Thứ Tư, 17/10/2012 11:21

Viettel có làm khó các nhà mạng nhỏ?

Sau khoảng 3 năm đàm phán, Đông Dương Telecom hiện vẫn chưa “chốt” được với Viettel về các điều kiện dùng chung hạ tầng mạng 3G.

Từ tháng 8/2009, Công ty cổ phần Viễn thông Đông Dương (Đông Dương Telecom) đã được cấp giấy phép khai thác mạng di động ảo trên cơ sở dùng chung hạ tầng mạng 3G với Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel). Song cho đến thời điểm này, Đông Dương Telecom (là nhà mạng ảo đầu tiên được cấp phép) vẫn chưa thể chính thức cung cấp dịch vụ. Chính vì lý do này mà Đông Dương Telecom đang bị Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, có thể sẽ thu hồi giấy phép.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc chậm trễ trong triển khai dịch vụ mạng di động ảo là do Đông Dương Telecom và Viettel vẫn chưa đạt được thỏa thuận chi tiết về việc dùng chung cơ sở hạ tầng 3G, sau khoảng 3 năm đàm phán.

Ông Nguyễn Minh Khánh, Phó tổng giám đốc Đông Dương Telecom cho biết, hiện doanh nghiệp này vẫn đang tích cực triển khai thiết lập mạng di động ảo và chỉ vướng trong đàm phán với Viettel. “Hai bên đã đồng ý về chủ trương, nhưng lại chưa thể thống nhất với nhau về các điều khoản cụ thể”, ông Khánh cho biết và kiến nghị, cần phải tạo ra thị trường viễn thông cạnh tranh lành mạnh và hỗ trợ mọi doanh nghiệp bất kể lớn, nhỏ cùng tham gia.

“Công ty vẫn đang nỗ lực theo đuổi kế hoạch tham gia thị trường và triển vọng của Đông Dương Telecom hiện vẫn tốt và khả thi”, ông Khánh khẳng định.

Theo một quan chức của Bộ Thông tin và Truyền thông, cho dù Đông Dương Telecom đã đạt được thỏa thuận nguyên tắc dùng chung hạ tầng với Viettel tại thời điểm được cấp phép, nhưng đến nay, thỏa thuận nguyên tắc này vẫn chưa chuyển được thành hợp đồng chi tiết.

Đông Dương Telecom không phải là nhà mạng duy nhất gặp khó khăn khi tìm kiếm cơ hội hợp tác với Viettel. Một nhà mạng khác là Vietnamobile cũng đang trong tình cảnh chưa tìm được tiếng nói chung với Viettel về sử dụng bằng tần 3G mà Viettel tiếp quản từ EVNTelecom (trước khi Viettel tiếp quản EVNTelecom, Vietnamobile đã cùng EVNTelecom liên danh thi tuyển 3G). Mới đây, ông Stephen W F Sun, Trưởng đại diện Văn phòng Điều hành Hutchison Telecommunications tại Việt Nam (đối tác hợp tác kinh doanh với Hanoi Telecom trong mạng Vietnamobile) cho biết, đối với doanh nghiệp viễn thông, băng tần là tài nguyên quan trọng nhất giúp doanh nghiệp hoạt động và phát triển. “Vì vậy, Vietnamobile rất mong muốn Bộ Thông tin và Truyền thông phân bổ lại băng tần và cấp đủ băng tần cả 2G lẫn 3G cho Vietnamobile. Trên danh nghĩa, băng tần là chia đôi cho liên danh thi tuyển, nhưng không nhà mạng nào có thể hoạt động với một nửa băng tần”, ông Stephen W F Sun nói.

Trước đó, vào cuối năm 2011, khi Viettel bắt đầu tiếp nhận EVNTelecom, Vietnamobile cũng đã bày tỏ quan ngại về việc Viettel được xem là doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, vì vậy, nếu có được một nửa băng tần của liên danh thi tuyển 3G, thì khó tránh khỏi việc Viettel ngăn cản việc tham gia thị trường cung cấp dịch vụ 3G của những đối thủ cạnh tranh, như Vietnamobile.

Tương tự như Vietnamobile, VTC (nhà mạng di động ảo thứ 2 được cấp phép) cũng từng bị đẩy vào tình cảnh phải đàm phán lại với Viettel về việc sử dụng hạ tầng mạng 3G của EVNTelecom trước đây.

Một quan chức của Bộ Thông tin và Truyền thông nhận xét, việc dùng chung hạ tầng về cơ bản vẫn phải là sự thỏa thuận giữa các doanh nghiệp với nhau, trong trường hợp hai bên gặp khó khăn hay bế tắc trong đàm phán thì cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành mới “vào cuộc” hỗ trợ.

Theo Dự thảo Thông tư Ban hành danh mục doanh nghiệp viễn thông, nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường đối với các dịch vụ viễn thông quan trọng, Viettel đang được xếp vào nhóm doanh nghiệp có thị phần khống chế ở dịch vụ kênh thuê riêng quốc tế; truy nhập Internet băng rộng; điện thoại quốc tế; điện thoại và dịch vụ tin nhắn; truy nhập Internet di động.

Thu Huyền

đầu tư

Các tin tức khác

>   Huawei, ZTE ồ ạt vào Việt Nam: Cơ chế “không chọn không được”! (17/10/2012)

>   Có nên giao SCIC đảm nhận việc thoái vốn ngoài ngành? (17/10/2012)

>   Bùng nổ fast-food (17/10/2012)

>   Kiến nghị tăng phí quốc lộ 14 theo chỉ số giá tiêu dùng (17/10/2012)

>   Tập đoàn Shell xem xét bán công ty nhựa đường (17/10/2012)

>   HUD và kế hoạch “thu phí nhãn hiệu”: Mơ ước vội tan? (16/10/2012)

>   Sản xuất mía đường: Nông dân và DN đều thua lỗ (16/10/2012)

>   “Khó hiểu” số liệu thống kê (16/10/2012)

>   Doanh nghiệp thủy sản kêu cứu (16/10/2012)

>   Phó thủ tướng chỉ đạo thanh tra Vinataba (16/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật