Quốc hội nóng chuyện Dương Chí Dũng, 'bầu' Kiên
Thảo luận tại tổ chiều 26/10 về chống tham nhũng, chuyện bắt các ông Dương Chí Dũng, "bầu" Kiên được ĐBQH dẫn làm ví dụ điển hình cho “lợi ích nhóm”, bao che tội phạm.
Ký ra tiền mới tham nhũng được
Nói như Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, lần đầu tiên tại hội nghị TƯ 4, Tổng bí thư công khai thực tế nước ta có nhóm lợi ích, cán bộ ta tư duy nhiệm kỳ. Tuy nhiên, báo cáo của các cơ quan tư pháp với QH đánh giá về nhóm lợi ích chưa đủ “độ”.“Nhân vụ Nguyễn Đức Kiên, tại sao không đánh giá đầy đủ hơn? Chúng ta biết lâu chưa, tại sao bây giờ mới xử?”, ông Giàu đặt câu hỏi.
Theo ông, trong bối cảnh hiện nay khi xảy ra vấn đề gì mà thông tin thiếu công khai sẽ gây tác động cực nguy hiểm, vì vậy cần nhận diện nhóm lợi ích nằm ở đâu, ở chỗ nào.
Phó trưởng đoàn ĐBQH Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa cũng phản ánh, dân không tin Dương Chí Dũng bỏ trốn êm đềm như vậy, rồi nói bắt là bắt ngay được như vậy.
Còn ĐB Trịnh Đình Thạnh (Quảng Ngãi) đề xuất, các vụ vi phạm nghiêm trọng như Vinalines, Vinashin, "bầu" Kiên… cần phải nêu điển hình trong báo cáo để phân tích thực trạng. Đặc biệt, cần có báo cáo riêng công khai quá trình xử lý các vụ nổi cộm này, để dân giám sát.
Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh tổng kết, tham nhũng vẫn nghiêm trọng, càng ngày càng tinh vi phức tạp “cái gì liên quan đến quyền là có tham nhũng”, ông Tỉnh cho hay.
Theo ông, “hễ cứ có tí quyền là tham nhũng, kể cả ở cấp dưới. Chuyển vị trí công tác là có tham nhũng, công tác quy hoạch cũng dính. Chạy chức chạy bằng rồi, sắp tới có khi lại có thêm chạy quy hoạch. Giải pháp lại rất hạn chế, không đủ mạnh".
Cũng lấy dẫn chứng chuyện ông Dương Chí Dũng, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý đánh giá, tội phạm tham nhũng giấu mặt rất nhiều. Khi Dương Chí Dũng bỏ trốn, người dân đặt ngay câu hỏi, vì sao trốn được.
“Ở đây có chuyện bao che, có người “mật báo”, có người lấp liếm, bỏ qua cho. Vậy nên nói “ẩn” như thế là do nguyên nhân chủ quan”, ông Lý nói.
Về chuyện bỏ lọt tội, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho hay, lâu nay hễ phát hiện dấu hiệu tham nhũng, cơ quan chức năng không chuyển ngay sang cơ quan điều tra mà cứ lần lữa xác minh mất cả năm trời. Khi chuyển cơ quan điều tra thì cơ quan này cũng bó tay vì không thể tìm chứng cứ vì chứng cứ đã được xoá.
“Hình ảnh minh họa cho tham nhũng luôn là hai bàn tay lồng vào nhau, đó là tội phạm ẩn, đưa và nhận hối lộ”, ông Quyền nói.
Còn theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM), một số vụ việc gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản nhưng không xử được tội tham nhũng mà chuyển sang các tội danh như thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, xử phạt hành chính… khiến dân bức xúc.
Lập cơ quan giám sát ở QH
Tham nhũng diễn biến phức tạp như vậy, song giải pháp và chế tài lại không đủ mạnh. Do đó, các ĐBQH cũng kiến nghị thêm cách xử lý.
Theo ông Nguyễn Đình Quyền, khi hoạch định chính sách phải hạn chế tối đa kẽ hở để tham nhũng lợi dụng. Nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm trong thanh tra, kiểm toán phải chuyển ngay cho cơ quan điều tra.
ĐBQH Dương Trung Quốc phân tích, tham nhũng gắn với quyền lực. Chữ ký phải ra tiền thì mới tham nhũng được.
“Muốn có quyền, nói thẳng thắn, phải là đảng viên. Đấu tranh chống tham nhũng trước hết chính là đấu tranh bảo vệ Đảng, loại trừ các nhân tố làm mất uy tín của Đảng”, ông Quốc nói.
Về chuyện ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng chuyển về cơ quan đảng, ông Quốc băn khoăn về tính pháp lý: “Đảng vẫn phải nắm vai trò chủ chốt, nhưng cơ chế thế nào để Đảng xác lập vai trò lãnh đạo trong khi tổ chức phải mang tính nhà nước, phù hợp Hiến pháp và pháp luật, đồng thời huy động được sự tham gia của các lực lượng xã hội”.
ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) đề xuất, cần rà soát, phân loại tìm lĩnh vực dễ tham nhũng. Trước khi bố trí ai đó vào một vị trí dễ có cơ hội tham nhũng thì thẩm tra tài sản.
Sau một thời gian, sẽ thẩm tra lại để kiểm tra tài sản phát sinh và yêu cầu giải trình nguồn gốc. Làm chặt chẽ để răn đe và ngăn ngừa.
Còn nói như ĐB Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh), chống tham nhũng không cần đao to búa lớn mà nên mạnh tay “đuổi việc và thu hồi lại tài sản, vì tham nhũng là những người có chức, có quyền”.
ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) đề xuất, QH phải thành lập thanh tra để tiếp nhận đơn thư tố cáo tham nhũng, đồng thời giám sát việc phòng chống tham nhũng của quan chức chính phủ, địa phương.
L.Nhung - P.Loan - X.Linh
vietnamnet
|