Thời buổi khó, quan trọng là khả năng thanh toán
Theo các chuyên gia tại diễn đàn CFO 2012 “tái cấu trúc tài chính vượt khủng hoảng” tổ chức ngày 17-10, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc làm sao để không mất khả năng thanh toán là quan trọng nhất đối với doanh nghiệp, chứ không phải khả năng sinh lời.
Có mặt tại hội thảo trên, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chính sách công, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright kể lại câu chuyện người bạn ông là CFO (giám đốc tài chính) của một doanh nghiệp sau khi đã vay nợ nhiều, hàng không bán được thì đến đầu năm nay đã phải xin ý kiến ban lãnh đạo để giảm giá hàng tồn kho, nhằm có dòng tiền trả bớt nợ và duy trì hoạt động, đồng thời cũng giúp doanh nghiệp giảm vay nợ của ngân hàng trong bối cảnh lãi suất cao.
Theo ông Thành, đó là việc cần làm để tồn tại qua khó khăn, vì nếu cứ giữ giá khư khư không giảm, trong khi khoản vay của ngân hàng ngày càng đẻ lãi nhiều hơn, doanh nghiệp không trả được thì khả năng phá sản của doanh nghiệp là rất cao.
Theo ông Thành, hiện tại sức khỏe của nhiều doanh nghiệp Việt Nam không tốt, thậm chí có thể nói là suy giảm mạnh so với trước nếu nhìn vào con số hàng tồn kho và chỉ số sản xuất công nghiệp chế biến PMI. Trong khi đó, vốn ra nền kinh tế không nhiều, tín dụng đến hết 9 tháng chỉ tăng 2,35% so với cuối năm 2011. Ngân hàng huy động vốn tăng nhưng hướng đầu tư vào các tài sản tài chính an toàn như trái phiếu chính phủ, giấy tờ có giá và một phần là đảo nợ. Vì vậy, bản thân doanh nghiệp phải tự lực để tìm ra hướng đi cho mình để không rơi vào tình trạng giải thể, đóng cửa.
Cùng ý kiến này, ông Lê Hải Phong, Giám đốc tài chính, Tập đoàn Bảo Việt, cho rằng càng khó khăn thì khả năng thanh toán càng quan trọng, một khi mất khả năng thanh toán thì rất nguy hiểm. Theo ông Phong, Việt Nam hiện có những công ty lắm tiền nhưng nhiều nợ. Có những công ty nợ vượt nhiều lần so với vốn chủ sở hữu. Nếu nhìn con số chung của Việt Nam trong quí 2 thì tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp niêm yết vào khoảng 1,53 lần, trong khi Mỹ là 1,2 lần và Trung Quốc chỉ 1,06 lần. Điều này có nghĩa là rủi ro đối với các công ty này rất cao, chỉ cần không trả được một phần nợ thì cũng có thể bị phá sản. Ông Phong cho rằng nhìn vào báo cáo tài chính của doanh nghiệp có thể thấy họ có lãi, nhưng đến cả cổ tức còn nợ thì chứng tỏ khả năng thanh toán nhanh của doanh nghiệp yếu và doanh nghiệp đang gặp khó.
“Trong lúc này, tốt nhất là kiểm soát tốt dòng tiền, quy định hạn mức chi tiêu một cách chặt chẽ, cơ cấu lại kỳ hạn vay, trả nợ để dòng tiền có thể được sử dụng triệt để hơn. Đồng thời doanh nghiệp cần lập dự toán dòng tiền đầy đủ rõ ràng để theo dõi chặt đường đi của tiền sao cho hiệu quả. Nếu cần thiết, nên chấp nhận hy sinh lợi nhuận để đảm bảo khả năng thanh toán”, ông Phong nói thêm.
Trong buổi hội thảo, vai trò của CFO cũng được các khách mời nhắc đến nhiều. Theo nhiều ý kiến, càng khó khăn thì vai trò của CFO cần phải nâng cao. Không nên chỉ xem họ là những người chỉ lo các vấn đề về nghiệp vụ kế toán, mà nên xem họ là những người có thể tư vấn cho giám đốc điều hành những chiến lược phù hợp với dòng tiền hiện có của doanh nghiệp. Điều này giúp doanh nghiệp không quá mạo hiểm khi đầu tư dự án mới đồng thời đảm bảo được khả năng thanh toán của doanh nghiệp.
Theo ông Đỗ Hòa, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn IME, nhìn vào thực trạng doanh nghiệp Việt Nam đa phần là doanh nghiệp nhỏ, giám đốc tài chính chủ yếu là phụ trách các báo cáo thuế, không đủ sức để giúp cho ban lãnh đạo đưa ra quyết định quan trọng về chiến lược của công ty. Trong khi vai trò của CFO trong bối cảnh hiện nay là phải chỉ ra những rủi ro hiện hữu trong nội bộ công ty, rủi ro về chính sách và cả từ đối tác để cẩn trọng trong các quyết sách đầu tư, tránh gây ra thiệt hại cho công ty. Theo ông Hòa, để làm được việc này doanh nghiệp cũng phải chú trọng trong việc đào tạo và sử dụng người tài, tránh lãng phí chất xám như tại một số công ty trong thời gian qua.
Thanh Thương
TBKTSG Online
|