Vực dậy nền sản xuất là cần thiết nhất
Bùi Trinh, tác giả cuốn sách Mô hình Input - Output và những ứng dụng cụ thể trong phân tích, dự báo về kinh tế, nói: "Nếu còn đặt ra quá nhiều mục tiêu để phấn đấu thì con số thống kê nói chung sẽ càng khó lý giải".
* Số liệu kinh tế vĩ mô tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2012 được công bố cho thấy mức độ khởi sắc không đáng kể, nhìn chung vẫn còn trì trệ. Ông đánh giá thế nào về những chỉ số này?
- Chỉ số công nghiệp 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ 2011 tăng 4,8%, cơ bản rơi vào các ngành khai thác tài nguyên tăng 13%; gia công lắp ráp như sản xuất linh kiện điện tử tăng 122%; sản xuất thiết bị truyền thông tăng 157%, đóng tàu và cầu kiện nổi tăng 248%. '
Các ngành này chủ yếu là lắp ráp, gia công là chính và nguyên vật liệu hầu như phải nhập từ nước ngoài. Bên cạnh đó chỉ có một vài điểm sáng, như: chỉ số công nghiệp của một số ngành công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp và thủy sản tăng khá.
Ngoài ra, chỉ số sản xuất, tổng mức bán lẻ và tồn kho cũng thể hiện rõ sự suy yếu của thị trường, sức mua của người dân và tình trạng của chính các doanh nghiệp sản xuất ra các sản phẩm đó.
Một điểm rất quen thuộc đối với hầu hết các số liệu thống kê là tăng trưởng của quý sau thường cao hơn quý trước. Chẳng hạn, trong quý I, mức tồn kho rất cao, nhập khẩu giảm sâu mà sản xuất của Việt Nam cơ bản phụ thuộc vào nhập khẩu, tăng trưởng dư nợ tín dụng âm do các doanh nghiệp không thể tiếp cận được vốn.
Với những dấu hiệu đó thì không thể có mở rộng sản xuất của kỳ tiếp theo nhưng các số liệu thống kê lại phản ánh ngược lại.
Trên thực tế, nguyên vật liệu đầu vào và máy móc thiết bị của sản xuất trong nước cơ bản là nhập khẩu. Nếu tình hình đúng như số liệu thống kê, thì nền kinh tế Việt Nam vận hành thật khó hiểu.
Không tiếp cận được vốn, hàng tồn kho nhiều nhưng doanh nghiệp vẫn mở rộng sản xuất. Người ta có thể lý luận rằng, do các năm trước đầu tư quá nhiều tài sản, máy móc nên doanh nghiệp vẫn duy trì được sản xuất.
Với thực tế hiện nay, ngay cả khi điều này xảy ra thì cũng không thể kéo dài lâu được. Song, với những số liệu từ điều tra của cơ quan thống kê, người cần thông tin vẫn phải sử dụng nhưng khó lý giải nhiều hiện tượng, ngay cả khi so sánh bằng trực giác.
* Theo ông, tại sao chỉ số công nghiệp vẫn liên tục thấp, thậm chí là âm?
- Bối cảnh nền kinh tế hiện nay, nếu có một sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm nào đó tăng trưởng âm cũng là rất bình thường. Với cách lý luận trên, thì tăng trưởng âm còn dễ lý giải hơn là tăng trưởng tháng/quý sau luôn cao hơn tháng/quý trước.
* Nhiều tổ chức quốc tế đưa ra dự đoán khá lạc quan về năm 2013. Vậy còn ý kiến của ông?
- Tôi không tin. Theo tính toán, năm 2012 có thể đạt tăng trưởng GDP cả năm khoảng 5,2%, chủ yếu là do xuất khẩu tăng mạnh khoảng 18%, nhưng giá giảm thì có thể ước lượng xuất khẩu sẽ tăng khoảng 19%, nhập khẩu tăng trưởng chỉ được hơn 6%, trong khi đó tăng trưởng về tiêu dùng và đầu tư rất thấp. Như vậy, cùng với lập luận ở trên, điều này rất khó lặp lại trong năm 2013.
Tôi cho rằng, năm 2013 tăng trưởng chỉ từ 4,5 - 5%. Việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp vẫn khó khăn, lượng tài sản sẽ cũ dần đi, độ trễ của đồng vốn sẽ mất dần tác dụng, khi năm nay phía cung (sản xuất) khó khăn khiến thu nhập của người dân nhỏ đi và tiêu dùng sang năm sẽ không khá hơn.
Xuất nhập khẩu phụ thuộc hoàn toàn vào đối tác nước ngoài nên rất khó xác định. Hơn nữa, cả xuất và nhập khẩu tăng cơ bản đều do khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài và nếu GDP tăng như dự đoán của các tổ chức quốc tế thì cũng là do xuất nhập khẩu.
Điều này theo tôi không đáng để vui mà đáng lo hơn. Do đó, việc vực dậy nền sản xuất trong nước vẫn là cần thiết nhất.
* Cảm ơn ông!
TRÌNH TIÊU thực hiện
tuổi trẻ
|