Giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản chỉ đạt 9.500/15.000 tỷ đồng
Ngày 27-10, chủ trì phiên họp thường kỳ của UBND TPHCM về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2012, công tác trọng tâm tháng 11-2012, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đánh giá: TP đã chủ động, linh hoạt tìm mọi giải pháp nhằm kích cầu tiêu dùng, đầu tư; tích cực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.
Nhờ vậy đã duy trì mức tăng trưởng hợp lý; lạm phát được kiềm chế, mức tăng chỉ số giá luôn thấp hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; lĩnh vực thương mại-dịch vụ đã phục hồi và có mức tăng trưởng khá (tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước). Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tháng 10 ước đạt 46.258 tỷ đồng (tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 13,7% so với cùng kỳ). Doanh thu du lịch tăng 16,95%, lượng khách quốc tế đến TP tăng 12% dù tình hình kinh tế còn khó khăn.
Giám đốc Sở Tài chính Đào Thị Hương Lan cho biết, dù các đơn vị đã rất nỗ lực, song do tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn nên ảnh hưởng lớn đến nguồn thu của TP. Cụ thể, 10 tháng đầu năm 2012, thu ngân sách ước đạt 175.601 tỷ đồng (75,15% so với dự toán), trong khi chỉ tiêu trung ương giao là 233.682 tỷ đồng. Theo Sở Tài chính, nếu bình quân thu khoảng 9.000 tỷ đồng/tháng trong 10 tháng qua thì 2 tháng cuối năm, TP dự kiến phải tăng tốc thu hơn 16.280 tỷ đồng/tháng mới đạt chỉ tiêu.
Làm rõ thêm những khó khăn, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng cho rằng, thu ngân sách TP hiện rất khó khăn do ảnh hưởng tình hình kinh tế chung và chính sách giãn, miễn thuế của Chính phủ (tại TPHCM giảm khoảng 6.000 tỷ đồng); 8 quận, huyện trên địa bàn TP có mức thu đạt thấp một phần quan trọng là do thuế nợ đọng; việc khai thác nguồn lực tài chính cho ngân sách từ đất đai trên địa bàn TP hiện vẫn còn hạn chế, lúng túng.
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng phê bình tình trạng “tiền chờ dự án” vẫn đang diễn ra, trong khi nguồn vốn cho đầu tư xây dựng cơ bản hiện nay là cực kỳ khó. “Trong 10 tháng, TP chi đầu tư cho xây dựng cơ bản 15.000 tỷ đồng, nhưng mới giải ngân được 9.500 tỷ đồng” - đồng chí Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh và yêu cầu các quận, huyện phải rà soát tiến độ dự án, sử dụng vốn ngân sách có hiệu quả, không để xảy ra tình trạng thất thoát, giải ngân chậm; yêu cầu Sở KH-ĐT, Sở Tài chính giám sát việc thanh toán vốn của các dự án, kiên quyết thu hồi các dự án có tiến độ giải ngân dưới 30% vốn đầu tư và chủ tịch UBND quận, huyện phải chịu trách nhiệm nếu để những dự án giải ngân dưới 30% xảy ra trên địa bàn mình.
Liên quan đến việc hỗ trợ lãi suất vay cho các DN, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM tiếp tục thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất cho DN thuộc các lĩnh vực ưu tiên, đồng thời có trách nhiệm chuẩn bị đủ vốn để các DN chuẩn bị nguồn hàng phục vụ tết, đặc biệt là các DN tham gia chương trình bình ổn giá. Theo UBND TP, TP cần 7.000 tỷ đồng để chuẩn bị hàng hóa phục vụ tết, trong đó các mặt hàng bình ổn khoảng 3.000 tỷ đồng.
Trong 2 tháng cuối năm, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân lưu ý các đơn vị phải tập trung duy trì và ổn định tình hình sản xuất kinh doanh; cố gắng tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là hàng tồn kho; phấn đấu để đạt kết quả thu ngân sách theo chỉ tiêu trung ương giao; phải tập trung thực hiện các chương trình chăm lo người dân TP, nhất là người nghèo, gia đình chính sách...; khẩn trương hoàn thành các thủ tục phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương, tăng nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng trên địa bàn TP.
Trong 2 tháng cuối năm, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân lưu ý các đơn vị phải tập trung duy trì và ổn định tình hình sản xuất kinh doanh; cố gắng tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là hàng tồn kho; phấn đấu để đạt kết quả thu ngân sách theo chỉ tiêu trung ương giao; phải tập trung thực hiện các chương trình chăm lo người dân TP, nhất là người nghèo, gia đình chính sách...; khẩn trương hoàn thành các thủ tục phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương, tăng nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng trên địa bàn TP.
|
H.Hiệp
sggp
|