Thứ Ba, 13/11/2012 15:56

Bảo hiểm rủi ro mất vốn, ngân hàng còn e ngại

Nói một cách nôm na thì ngân hàng là một DN buôn tiền và hàng ngày, hàng giờ lưu thông qua hệ thống rất nhiều tiền.

Tâm lý e ngại bị tiết lộ thông tin khiến một số ngân hàng e ngại mua bảo hiểm rủi ro

Chính vì vậy, dù đã xây dựng nhiều quy trình, quy chế chặt chẽ, song không ngân hàng nào có thể ngăn ngừa hoàn toàn việc có một bộ phận cán bộ lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn để biển thủ tiền. Thực tế ghi nhận nhiều vụ việc cán bộ ngân hàng thụt két, làm hồ sơ giả để rút tiền, tiếp tay cho tội phạm… và khi đã xảy ra những vụ việc như vậy, thiệt hại của ngân hàng không chỉ đơn giản là vài chục, vài trăm triệu đồng, mà có thể lên tới vài chục, vài trăm tỷ đồng.

Đơn cử như vụ án đang được cơ quan công an điều tra làm rõ về hành vi lạm quyền của Giám đốc Chi nhánh Hồng Hà, Agribank, khi ký bảo lãnh không hồ sơ, không hạch toán, không thu phí đối với một số công ty. Kết quả điều tra bước đầu cho thấy, tổng số tiền bảo lãnh là 345 tỷ đồng và số tiền mà các bên liên quan còn nợ nhau là khoảng 180 tỷ đồng. Thiệt hại thực tế của Agribank là bao nhiêu thì còn phải chờ đến khi vụ án được đưa ra xét xử, song từ kết quả điều tra ban đầu có thể thấy con số này không nhỏ.

Một trường hợp khác là vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Phòng giao dịch Kênh Đào của Agribank. Hai cán bộ của phòng giao dịch này với sự hỗ trợ của một cán bộ thuộc Chi nhánh Mỹ Đức đã tất toán khống trên máy 177 sổ tiết kiệm, chiếm đoạt hơn 45,8 tỷ đồng. Một án tử hình, hai án chung thân cùng với trách nhiệm bồi thường dân sự đã được tuyên, song chắc chắn khoản này sẽ trở thành phải thu khó đòi, thậm chí chẳng bao giờ đòi được.

Một vụ án khác, chủ một DN đã cấu kết với một cán bộ của Phòng Tài nguyên và Môi trường Gia Lâm (Hà Nội) làm giả 21 sổ đỏ giả, thế chấp ở nhiều ngân hàng vay tổng cộng 70 tỷ đồng. Về trách nhiệm dân sự, tội phạm chính phải hoàn trả 59,6 tỷ đồng cho các chi nhánh của 5 ngân hàng gồm Agribank, Vietinbank, Tecombank, PGBank, Seabank. Tuy nhiên, với bản án chung thân cho thủ phạm, các ngân hàng nói trên có lẽ chẳng hy vọng gì vào việc thi hành án đối với phần bồi thường dân sự.

Trên đây chỉ là vài ví dụ trong vô số những vụ việc đã xảy ra ở khối ngân hàng và gánh nặng thiệt hại này sẽ được chia sẻ nếu khối ngân hàng ý thức được giá trị của các sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm. Theo Bảo hiểm Bảo Việt, để phòng ngừa hết các rủi ro trong hoạt động của một tổ chức ngân hàng - tài chính thì cần có một số đơn bảo hiểm, gồm hợp đồng bảo hiểm về vận chuyển tiền (trộm cắp trong quá trình vận chuyển tiền hoặc là tiền tại địa điểm), bảo hiểm lòng trung thành của nhân viên (trước các hành vi biển thủ tiền), bảo hiểm tội phạm nghề nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm cho giám đốc điều hành.

Theo một công ty bảo hiểm nước ngoài đã cung cấp các sản phẩm này khoảng 5 năm nay, các sản phẩm bảo hiểm rủi ro tài chính cho các ngân hàng rất đa dạng và phức tạp, nhưng đều có sẵn, đã được Việt hóa. Về cơ bản, khó có một mức giới hạn trách nhiệm, phí hay điều kiện chung nào. Mức phí sẽ được tính toán dựa trên thông tin về ít nhất là 4 yếu tố cơ bản: quy mô ngân hàng, hạn mức trách nhiệm, tình hình báo cáo tài chính, chất lượng về kiểm soát nội bộ và quản trị rủi ro.

Nếu như trước đây, các ngân hàng phổ biến mua bảo hiểm vận chuyển tiền, do tiền trên đường vận chuyển có rủi ro cao mà chưa thực sự quan tâm các đơn khác, thì nay với nhiều rủi ro xảy ra gần đây, khối ngân hàng đã quan tâm hơn đến các sản phẩm này. Dù vậy, theo Bảo hiểm Bảo Việt, việc thu xếp vẫn khó khăn và không dễ bán. Chủ yếu vẫn là các ngân hàng có công ty bảo hiểm trực thuộc, các ngân hàng khác ít quan tâm. Nguyên nhân do các ngân hàng chưa quan tâm và dự trù một khoản phí bảo hiểm đầy đủ cho các rủi ro, đồng thời nhà bảo hiểm chưa thực sự mặn mà với các loại hình bảo hiểm trong hoạt động ngân hàng, do tính chất rủi ro phức tạp và chưa có đủ số đông khách hàng để bù đắp. Nhà bảo hiểm này cho biết, mức phí mà họ chào cho khách hàng thường bị từ chối vì quá cao. Trong khi đó, để đảm bảo an toàn nhất cho các ngân hàng thì họ phải thu xếp với các nhà tái bảo hiểm có uy tín, được xếp hạng tài chính tốt nhất trên thế giới chào phí - chỉ như vậy mới đảm bảo khả năng chi trả cho các ngân hàng trong trường hợp có thiệt hại xảy ra.

Theo một công ty bảo hiểm nước ngoài, điều này là không tránh khỏi bởi một sản phẩm mới nào cũng cần có thời gian để thâm nhập thị trường, để chứng minh giá trị của sản phẩm đó, nhất là cần vụ việc thực tế để cho thấy sản phẩm này hữu ích. Với một sản phẩm đặc thù như vậy, việc xâm nhập thị trường tất nhiên có khó khăn hơn sản phẩm phổ biến, song lại mở ra cơ hội to lớn cho DN đi tiên phong.

Ở góc độ khác, lãnh đạo một DN bảo hiểm chia sẻ, bên cạnh nguyên nhân như do nhận thức ngân hàng, mức phí cao…, còn có yếu tố khác đặc thù khác, đó là tâm lý e ngại bị tiết lộ thông tin. Ngay từ khi chào bán, cũng có ngân hàng không thực sự phối hợp với nhà bảo hiểm để cung cấp đầy đủ các thông tin theo yêu cầu. Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, ngân hàng lại càng e ngại hơn nếu thông tin bị tiết lộ, nhất là khi có liên quan đến rủi ro tội phạm, bởi nó làm mất uy tín của ngân hàng, ảnh hưởng tâm lý người gửi tiền. Tuy nhiên, hoạt động ngân hàng luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, ý thức giá trị của sản phẩm bảo hiểm, tìm hiểu đầy đủ về sản phẩm giúp ngân hàng và cả khách hàng của họ có được sự bảo vệ tốt nhất.

Hoàng Duy

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Kinh nghiệm xử lý nợ xấu của một số quốc gia và những bài học cho Việt Nam (13/11/2012)

>   “15 tỷ USD nằm bất động ở vàng” (13/11/2012)

>   Thống đốc Nguyễn Văn Bình: "Không có lý do gì bình ổn giá vàng!" (13/11/2012)

>   Hơn 260.000 tỷ đồng nợ ngân hàng đã được xử lý (13/11/2012)

>   Hệ thống ngân hàng chia sẻ khó khăn đối với nền kinh tế (13/11/2012)

>   HDBank - Ngân hàng tiết kiệm tốt nhất 2012 (13/11/2012)

>   EIB: Lãi 9 tháng đạt 53% kế hoạch, tổng tài sản và tín dụng đều giảm (13/11/2012)

>   Sacombank cho vay ưu đãi lãi suất 10% (13/11/2012)

>   Ưu đãi lãi suất vay cho khách tốt (13/11/2012)

>   Được cứu nợ xấu: Ngân hàng, BĐS lại lên hương (13/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật