Thứ Năm, 25/10/2012 15:47

“Hoài nghi” với FDI

Samsung là một ví dụ trong bức tranh tổng thể FDI có đóng góp khá hạn chế đối với nền kinh tế. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), khu vực doanh nghiệp FDI hiện chiếm tỷ trọng khoảng 20% GDP, xấp xỉ 26% tổng đầu tư toàn xã hội, nhưng chỉ đóng góp chừng 10% tổng thu ngân sách nhà nước.

Thông tin về việc Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam sẽ đầu tư thêm vốn 830 triệu USD để mở rộng tổ hợp công nghệ của doanh nghiệp này tại khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh) dường như không nhận được sự quan tâm lớn như trước của lãnh đạo tỉnh này. Một giám đốc cấp sở của Bắc Ninh cho hay, dự án vốn lớn của Samsung, sử dụng nhiều lao động, đi vào lĩnh vực công nghệ cao, nhưng đang đặt ra nhiều câu hỏi về chuyện “được, mất” đối với địa phương.

Khoảng cuối năm 2009, khi Samsung chính thức đi vào sản xuất, hàng chục ngàn nông dân mất đất tại Bắc Ninh tràn đầy hy vọng được làm việc trong một môi trường lao động chuyên nghiệp, với mức thu nhập chắc hẳn phải cao, tương xứng với lĩnh vực sản xuất điện thoại di động “bạc tỷ” của Samsung. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động địa phương cứ vơi dần theo thời gian, thu nhập cũng không quá cách biệt so với các doanh nghiệp khác cùng khu vực. Ngược lại, tình trạng lao động nhập cư bắt đầu gây “phiền toái” với công tác quản lý của địa phương.

“Nhưng, ngay cả lợi ích kinh tế đối với địa phương cũng không tương xứng với quy mô một dự án chiếm diện tích hơn 100 ha, sản lượng khoảng 11 triệu sản phẩm/tháng với hơn hai chục nghìn lao động…”, vị giám đốc nọ cho hay. Thể hiện trên các con số đầy “thành tích” của Bắc Ninh, chỉ trong vòng mấy năm hoạt động của Samsung, kim ngạch xuất khẩu địa phương này đã tăng vọt. Theo Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh, chỉ trong 10 tháng năm 2012, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng điện tử đã đạt trên 6,4 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2011, trong đó điện thoại di động là chủ yếu, tiếp đến là máy tính bảng… đều liên quan đến cái tên Samsung. Tuy nhiên, “đóng góp cho tỉnh chẳng có gì, vì doanh nghiệp thuộc dạng hoạt động trong khu chế xuất, được rất nhiều ưu đãi. Ngược lại, Kho bạc cũng mệt vì phải hoàn thuế…”, nguồn tin từ Bắc Ninh cho hay.

Nhưng, Samsung chỉ là một ví dụ trong bức tranh tổng thể FDI có đóng góp khá hạn chế đối với nền kinh tế. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), khu vực doanh nghiệp FDI hiện chiếm tỷ trọng khoảng 20% GDP, xấp xỉ 26% tổng đầu tư toàn xã hội, nhưng chỉ đóng góp chừng 10% tổng thu ngân sách nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh chắc hẳn biết rõ lý do. Trong một sự kiện về thu hút đầu tư nước ngoài, ông thừa nhận cơ chế phân cấp hiện nay khiến nhiều địa phương sáng tạo hơn, nhưng đã xảy ra tình trạng thu hút đầu tư bằng mọi giá. “Có thể được một chút về thành tích của tỉnh, nhưng sự quan tâm của quá nhiều địa phương khiến việc lôi kéo dự án trở thành cuộc đua các điều kiện ưu đãi”, vị giám đốc nọ cho biết.

Cũng có lẽ vì những ưu đãi đôi khi vượt mọi trần quy định, nhìn vào bản chất dòng vốn FDI hiện nay, đáng buồn là nhà đầu tư ngoại dường như lấy Việt Nam làm nền tảng cho một chu trình tích lũy tư bản. Không phải vô cớ, nhân công giá rẻ và ưu đãi đầu tư luôn được các ông chủ FDI “tôn sùng” như yếu tố địa lợi của Việt Nam. Ngược lại, trách nhiệm trước các cam kết chuyển giao công nghệ mà Việt Nam mong muốn hướng tới đang bị “tảng lờ”.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trong một nghiên cứu cách đây ít lâu rút ra kết luận quan trọng, doanh nghiệp FDI tại Việt Nam chủ yếu có quy mô tương đối nhỏ, thường nằm trong khâu thấp nhất của giá trị sản phẩm. Chỉ có khoảng 5% doanh nghiệp FDI hoạt động trong ngành công nghệ hiện đại, đầu tư vào những ngành đòi hỏi kỹ năng cao thậm chí ít hơn nữa. Chỉ chừng ấy lý do cũng đủ nhìn nhận về được và mất trước mắt cũng như lâu dài đối với kinh tế Việt Nam.

“Mục tiêu là thận trọng với các dự án thâm dụng năng lượng, lao động”, các lãnh đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục Đầu tư nước ngoài thuộc nằm lòng tiêu chí này khi đặt ra mục tiêu giải ngân FDI năm 2012 là khoảng 10 - 11 tỷ USD, thu hút vốn đăng ký khoảng 15 - 16 tỷ USD. Nhưng, “không biết sao lại chưa thấy có đánh giá chúng ta được gì, mất gì với những ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài”, vị giám đốc cấp sở nọ đặt câu hỏi.

Anh Quân

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   EU chuẩn bị chương trình hỗ trợ mới cho Việt Nam (24/10/2012)

>   Lạm phát năm 2012 không còn đáng e ngại? (24/10/2012)

>   Lập Ủy ban Quốc gia về tái cơ cấu kinh tế? (24/10/2012)

>   “CPI tháng 10 tăng 0,81%” (24/10/2012)

>   Vực dậy nền sản xuất là cần thiết nhất (24/10/2012)

>   Giảm mục tiêu tăng trưởng (23/10/2012)

>   Việt Nam xếp hạng 99 thế giới về môi trường kinh doanh (23/10/2012)

>   'Thông điệp của Thủ tướng làm an lòng dân' (23/10/2012)

>   Bị “tín nhiệm thấp”, có thể xin từ chức (23/10/2012)

>   2013: Nên đặt tái cấu trúc trên mục tiêu tăng trưởng (23/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật