FDI viễn thông khơi dòng vốn mới
Dự án Công ty cổ phần Viễn thông Việt - Nga chính thức được cấp phép là tín hiệu mới trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực viễn thông tại Việt Nam.
Sự rút lui của VimpelCom, SK Telecom và những khó khăn trong hoạt động của Công ty Hutchison Telecommunications phần nào đã tác động đến xu hướng đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực viễn thông của Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư đang nhìn nhận thị trường Việt Nam là mảnh đất màu mỡ cho phát triển các dịch vụ nội dung, dịch vụ Internet băng rộng trên nền công nghệ mới 3G, 4G, hơn là chỉ đơn thuần đầu tư góp vốn xây dựng hạ tầng mạng để cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản.
Theo đánh giá của ông Tony Foster, Giám đốc điều hành Công ty Luật Freshfields Bruckhaus Deringer, có một số dấu hiệu thể hiện sự sụt giảm mối quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dịch vụ viễn thông của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều nhà đầu tư quan tâm đến việc hợp tác thương mại hay liên doanh trong một số lĩnh vực viễn thông khác như thành lập trung tâm dữ liệu, Internet.
Bằng chứng là, theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 9 tháng đầu năm 2012, tổng vốn FDI trong lĩnh vực thông tin và truyền thông vẫn tiếp tục tăng, với 54 dự án cấp mới và 13 dự án tăng vốn, có tổng vốn đầu tư trên 400 triệu USD. Trong đó, đáng chú ý nhất là Dự án Công ty cổ phần Viễn thông Việt - Nga (liên doanh giữa Alltech Telecom Ltd với Tập đoàn Bưu chính Viễn Thông Việt Nam - VNPT và Công ty TNHH Cung cấp giải pháp dịch vụ giá trị gia tăng của nhà đầu tư Síp), với tổng vốn đầu tư 375 triệu USD.
Đây là dự án được ký kết thỏa thuận từ cuối năm 2010. Tại thời điểm đó, theo đánh giá của ông Evgeny Roytman, Chủ tịch Tập đoàn Alltech Telecom, dự án này sẽ mất khoảng 5-7 năm để đạt được mục tiêu về tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR). Khi đi vào hoạt động, Dự án sẽ cung cấp các dịch vụ Internet băng rộng di động trên nền công nghệ mới 4G/LTE.
Tuy nhiên, thời điểm mà Dự án có thể chính thức đưa vào hoạt động lại phụ thuộc khá nhiều vào lộ trình chung của Việt Nam về việc triển khai cấp phép công nghệ 4G/LTE. Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông mới chỉ cấp phép thử nghiệm công nghệ 4G/LTE cho 5 doanh nghiệp.
Sau khi nhận được giấy phép thử nghiệm công nghệ này, VNPT đã hợp tác với Alltech Telecom để thử nghiệm hệ thống và dịch vụ 4G/LTE tại Việt Nam. Còn Alltech, ngoài việc tham gia đầu tư vào thị trường Việt Nam, cũng đã có những bước đi nhằm chuẩn bị cho việc triển khai công nghệ 4G/LTE tại một số thị trường khác như Campuchia, Lào, Myanmar...
Chưa có được dự án đầu tư cụ thể như Alltech Telecom, nhưng gần đây, nhiều nhà đầu tư Pháp, Nhật Bản, Phần Lan... cũng đã rậm rịch tìm hiểu cơ hội đầu tư vào lĩnh vực Internet, dịch vụ dữ liệu, dịch vụ nội dung số cho di động tại Việt Nam thông qua các cuộc làm việc B2B với các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo ông Marc Cagnard, Tham tán thương mại, Giám đốc Cơ quan Thương mại Pháp tại Việt Nam (Ubifrance), năm 2012, Ubifrance sẽ tổ chức cho khoảng 350 doanh nghiệp Pháp tham gia tìm hiểu thị trường Việt Nam. Các doanh nghiệp này đều mong muốn tham gia thị trường Việt Nam trong năm nay, trong đó có khoảng 15% là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin viễn thông.
Sở dĩ các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá cao cơ hội tham gia lĩnh vực Internet, dịch vụ dữ liệu, dịch vụ nội dung số cho di động tại Việt Nam là do những thị trường này được đánh giá còn nhiều cơ hội hơn so với thị trường viễn thông di động.
Riêng với thị trường Internet, số lượng người sử dụng dịch vụ còn tương đối thấp, đặc biệt là Internet băng rộng. Theo thống kê của Trung tâm Internet Việt Nam, tính đến hết tháng 8/2012, tỷ lệ dân số sử dụng Internet đạt con số 35,4% và số lượng thuê bao băng rộng mới đạt con số 4,35 triệu thuê bao.
Thu Huyền
đầu tư
|