Thứ Tư, 17/10/2012 17:18

Hâm nóng cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ

Một trong những vấn đề nóng liên quan đến chính sách quản lý thị trường viễn thông Việt Nam sẽ được mang ra bàn thảo tạo Hội thảo Triển lãm quốc tế Mobile Vietnam 2012 là có nên áp dụng chính sách chuyển mạng giữ nguyên số tại thị trường viễn thông Việt Nam vào thời điểm này hay không?

Ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, nếu được áp dụng, chính sách trên sẽ hâm nóng sự cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp viễn thông. Đề án Chuyển mạng giữ nguyên số đã được Cục gửi xin ý kiến tham vấn các doanh nghiệp viễn thông từ đầu tháng 7/2012. “Một số doanh nghiệp viễn thông, đặc biệt là các doanh nghiệp có thị phần lớn, bày tỏ e ngại về việc thuê bao sẽ nhảy mạng khi thực hiện chuyển mạng giữ nguyên số”, ông Hải nói.

Tuy nhiên, theo khẳng định của ông Hải, các doanh nghiệp hoàn toàn yên tâm, bởi Cục sẽ đưa ra hai “van” điều chỉnh để tránh tình trạng thuê bao nhảy mạng liên tục. “Van” điều chỉnh đầu tiên là phí chuyển mạng, thời gian đầu có thể áp dụng một mức phí cao, sau đó tùy tình hình thị trường sẽ điều chỉnh “van” này lên hay xuống cho hợp lý.

“Van” điều chỉnh thứ hai là quy định về thời gian thuê bao được phép giữ số khi chuyển mạng. “Theo kinh nghiệm từ các nước, các thuê bao muốn chuyển mạng giữ nguyên số phải có thời gian sử dụng dịch vụ ít nhất là 3 tháng”, ông Hải nói và cho biết, về kỹ thuật, việc chuyển mạng giữ nguyên số không có gì phức tạp.

Còn về phía doanh nghiệp viễn thông, theo đại diện một doanh nghiệp viễn thông có thị phần nhỏ, việc áp dụng chính sách chuyển mạng giữ nguyên số sẽ tạo môi trường cạnh tranh cởi mở, lành mạnh, đồng thời tạo môi trường phát triển tối ưu cho những nhà mạng mới. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước cần đưa ra những quy định cụ thể về quy trình thực hiện chuyển mạng giữ nguyên số, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan, mà cụ thể là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và chủ thuê bao.

Cùng chung quan điểm, đại diện một nhà mạng thuộc nhóm doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế khẳng định, chuyển mạng giữ nguyên số là chính sách hay, nhưng quan trọng là phải chọn đúng thời điểm để áp dụng. Thời điểm chuẩn nhất để thực thi chính sách chuyển mạng giữ nguyên số là khi số lượng thuê bao ảo bằng “không” và số lượng thuê bao 3G đạt con số nhất định.

Thực tế hiện nay, theo vị đại diện này, số lượng thuê bao ảo tại Việt Nam vẫn tương đối cao, thể hiện qua hiệu suất sử dụng kho số của doanh nghiệp mới chỉ đạt trung bình khoảng 50%. Còn số lượng thuê bao 3G của các nhà mạng sau 3 năm phát triển mới chỉ đạt trên 16 triệu thuê bao.

Câu chuyện chuyển mạng giữ nguyên số được Bộ Thông tin và Truyền thông mang ra bàn thảo từ năm 2008, nhưng đến thời điểm này mới chính thức được Bộ triển khai rốt ráo. Theo lý giải của bộ này, hiện tại, thị trường viễn thông Việt Nam đã hội đủ các yếu tố để tính đến chuyện thực hiện chuyển mạng giữ nguyên số như quy mô thị trường; mức độ cạnh tranh; thị trường hoạt động theo mô hình kinh doanh giá rẻ; các dịch vụ giá trị gia tăng, dịch vụ dữ liệu vẫn chưa phát triển và hiệu suất sử dụng kho số chưa cao.

Chẳng hạn, về quy mô thị trường, theo đánh giá của Cục Viễn thông, số lượng thuê bao di động phát sinh cước liên tục tăng, tỷ lệ thuê bao di động trên 100 dân đạt khoảng 150%. Trong khi đó, theo số liệu nghiên cứu, đa số các nước bắt đầu triển khai chuyển mạng giữ nguyên số khi tỷ lệ thuê bao trên 100 dân đạt trên 50%.

Hay về yếu tố cạnh tranh trên thị trường, mức độ cạnh tranh hiện nay tương đối cao, thị phần chủ yếu thuộc về 3 doanh nghiệp lớn là Viettel, MobiFone và VinaPhone. Bên cạnh đó, việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp chủ yếu dựa trên yếu tố giá, khiến doanh thu bình quân trên một thuê bao (ARPU) chỉ ở mức 4 USD/tháng, thấp hơn rất nhiều so với các nước phát triển, thuộc nhóm các nước có ARPU thấp nhất châu Á.

Theo dự kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông, chính sách chuyển mạng giữ nguyên số có thể được áp dụng vào năm 2014 và sẽ được chia thành các giai đoạn cụ thể. Chẳng hạn, trong giai đoạn đầu, sẽ bắt buộc các doanh nghiệp viễn thông thống lĩnh thị trường phải thực hiện, các doanh nghiệp khác có thể đăng ký triển khai; sang giai đoạn tiếp theo sẽ bắt buộc tất cả các doanh nghiệp phải thực hiện.

Đức Huy

đầu tư

Các tin tức khác

>   FDI viễn thông khơi dòng vốn mới (17/10/2012)

>   4 nhà máy xi măng nợ, lỗ hàng nghìn tỉ đồng (17/10/2012)

>   47,96%, con số nói hộ VNPT (17/10/2012)

>   Các đội tàu biển Việt Nam đang... chìm (17/10/2012)

>   Viettel có làm khó các nhà mạng nhỏ? (17/10/2012)

>   Huawei, ZTE ồ ạt vào Việt Nam: Cơ chế “không chọn không được”! (17/10/2012)

>   Có nên giao SCIC đảm nhận việc thoái vốn ngoài ngành? (17/10/2012)

>   Bùng nổ fast-food (17/10/2012)

>   Kiến nghị tăng phí quốc lộ 14 theo chỉ số giá tiêu dùng (17/10/2012)

>   Tập đoàn Shell xem xét bán công ty nhựa đường (17/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật