Giảm mục tiêu tăng trưởng
Bên cạnh các giải pháp trước mắt để cải thiện tình hình kinh tế, cần có quyết sách dài hạn để phục hồi sau khủng hoảng từ nay đến năm 2015
Xây dựng kịch bản phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, Chính phủ đã đề xuất đạt mục tiêu tăng trưởng 5,5%, giảm mạnh so với ngưỡng 7% liên tục diễn ra trong thời gian dài. Sự thay đổi này phản ánh khá rõ nét khó khăn của nền kinh tế và phần nào phản ánh mục tiêu chuyển hướng mô hình tăng trưởng theo chiều rộng sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu.
Hết thời kỳ tăng trưởng nóng
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam không ổn định và liên tục suy giảm. Giai đoạn 2004-2007, tốc độ tăng trưởng GDP đạt trên 8,2% nhưng giai đoạn 2008-2011 chỉ còn xấp xỉ 6%. Tại thời điểm này, tăng trưởng GDP cả năm 2012 được dự báo là 5,2%. Diễn biến thị trường trong và ngoài nước ngày càng thêm khó khăn, dư địa chính sách hạn hẹp dần là nguyên nhân khiến chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2013 chỉ khiêm tốn ở mức 5,5%. Ngược lại, lạm phát gia tăng trung bình 14% trong vòng 5 năm trở lại đây, nhập siêu trở nên nghiêm trọng, chiếm trên 10% GDP trong nhiều năm, thâm hụt ngân sách gia tăng và nợ công cũng tăng nhanh đến ngưỡng nguy hiểm.
Việc đầu tư nhiều cảng biển cũng gây lãng phí lớn, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
|
Một chuyên gia kinh tế cho rằng nếu như khái niệm “hy sinh” tăng trưởng xuất hiện từ dự báo chính sách kinh tế năm 2011 thì đến nay mới thực sự ngấm. Nội lực đang đuối dần, mặc dù tốc độ tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước song mức tăng yếu. Vốn đầu tư khu vực Nhà nước ước tăng 10,4%/năm nhưng tác dụng thúc đẩy sức cầu của nền kinh tế không đáng kể. Trong khi đó, các nguồn lực khác đều nghẽn, ngân hàng thì ế vốn do doanh nghiệp không hấp thụ được, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng sụt giảm mạnh. Theo TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế, trong bối cảnh này không cần và không nên đặt mục tiêu tăng trưởng cao. Có thể chấp nhận kịch bản tăng trưởng GDP 3%-4% cho năm 2013 và chỉ nên coi là mục tiêu định hướng.
Hiệu quả sử dụng nguồn lực thấp
Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng bất ổn của nền kinh tế Việt Nam xuất phát từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, dựa trên việc gia tăng các yếu tố đầu vào, đặc biệt là thâm dụng vốn đầu tư, trong khi hiệu quả sử dụng nguồn lực thấp và chậm được cải thiện. Giai đoạn 1991-1995, tỉ trọng đầu tư/GDP là 28,2% nhưng tạo được mức tăng trưởng trung bình 8,21%. Tuy nhiên, giai đoạn 2006-2010, đầu tư lên đến 42,7% GDP nhưng chỉ tạo được mức tăng trưởng 6,9%. Theo các chuyên gia, bên cạnh các giải pháp trước mắt để cải thiện tình hình kinh tế, cần có quyết sách dài hạn để phục hồi sau khủng hoảng từ nay đến năm 2015.
TS Nguyễn Đức Thành, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách kinh tế ĐH Kinh tế Quốc dân - ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng giải pháp dài hạn là phải quyết liệt tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó đặt vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước là trọng tâm. Đối với giải pháp ngắn hạn, vấn đề cấp thiết trước mắt là giải quyết nợ xấu. Nếu thất bại, ngân sách sẽ bị mắc trong cái bẫy lãi suất cho vay rất cao so với lãi suất huy động nhưng ngân hàng không giảm được, vì phải duy trì lãi cao để bù đắp nợ xấu.
TÔ HÀ
Người lao động
|