2013: Nên đặt tái cấu trúc trên mục tiêu tăng trưởng
Theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, những tháng cuối năm, nền kinh tế Việt Nam đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như kinh tế vĩ mô chưa thật sự ổn định vững chắc, vẫn còn nguy cơ lạm phát cao trở lại, 5 chỉ tiêu kế hoạch kinh tế-xã hội có nhiều khả năng không đạt…
Trong bối cảnh đó, phóng viên
Vietnam+
đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam về những thách thức kinh tế Việt Nam sẽ phải đối diện trong thời gian tới.
Tiến độ kế hoạch năm 2012 đã đến giai đoạn nước rút, ông đánh giá thế nào về tình hình kinh tế xã hội từ nay đến cuối năm?
Tiến sỹ Trần Đình Thiên:
Theo kế hoạch đã được điều chỉnh, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả năm sẽ phấn đấu đạt mức 5,2% là thấp hơn nhiều so với mục tiêu 6-6,5% mà Quốc hội đã phê duyệt và vẫn giữ cho đến nay. Tuy nhiên, tôi cho rằng ngay cả mức 5,2% vẫn là hơi cao, bởi ba quý đầu năm chúng ta mới đạt 4,86%. Với kết quả ba quý như vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,2% cho cả năm thì quý 4 GDP phải tăng trưởng 6,5% trở lên. Đây thực sự là một mục tiêu quá thách thức cho chúng ta hiện nay.
Thực tế nhiều năm cho thấy tăng trưởng GDP của Việt Nam phụ thuộc nặng nề vào vốn, vào “sức bơm” tín dụng cho nền kinh tế. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, sau ba quý, tín dụng chỉ tăng rất thấp, khoảng 2,3% (và cũng chỉ mới tăng 2-3 tháng trở lại đây; cho đến tháng Sáu, tín dụng vẫn tăng trưởng “âm”). Theo quy luật “độ trễ” tín dụng (chỉ tác động thực đến tăng trưởng GDP sau khi bơm vốn 5-7 tháng), GDP quý 4 chắc khó tăng cao.
Cộng thêm vào đó là hạn chế của sức mua thị trường, của việc cắt giảm đầu tư công. Đó là những căn cứ để tin rằng không dễ đạt mục tiêu tăng trưởng GDP của Chính phủ, kể cả khi nó đã được hạ xuống tới mức thấp nhất trong vòng hơn 10 năm trở lại đây.
Về chỉ số giá tiêu dùng CPI, mục tiêu từ 8-9% cho năm nay theo tôi là có thế đạt được. Tuy thấp hơn nhiều so với năm ngoái (chỉ bằng một nửa), nhưng như thế thì vẫn là mức rất cao. Cao vì hiện nay sức khỏe nền kinh tế - cả sức khỏe ngân sách lẫn sức khỏe doanh nghiệp đều suy giảm rất mạnh. Cao vì nếu CPI là 8-9% thì lãi suất huy động cũng phải 11-12%; khi đó, lãi suất cho vay ra phải cộng thêm 4-6% nữa như vậy là 15-18%. Như vậy là quá cao, gấp 2-3, thậm chí 4 lần mức lãi suất của nhiều nước khác. Với lãi suất như vậy thì doanh nghiệp làm sao làm ăn có lời, làm sao cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài.
Thêm vào đó, hoạt động sản xuất kinh doanh trong những tháng cuối năm vẫn tiếp tục khó khăn, số lượng doanh nghiệp bị đóng cửa và sắp đóng cửa đã lên trên 40 nghìn đơn vị, nhiều ý kiến hay đưa ra một ví dụ khác để minh chứng tình hình không đến nỗi tồi tệ là so sánh với số lượng doanh nghiệp đăng ký mới từ đầu năm đến nay đã lên tới 50 nghìn đơn vị.
Cũng cần lưu ý đến một thực tế gay gắt khác, đó là số doanh nghiệp đóng cửa năm nay vẫn rất lớn. Mới ba quý mà đã có 35.000-36.000 doanh nghiệp đóng cửa. Có ý kiến cho rằng, tình hình đó không đáng lo ngại lắm vì số doanh nghiệp mới thành lập lớn hơn nhiều số doanh nghiệp đóng cửa.
Nhưng phải thấy rằng doanh nghiệp đóng cửa và doanh nghiệp mới thành lập hoàn toàn khác nhau về chất, về thực lực đóng góp cho tăng trưởng GDP. Những doanh nghiệp phải đóng cửa, họ ít nhiều cũng đã có lịch sử tồn tại và vị thế trên thị trường và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế xã hội. Còn các doanh nghiệp mới thành lập, để nhập cuộc vào thị trường thì giai đoạn ban đầu coi như bắt đầu mới khởi nghiệp, có điểm xuất phát rất thấp. Đó là chưa kể có không ít doanh nghiệp mới thành lập có nguồn gốc từ chính doanh nghiệp đóng cửa, vì khó khăn, phải dùng phép “kim thiền thoát xác” (ve lột xác) để có cơ hội tiếp cận tín dụng để tiếp tục tồn tại.
Theo logic thông thường, các vấn đề nêu trên chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả tăng trưởng GDP cuối năm, thậm chí cả sang năm.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, kinh tế 2013 cả trong nước và quốc tế còn rất khó khăn. Thưa ông, đâu là vấn đề mà kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt?
Tiến sỹ Trần Đình Thiên:
Năm 2013, theo tôi kinh tế Việt Nam còn rất khó khăn. Thứ nhất là câu chuyện ách tắc vốn chưa nhìn thấy hướng khai thông khả dĩ. Mà một khi tín dụng chưa thông suốt thì nền kinh tế khó mà vận hành bình thường và phục hồi tăng trưởng được. Vấn đề này gắn với câu chuyện nợ xấu, hàng tồn kho và thêm vào đó là nguy cơ tăng lãi suất huy động trở lại.
Hơn thế nữa, năm 2013, một số doanh nghiệp sẽ còn tiếp tục “hy sinh.” Tuy nhiên, ở đây, tôi đặc biệt lưu ý đến một khía cạnh khác, thậm chí còn nghiêm trọng hơn cả số doanh nghiệp đóng cửa. Đó là tình trạng các doanh nghiệp đang hoạt động cầm chừng, phải giảm mạnh công suất hoạt động. Không có số liệu thống kê nào xác nhận tình trạng này. Song, sự quan sát cũng các kiểm định thực tiễn cho phép khẳng định việc doanh nghiệp giảm 20 -30% công suất hoạt động là tình trạng phổ biến.
Nếu tính con số khoảng 450.000 doanh nghiệp đang hoạt động mà phải giảm công suất theo mức nêu trên thì phép quy đổi cho thấy việc giảm công suất hoạt động tương đương với việc đóng cửa 90-150 nghìn doanh nghiệp, đó quả thật là một con số gây chấn động. Ảnh hưởng của điều đó đến việc làm, thu nhập lao động và sức mua thị trường chắc chắn là không nhỏ.
Ngoài những nội dung trên, năm 2013 còn một nội dung khác, có lẽ còn quan trọng hơn, đó là việc phải tập trung ưu tiên cho nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế. Nhiệm vụ này phải được thực hiện theo tinh thần của Hội nghị Trung ương 3 và 6 khóa XI, tức là không thể trì hoãn, chần chừ thêm nữa. Áp lực tái cơ cấu là rất lớn trong khi tình thế đã chín muồi.
Song, không được quên rằng chi phí để tái cơ cấu, tức là sửa lại, “đại tu” lại hệ thống cơ cấu đang bị “trục trặc” nghiêm trọng chắc chắn sẽ là rất lớn. Nó bao gồm chi phí để xử lý các khoản nợ, dịch chuyển các hướng sản xuất, điều chỉnh lại lộ trình và số lượng dự án đầu tư công đang triển khai (vốn rất lớn) và quản trị lại công ty.
Công việc này chắc chắn là rất phức tạp, vừa mất thời gian, động chạm mạnh đến các quan hệ lợi ích, lại hút một nguồn lực lớn mà đáng ra được dành cho tăng trưởng GDP. Dành nguồn lực cho tái cơ cấu nghĩa là bớt nguồn lực cho tăng trưởng GDP ngắn hạn, để phục hồi các cơ sở ổn định vĩ mô và tăng trưởng dài hạn. Sự đánh đổi này theo tôi, không còn là việc nên cân nhắc mà là bắt buộc phải làm. Nếu tiếp tục để chậm trễ thì chi phí để thực hiện công việc tái cấu trúc sau này còn lớn hơn rất nhiều. Đó là chưa kể tình trạng tụt hậu xa hơn của đất nước ta lại tiếp tục doãng rộng ra.
Theo tinh thần đó, tôi cho rằng không nhất thiết phải đặt mục tiêu tăng trưởng cho năm 2013 cao, ngay cả mức 4-5%. Cần đặt mục tiêu tái cơ cấu lên trên, dành nguồn lực cho nó, còn lại mới tính cho mục tiêu tăng trưởng GDP.
Cũng cần chú ý thêm rằng những dự báo gần đây cho thấy sự ảm đạm của kinh tế thế giới 2013 còn nặng nề hơn nữa. Các trung tâm kinh tế lớn, các động lực tăng trưởng mạnh nhất của thế giới đều đang có vấn đề nghiêm trọng.
Việt Nam đang trong thế hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới. Do đó, sang năm những ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài đến Việt Nam nhìn chung sẽ nặng hơn.
Quan trọng là tái cơ cấu ở cấp độ vĩ mô
Doanh nghiệp sẽ phải có những đối sách và chuyển đổi như thế nào trong giai đoạn tái cơ cấu?
Tiến sỹ Trần Đình Thiên:
Xét trong xu hướng chung thì tái cơ cấu bao hàm cả cấp độ vĩ mô lẫn vi mô. Nhưng doanh nghiệp là chủ thể thị trường tự giác nên về cơ bản, họ sẽ tự lo tái cơ cấu phần của mình. Cái phải tập trung bàn luận chính là tái cơ cấu ở cấp độ vĩ mô, là thay đổi cơ chế, hệ thống phân bổ nguồn lực phát triển trên phạm vi toàn bộ nền kinh tế. Đặt vấn đề tái cơ cấu là phải nhìn toàn bộ nền kinh tế, còn doanh nghiệp khi đã đặt đúng vị trí, đúng chức năng rồi thì khi đó họ sẽ hành động theo đúng với nguyên lý thị trường.
Trước mắt, Chính phủ cần có những giải pháp giải tỏa tắc nghẽn trong lưu thông vốn, giải tỏa nợ xấu để hệ thống hệ thống tài chính, huyết mạnh của nền kinh tế được vững mạnh.
Điều này tùy thuộc rất nhiều vào cả hai vế giải tỏa “cục máu đông” nợ xấu (ngắn hạn) và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại (dài hạn).
Về việc giải tỏa cục máu đông nợ xấu, đây là vấn đề rất phức tạp, đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn. Yêu cầu giải tỏa càng gấp, lượng nợ xấu càng nhiều thì nguồn lực đòi hỏi càng lớn. Đây là một thách thức lớn vì hiện nay, sức khỏe tài chính – ngân sách và tiền tệ - ngân hàng đều có vấn đề nghiêm trọng. Thêm vào đó, lượng nợ xấu trong nền kinh tế hiện nay là bao nhiêu cũng không rõ. Mà muốn giải tỏa nợ xấu, tức là giải tỏa nguy cơ đối với an ninh tài chính quốc gia, thành công, trước hết phải xác định lượng nợ xấu ở mức độ khả dĩ tin cậy. Đây là việc cần phải làm ngay, làm một cách nghiêm túc, vì lợi ích quốc gia, vì sự sinh tồn của các doanh nghiệp và ngân hàng.
Ngoài những biện pháp xử lý vấn đề này đã được nhiều người đề xuất, tôi xin nhấn mạnh hai giải pháp ưu tiên hàng đầu. Một là chính quyền các cấp phải ưu tiên trả nơ các doanh nghiệp đã hoàn thành và đang thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản mà chính quyền là chủ đầu tư. Hàng chục nghìn doanh nghiệp lâm vào cảnh “nợ xấu” với ngân hàng vì chính quyền không thanh toán cho họ kịp thời. Tôi coi đây là món “nợ xấu” mà chính quyền các cấp là “chủ” chứ không phải các doanh nghiệp. Giải tỏa được món nợ này, chắc chắn, “cục máu đông” sẽ “tan” đi một phần đáng kể.
Hai là thành lập ngay công ty xử lý nợ theo những kinh nghiệm tốt của thế giới. Ta bàn cái này quá lâu, với nhiều ý kiến phân tán. Tình thế thì cấp bách. Cần hành động gấp chứ không thể bàn luận cho “nát” ra mà vẫn không làm. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Làm theo đúng kinh nghiệm tốt của thế giới thì đỡ sai hơn.
Đối với vấn đề tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại, đề án đã được duyệt, đang được triển khai. Nhưng vì nó được giữ bí mật nên ít người được biết, quá trình tái cơ cấu tổng thể lại chưa rõ ràng nên khó mà có ý kiến đóng góp một cách cụ thể và xác đáng.
Câu chuyện này quá nhạy cảm và liên quan đến an ninh tài chính. Tuy nhiên, nếu nó được đưa ra thảo luận ở một phạm vi rộng hơn, trong giới những người có trách nhiệm và các chuyên gia, ít nhất là như vậy thì chắc chắn sẽ có hiệu quả hơn. Trên thực tế, ở các nước, người ta đều làm như vậy, bởi hệ thống tiền tệ, ngân hàng là số phận của nền kinh tế, là tiền bạc của dân góp vào nên người ta thảo luận công khai.
Trong tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, có vấn đề mấu chốt. Thứ nhất là về nguyên tắc, ngân hàng quá yếu kém thì không phép tồn tại. Chính phủ bảo đảm cho người gửi tiền không bị thiệt hại nhưng thị trường phải trừng phạt thích đáng những ngân hàng hoạt động kém cỏi. Thứ hai, xử lý hệ thống ngân hàng thương mại phải đi vào nền tảng gây nên rủi ro hệ thống. Đó là tình trạng “sở hữu chéo”. Hiện nay tình trạng này ở ta là rất nghiêm trọng, mức độ thao túng cơ chế hoạt động rất lớn, đặt hoạt động của nhiều ngân hàng vào thế cực cực kỳ rủi ro.
Ngoài ra, hệ thống thị trường cơ sở như thị trường bất động sản cần được phát triển, bởi nó gắn liền với các thị trường đẳng cấp cao như thị trường tài chính và thị trường chứng khoán. Thị trường bất động sản không phát triển được gây rủi ro cực lớn cho hoạt động ngân hàng. Hiện nay ách tắc trên thị trường này là rất nghiêm trọng, chưa xử lý được tốt và có lẽ còn lâu mới xử lý xong. Trong khi đó, Luật Đất đai sửa đổi mới đang ở giai đoạn đề xuất và cũng chưa cho thấy có những dấu hiệu thay đổi tích cực và cơ bản, đáp ứng được yêu cầu của tái cơ cấu kinh tế.
Khi cấu trúc vĩ mô được cải thiện, có môi trường kinh doanh tốt và ổn định, tôi tin rằng doanh nghiệp sẽ ngay lập tức có thể xử lý và thích ứng để tồn tại, cần phải tin vào hệ thống doanh nghiệp./.
Linh Chi
Vietnam+
|