáng sợ, nếu như bạn chẳng may để cho đứa con ba tuổi của mình lọt vào chuồng gấu trong sở thú. Nhưng chắc chắn là đối với gấu con người đáng sợ hơn rất nhiều. Có lúc nào ta thử đặt mình vào địa vị con gấu bị người ta nhốt trong cái chuồng chật đến nỗi không có chỗ quay tới quay lui, như thế suốt nhiều năm trời, và ngày nào cũng bị người ta đâm kim vào bụng để hút mật chưa? Gấu có thể làm cho con người những gì con người đang làm với gấu không? Và xin đừng nói với tôi rằng gấu là con vật, nó "chẳng biết gì". Có bao nhiêu người quan tâm đến chuyện gấu tự sát để không phải chịu đựng thêm cái số phận khủng khiếp ấy nữa?
Không phải chỉ ở Việt Nam mà ở cả Trung Quốc, và một trong những con vật khốn khổ đó, trước khi tự sát, đã giết chết con của nó, giải thoát cho cả hai mẹ con? Chẳng phải là khi làm vậy, gấu đang hành động không khác gì người, thậm chí một cách còn đầy phẩm giá hơn cả người đó sao?
Và bây giờ, hơn trăm con gấu ở Tam Đảo kia, sau khi phải chịu đựng cái kiếp nạn do con người gây ra cho chúng, tưởng đâu đã có được cơ hội được sống lại. Nhưng bây giờ người ta lại đang định tước đi của chúng cái cơ hội vô giá đó, với cái cớ mà thực sự là tôi nghe không lọt tai.
Như nhiều người đã chỉ ra, nếu lý do thực sự là "vì an ninh quốc phòng" thì tại sao bao năm nay người ta không nhắc đến chuyện đó? Thử hình dung, nếu như Trại cứu hộ gấu Tam Đảo thật sự bị di dời và sau đây ít lâu khu vực "an ninh quốc phòng" đó biến thành một khu du lịch nghỉ dưỡng theo đúng kế hoạch của những ai đó, người ta sẽ nói thế nào để biện minh về việc họ làm? Liệu họ có sẽ lẳng lặng làm, giả điếc trước mọi lời bàn tán và cật vấn, coi như mọi sự đã rồi? Liệu họ có sẽ đủ trơ tráo để làm vậy không?
Sống giữa đồng loại mình càng ngày càng trở nên một việc khó khăn đối với tôi. Tôi hoàn toàn không muốn là thành viên của một dân tộc, một chủng loài đang đối xử nhẫn tâm và vô trách nhiệm đến như vậy với các loài khác yếu hơn mình.
Ai đó đã nói rất đúng: Muốn biết phẩm chất đích thực của một con người, hãy nhìn cách người đó đối xử với các sinh vật nhỏ và yếu hơn mình, chứ đừng nhìn cách người đó đối xử với những kẻ mạnh hơn mình. Câu đó hoàn toàn có thể áp dụng không phải với chỉ một con người mà với cả một dân tộc, với tất cả những con người với tư cách giống loài.
Trại cứu hộ loài gấu đã là một hành động đẹp của loài người nói chung và của cộng đồng Việt nói riêng ngõ hầu đền bù được chừng nào hay chừng nấy cho những tội ác mà con người đã gây ra cho loài gấu. Thế mà giờ đây, người ta đang nêu ra những cái cớ khó lòng thuyết phục được ai để mặc nhiên vô hiệu hóa cái hành động đẹp đó. Người ta đang một lần nữa hành xử thô bạo với loài gấu, và qua đó đang một lần nữa làm tổn thương tâm hồn của một bộ phận loài người còn biết nghĩ đến loài gấu, tức là một lần nữa đang ngang nhiên chạm đến loài người. Đây không phải chỉ chuyện mấy con gấu; đây là vấn đề đạo lý của một xã hội, khả năng tự phục thiện của một cộng đồng.
Đừng trách thế hệ trẻ đang ngày một vô đạo và vô luân mà đỉnh cao là Lê Văn Luyện cùng những kẻ học đòi Lê Văn Luyện: chính những kẻ trưởng thành chúng ta đang liên tục, hằng ngày, hằng giờ, nêu những tấm gương xấu hoàn hảo cho chúng.
Tuy nhiên, qua theo dõi mạng xã hội, tôi được biết có rất nhiều bạn trẻ, phần lớn là sinh viên, đang tham gia một phong trào rộng lớn nhằm yêu cầu các nhà hữu trách hãy giữ lại Trung tâm Cứu hộ Gấu Tam Đảo. Chuyện này cho tôi một niềm vui to lớn: rốt cuộc, không phải tất cả lớp trẻ của chúng ta đều là những kẻ vô tâm chỉ biết đến những vấn đề của cá nhân mình như một số người vẫn tin - một bộ phận không nhỏ của các em vẫn đang chứng tỏ một ý thức rõ ràng, kiên định, không thể xem thường về chuyện đâu việc nên làm và đâu là việc chớ làm. Những kẻ trưởng thành chúng ta, "cha chú" của các em, mà trước hết là những người đang nắm quyền quyết định, chẳng lẽ chúng ta có thể cứ việc làm những gì mình thích, bất chấp hình ảnh của mình trong con mắt thế hệ hậu sinh là xấu xí như thế nào sa.
|
Hoàng Hường (thực hiện)
tuần việt nam
|