Thứ Bảy, 27/10/2012 09:41

“Hối hả” xuất ngoại đầu tư

“Làn sóng đầu tư ra nước ngoài đã và đang mở ra một mặt trận kinh tế thứ hai nhằm khai thác thị trường và lợi thế cạnh tranh của các nước khác để bổ sung, hỗ trợ sự phát triển kinh tế trong nước và nâng cao vị thế kinh tế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới”, Cục Đầu tư nước ngoài nhìn nhận.

Hơn 15 tỷ USD đầu tư ra nước ngoài

Không phải vô cớ, lễ khai trương chi nhánh VietinBank tại Lào hồi đầu năm nay nhận được sự quan tâm đặc biệt của nguyên thủ hai nước. Đối với đất nước Triệu voi, Việt Nam là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ hai. Còn trong dòng chảy vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam, Lào xếp đầu bảng trong các thị trường đầu tư được ưa chuộng.

Với nhiều DN Việt Nam, khối tín dụng đang khoác cho họ “hành trang” để tiến ra thị trường thế giới. Điểm mặt các đối tác tín dụng lớn của VietinBank có Tập đoàn Công nghiệp Cao su, Than - Khoáng sản, Sông Đà… Cơ sở để nới rộng khả năng đầu tư ra nước ngoài đã “lên nòng” từ vài năm nay, hiện thực một dòng chảy vốn đầu tư qua biên giới.

Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chỉ trong giai đoạn từ năm 2006 đến nay, số dự án và vốn đăng ký đầu tư của DN Việt Nam ra nước ngoài tăng vọt so với các giai đoạn trước. Cụ thể, từ 2006 đến tháng 9/2012, Việt Nam có 578 dự án đầu tư ra nước ngoài với tổng số vốn đăng ký đạt trên 12,4 tỷ USD, tăng 4,5 lần về số dự án và gấp 20,7 lần về vốn đầu tư đăng ký so với giai đoạn 1999 - 2005.

Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2012, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cấp Giấy Chứng nhận đầu tư ra nước ngoài cho 66 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký của nhà đầu tư Việt Nam đạt trên 1,2 tỷ USD; điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 9 dự án với số vốn đầu tư điều chỉnh tăng thêm đạt hơn 95,1 triệu USD. Tổng hợp lại, kể từ năm 1989 đến thời điểm tháng 9/2012, các DN Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài 736 dự án với vốn đăng ký vượt 15 tỷ USD. Quy mô vốn đầu tư bình quân đạt 21,5 triệu USD/dự án, cao hơn rất nhiều so với các thời kỳ trước.

Điểm đến cho dòng vốn của DN Việt Nam cũng mở sang cả những quốc gia vốn là các nhà đầu tư lớn tại Việt Nam như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Singapore… Nhiều dự án đã đi vào hoạt động và bắt đầu có hiệu quả, đặc biệt là các dự án trồng cao su.

“Làn sóng đầu tư ra nước ngoài đã và đang mở ra một mặt trận kinh tế thứ hai nhằm khai thác thị trường và lợi thế cạnh tranh của các nước khác để bổ sung, hỗ trợ sự phát triển kinh tế trong nước và nâng cao vị thế kinh tế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới”, Cục Đầu tư nước ngoài nhìn nhận.

Còn thiếu chuyên nghiệp

Nhưng trái ngược với cục diện đầu tư ra nước ngoài hối hả của nhiều DN Việt Nam, lĩnh vực đầu tư chính vẫn “bó hẹp” trong các ngành khai khoáng và sản xuất điện (chiếm gần nửa số vốn đầu tư đăng ký), lại chủ yếu tập trung vào hai quốc gia lân cận là Lào và Campuchia (khoảng 1/3 lượng vốn). Trong khi đó, ở lĩnh vực gia công chế biến, đa số các dự án có quy mô nhỏ. “Năng lực cạnh tranh của các nhà đầu tư Việt Nam nhìn chung còn yếu”, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết.

Ngoại trừ một số DN thuộc Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Điện lực… đa số các DN đầu tư ra nước ngoài có tiềm lực khiêm tốn về vốn, trình độ quản lý còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm hoạt động trong môi trường kinh doanh quốc tế, thương hiệu công ty, thương hiệu sản phẩm, dịch vụ chưa có… Do đó, các DN Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong cạnh tranh với các nhà đầu tư đến từ các nước khác trong đấu thầu, thực hiện liên doanh, liên kết với các đối tác ở nước tiếp nhận vốn đầu tư.

Bên cạnh đó, sự liên kết giữa các DN Việt Nam đầu tư ra nước ngoài lại khá lỏng lẻo. Họ chủ yếu hoạt động mang tính riêng lẻ, manh mún, không những không hỗ trợ nhau mà còn cạnh tranh không lành mạnh. Trừ ngành dầu khí đã có những kế hoạch dài hạn về đầu tư ra nước ngoài, đa số nhà đầu tư khác hoạt động vẫn chủ yếu mang tính tự phát.

Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, đại diện của Chính phủ Việt Nam ở nước ngoài như các đại sứ quán, lãnh sự quán, tham tán thương mại và đầu tư… chưa thực sự tham gia có hiệu quả trong việc hỗ trợ xúc tiến các dự án đầu tư ra nước ngoài. Thậm chí, một số cơ quan đại diện của Việt Nam ở nhiều nước không nắm rõ được số lượng các dự án, các khó khăn thuận lợi của nhà đầu tư. Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, đây là nguyên nhân căn bản làm cho các nhà đầu tư lâm vào tình cảnh lạc lõng, đơn lẻ hoặc xung đột với nhau khi giải quyết những khó khăn trong việc triển khai dự án tại nước sở tại.

“Việt Nam mới chỉ tập trung thực hiện xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, việc xúc tiến đầu tư ra nước ngoài còn chưa được chú trọng”, Cục Đầu tư nước ngoài thừa nhận đây là một trong những nguyên nhân căn bản khiến hoạt động đầu tư ra nước ngoài còn thiếu bài bản, thiếu nhạc trưởng, DN tự khai thác thông tin tốn kém và không đầy đủ…

Anh Quân

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Quốc hội nóng chuyện Dương Chí Dũng, 'bầu' Kiên (27/10/2012)

>   Ernst & Young: 'Việt Nam là một ngôi sao đang lên' (26/10/2012)

>   S&P giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm Việt Nam, triển vọng “ổn định” (26/10/2012)

>   Vốn FDI đăng ký đã vượt mốc 10 tỷ USD (25/10/2012)

>   “Hoài nghi” với FDI (25/10/2012)

>   EU chuẩn bị chương trình hỗ trợ mới cho Việt Nam (24/10/2012)

>   Lạm phát năm 2012 không còn đáng e ngại? (24/10/2012)

>   Lập Ủy ban Quốc gia về tái cơ cấu kinh tế? (24/10/2012)

>   “CPI tháng 10 tăng 0,81%” (24/10/2012)

>   Vực dậy nền sản xuất là cần thiết nhất (24/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật