Tư lệnh ngành và những câu hỏi khó
Hôm nay(12/11), Quốc hội sẽ bắt đầu phiên chất vấn các thành viên của Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng sẽ phải trả lời chung một câu hỏi cực khó: Giải quyết hàng tồn kho, đặc biệt là nguồn lực đang “chôn” trong bất động sản.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng (phải) và Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng.
|
Còn nghiên cứu, đang tính toán, sẽ triển khai…
Trong báo cáo mới nhất gửi QH, vấn đề bôxít được Bộ Công Thương trả lời “đang chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tính toán lại hiệu quả dự án (Nhà máy alumin Nhân Cơ) để báo cáo Chính phủ trong thời gian tới”.
Trong khi đó, đối với đề nghị của các đoàn ĐBQH cũng như giới khoa học liên quan đến 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, Bộ Công Thương cho biết: Hiện vẫn chưa xác định thời hạn cụ thể thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (bổ sung). Tuy nhiên, văn bản của Bộ Công Thương cũng khẳng định: “Quan điểm của bộ là qua thẩm định, nếu thấy ảnh hưởng không có lợi về môi trường sinh thái, về xã hội... thì không nên triển khai thực hiện dự án”.
Đối với vấn đề xóa bỏ độc quyền ngành điện, ngoài thị trường phát điện cạnh tranh đã chính thức vận hành từ ngày 1.7.2012, báo cáo cũng cho biết Bộ Công Thương đã và đang chuẩn bị xây dựng và vận hành thị trường bán buôn cạnh tranh, sẽ thí điểm vào năm 2015 và nghiên cứu các giải pháp để đẩy nhanh việc xây dựng thị trường bán lẻ cạnh tranh vào năm 2020.
Không khó để nhận thấy cả ba vấn đề đều chưa có được một câu trả lời cụ thể.
Tuy nhiên, có một câu hỏi khó mà Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng không thể trả lời kiểu “còn nghiên cứu, đang tính toán, sẽ triển khai” với hạn định “trong thời gian tới”, đó là vấn đề tháo gỡ hàng hóa tồn kho cho DN - một trong hai điểm nghẽn lớn nhất của nền kinh tế hiện nay.
Tính đến tháng 9.2012, chỉ số hàng tồn kho ở một số ngành vẫn đứng ở mức cao: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tồn kho tăng 20,4% so với cùng kỳ. Đặc biệt, một số ngành còn có chỉ số tồn kho tăng hơn 50%, như plastic (nhựa) tồn kho tăng 50,6% và ximăng tồn kho tăng 50,2%. Nhiều ngành khác còn tồn kho phổ biến ở mức từ tăng 30% đến tăng gần 50%. Chỉ số tồn kho của sản xuất sắt, thép và gang tăng 40,6%. Nhiều nhà máy sản xuất cầm chừng với công suất chỉ đạt 30% đến 45%.
Đáp án nào cho bài toán gỡ khó cho thị trường bất động sản?
|
Để giải quyết vấn đề hàng tồn kho, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp: Đẩy mạnh tiêu thụ hàng bằng cách giải ngân vốn ngân sách nhà nước, vốn ODA và các nguồn vốn đầu tư phát triển xã hội để tiêu thụ các mặt hàng vật liệu xây dựng, sắt, thép, ximăng...; tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong nước và nước ngoài; giúp doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi, lãi suất thấp để khôi phục sản xuất. Có thể thấy, hầu hết các biện pháp đưa ra đều không có gì mới mẻ, chứ chưa nói đến “đột phá”.
Còn nhớ trong buổi Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc cử tri, đã có kiến nghị rằng cần phải hủy công trình thuỷ điện Sông Tranh 2 để đảm bảo an toàn tính mạng cho dân. Tại nghị trường hồi tháng 5, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng đã hứa đảm bảo tuyệt đối an toàn cho khu vực hạ lưu bằng mọi biện pháp, nếu phát hiện không an toàn sẽ kiên quyết dừng.
Hôm nay, Bộ trưởng Hoàng sẽ phải đứng trước một lựa chọn trách nhiệm giữa một bên là tính mạng tài sản của 40 ngàn người dân hạ lưu, một bên là lời cam kết an toàn khi đã có trên dưới 80 trận động đất kích thích xảy ra ngay cả khi Sông Tranh 2 dừng tích nước.
Bất động sản: Tồn kho, nhưng tồn bao nhiêu?
Không còn nghi ngờ gì nữa, số liệu về lượng tồn kho BĐS cũng như số tiền đang bị “chôn trong đất” sẽ là thông tin đầu tiên mà Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng phải nói tới. Bởi tồn kho BĐS đang là điểm nghẽn lớn nhất trong điểm nghẽn tồn kho. Nếu không có con số “có hình hài”, sẽ không thể bàn đến chuyện tháo gỡ.
Đến trước phiên chất vấn, vẫn chưa có con số chính xác về lượng tồn kho BĐS. 700.000 căn hộ trị giá 5 tỉ USD? 1 triệu tỉ đồng? Thậm chí, chỉ tại một thị trường (TPHCM), đã có tới 4 số liệu tồn kho khác nhau: 20.000 căn- theo số liệu của Sở Xây dựng; 35.000 căn - số liệu của Dragon Capital; 18.000- theo số liệu của Công ty nghiên cứu thị trường CBRE và 47.000 - số liệu của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã từng nói tới giải pháp “chia nhỏ” căn hộ. Nhưng đây rõ ràng không phải là biện pháp căn cơ khi nó tạo ra những khu ổ chuột mới trong lòng thành phố, hoặc “chỉ là tình thế”- như chính thừa nhận của bộ trưởng.
Bộ trưởng Dũng rất nên được thông cảm, bởi cái khó mà ông phải đối mặt còn ở chỗ chính báo cáo của Chính phủ cũng thừa nhận: Thị trường BĐS khó có khả năng phục hồi. Trong khi Nghị quyết về KTXH năm 2013 mà QH vừa thông qua đã nêu rõ, thời hạn “từ nay đến cuối năm” phải tập trung chỉ đạo giải quyết hàng hóa tồn kho và nợ xấu, đặc biệt là với “căn hộ nhà chung cư” và những mặt hàng vật liệu liên quan đến xây dựng: Sắt thép, ximăng...
Cái khó nhất trong “kỳ thi” của Bộ trưởng Dũng là những điều ông trả lời trước Quốc hội không chỉ sẽ quyết định đến việc “phá băng” cho một nguồn lực lớn đang bị “chôn trong đất”, mà nếu những giải pháp đó hiệu quả, nó còn có tác dụng “phá băng niềm tin”; hoặc ngược lại. Bởi sự “đóng băng niềm tin”- chứ không phải là việc thiếu tiền- đang khiến thị trường BĐS chết lâm sàng.
Ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thanh Tùng (Thái Nguyên):
Trong kỳ họp này tôi muốn Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trả lời về trách nhiệm của ngành trong việc thúc đẩy tháo gỡ khó khăn hỗ trợ để sản xuất kinh doanh nhất là trong ngành công nghiệp, thương mại nội địa và xuất - nhập khẩu bình ổn để giải quyết được công ăn việc làm, tăng sức mua, giải quyết hàng tồn kho.
Ngoài ra một số vấn đề quan trọng khác như trách nhiệm quản lý của ngành về giá các mặt hàng thiết yếu như giá điện, giá xăng. Đặc biệt tôi muốn phải có lộ trình xóa độc quyền trong ngành điện chứ đến năm 2022 mới hoàn tất là quá lâu.
Nếu tiếp tục kéo dài thì thị trường thiếu sự cạnh tranh lành mạnh, sẽ hạn chế phát triển và ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Đ.T
|
Đào Tuấn
lao động
|