47,96%, con số nói hộ VNPT
MobiFone mất 1/3 thị phần chỉ sau 1 năm, giảm từ 29,11% xuống còn 17,9%, theo Sách trắng về Công nghệ Thông tin Việt Nam năm 2012 do Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố. Thị phần của các hãng viễn thông khác biến động không đáng kể.
Từ khi thành lập đến nay, đây là lần đầu tiên thị phần MobiFone giảm. Trong khi đó, kết quả kinh doanh của MobiFone luôn tăng. Năm 2011, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của MobiFone đạt 49,7%, theo ông Lê Ngọc Minh, Chủ tịch MobiFone. MobiFone là đơn vị đóng góp đến hơn 50% doanh thu và lợi nhuận cho Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT). Công ty cũng có chỉ số APRU (doanh thu/thuê bao) cao nhất thị trường.
Mới đây, MobiFone đã hoàn tất việc lắp đặt thêm 7.500 trạm phát sóng mới trên khắp cả nước.
Do đó, việc nhanh chóng mất đi một lượng thị phần lớn là điều khá khó hiểu. Có điều trùng hợp là cùng thời điểm Sách trắng được công bố, VNPT lại tiếp tục nhắc lại đề nghị được sáp nhập 2 mạng VinaPhone và MobiFone. Đề xuất này lâu nay chưa thể thực hiện do vướng Luật Cạnh tranh (một hãng không được nắm trên 50% thị phần).
Với con số tổng thị phần của VinaPhone và MobiFone lúc này chỉ còn 47,97%, nếu sáp nhập 2 hãng, VNPT hoàn toàn không phạm luật.
Thị phần MobiFone: Bỗng dưng giảm mạnh
|
Sáp nhập là lựa chọn có lợi cho VNPT
VNPT từng phác thảo 3 kịch bản sau khi có thông tư quy định “một tổ chức sở hữu trên 20% vốn điều lệ trong một doanh nghiệp viễn thông thì không được sở hữu trên 20% vốn của doanh nghiệp viễn thông khác”. Đó là cổ phần hóa 1 trong 2 mạng, cổ phần hóa toàn tập đoàn hoặc sáp nhập VinaPhone với MobiFone. Tập đoàn này chỉ trình và theo đuổi kịch bản sáp nhập 2 mạng với nhau thay vì cổ phần hóa. Nếu cổ phần hóa, VNPT sẽ chỉ nắm khoảng 20% cổ phần của con gà đẻ trứng vàng MobiFone. Lợi nhuận của toàn Tập đoàn năm 2011 là 10.000 tỉ đồng, trong khi MobiFone đóng góp 6.260 tỉ đồng.
Việc sáp nhập còn mang lại lợi ích lâu dài cho VNPT. Theo ông Đặng Quốc Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính, việc MobiFone và VinaPhone là 2 công ty con thuộc VNPT nhưng lại đầu tư phát triển theo 2 hướng khác nhau, sử dụng hạ tầng khác nhau là rất lãng phí. Sáp nhập lại, VNPT không mất gì mà 1 công ty con lại có thể sử dụng chung cơ sở hạ tầng.
Đại diện Công ty viễn thông Gmobile, bà Phạm Cẩm Tú, cho rằng khả năng sáp nhập VinaPhone với MobiFone là có. Tuy nhiên, VNPT có được thỏa nguyện hay không còn phụ thuộc vào quy hoạch ngành của nhà nước. Trong khi đó, đại diện Viettel từ chối bình luận về vấn đề này.
Nhưng không có lợi cho người tiêu dùng
Bà Tú, Gmobile cho rằng “Nếu sáp nhập 2 nhà mạng này lại với nhau thì sẽ xuất hiện 1 mạng chiếm gần 50% thị phần, khi đó thị trường sẽ có 2 mạng chiếm gần 90% thị phần trong khi 4 doanh nghiệp còn lại chỉ chiếm hơn 10%, là một mô hình khó đảm bảo cạnh tranh lành mạnh.”
Bà này cũng nói thêm, khi chỉ mới có VNPT kinh doanh dịch vụ viễn thông di động thì giá cước di động rất cao trong khi chất lượng dịch vụ còn nhiều hạn chế.
Chuyên gia về viễn thông di động, ông Hoàng Mạnh Cường, cho rằng sẽ có khả năng bắt tay nhau làm giá khi chỉ còn 2 hãng lớn trên thị trường. “Như vậy, không chỉ thị trường mất tính cạnh tranh mà người dùng có nguy cơ phải trả nhiều tiền hơn cho dịch vụ viễn thông”.
Hầu hết các nước phát triển đều duy trì 3 hoặc 4 doanh nghiệp viễn thông có thị phần tương đương nhau để cùng phát triển, tránh việc bắt tay nhau lũng đoạn thị trường. Trung Quốc có 3 mạng là China Mobile, China Unicom và China Telecom. Mỹ có AT&T, T-Moblie, Verizon, Sprint... Không phải ở những nước này không có doanh nghiệp muốn mua lại hoặc sáp nhập giữa các nhà mạng, nhưng hầu hết đều bị từ chối.
Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng không nên sáp nhập 2 mạng di động trên. Theo ông, thị trường viễn thông di động có đặc thù là số lượng doanh nghiệp tham gia hạn chế nên một trong những cách để tạo cạnh tranh là cổ phần hóa. Cổ phần hóa không đơn thuần là chuyện kiếm thêm ít tiền từ nhà đầu tư, bán cổ phần để thu ít tiền cho ngân sách Nhà nước, mà còn tạo thêm đối tác chiến lược.
Ông Thành cũng cho rằng, khi cổ phần hóa thì đối tác chiến lược đem vào kỹ năng quản trị, công nghệ, dịch vụ mới, tạo tiêu chuẩn để các doanh nghiệp khác phải theo. Đó là cách tạo áp lực cạnh tranh trên thị trường. “Nguyên lý của cạnh tranh là không phải bảo vệ những người đang chơi trên thị trường mà là bảo vệ áp lực cạnh tranh,” ông nói.
Lan Ca
nhịp cầu đầu tư
|