Cơ hội cuối cùng để lướt sóng SME
Mặc dù sắp bị hủy niêm yết, nhưng cổ phiếu SME vẫn được giao dịch với khối lượng lớn. Bởi lẽ, đây là cổ phiếu có giá rẻ nhất, với biên độ dao động giá lên tới 50%/phiên.
19/10 - phiên “quyết định”
Theo thông báo của Sở GDCK Hà Nội (HNX) tại Quyết định số 375/QĐ-SGDHN ngày 26/9/2012, cổ phiếu SME sẽ bị hủy niêm yết kể từ ngày 26/10/2012. Ngày giao dịch cuối cùng tại HNX là 25/10/2012. Lý do hủy niêm yết là SME đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin của tổ chức niêm yết.
Như vậy, 22,5 triệu cổ phiếu SME sẽ “biến mất” khỏi bảng điện tử kể từ thứ Sáu tuần sau (26/10). Cơ hội cuối cùng để NĐT có thể giao dịch cổ phiếu này là thứ Sáu tuần này (19/10). Bởi theo quy định của HNX, từ ngày 7/12/2011, SME chỉ được giao dịch trong phiên thứ Sáu hàng tuần, vì cổ phiếu này thuộc diện bị kiểm soát.
Chính vì quy định bước giá tối thiểu là 100 đồng, cùng với việc chỉ được giao dịch một phiên trong tuần đã khiến SME trở thành cổ phiếu “hấp dẫn” nhất với nhà đầu cơ lướt sóng thích mạo hiểm. Bởi lẽ, khó có cổ phiếu nào có thể đem lại cơ hội lợi nhuận lớn khi có mức tăng/giảm tới 50%/phiên giao dịch như SME. Đặc biệt, do có thị giá rất thấp, nên SME càng dễ được NĐT chấp nhận mạo hiểm. Quan sát diễn biến giao dịch 3 phiên gần đây có thể thấy, khối lượng giao dịch của cổ phiếu này tăng đột biến. Cụ thể, ngày 28/9, SME có giá 200 đồng/CP (giảm 33,3%), với 717.900 cổ phiếu được khớp lệnh; ngày 5/10, SME có giá 300 đồng/CP (tăng 50%), với 210.600 cổ phiếu được khớp lệnh; ngày 12/10, SME có giá 200 đồng (giảm 33,3%), với 264.600 cổ phiếu được khớp lệnh. Giao dịch sôi động khi khối lượng đặt lệnh lên tới cả triệu cổ phiếu (gồm cả khối lượng đặt mua và đặt bán).
Thống kê cho thấy, từ đầu tháng 8 trở lại đây, có hơn 2,2 triệu cổ phiếu SME được chuyển nhượng, nhưng do giá cổ phiếu thấp nhất thị trường nên tổng giá trị giao dịch của SME chỉ đạt 717,1 triệu đồng. Nhiều khả năng đây là “cuộc chơi” của những NĐT nhỏ lẻ, nhưng thích mạo hiểm. Chính vì vậy, khi SME chỉ còn một cơ hội cuối cùng để giao dịch, không ít NĐT mong muốn HNX sẽ cho phép SME được kéo dài thời gian giao dịch. Bởi lẽ, khi rời sàn niêm yết, không còn được giao dịch nữa, thì những cổ đông của SME “cầm chắc” việc sẽ mất tất cả, kể cả tờ chứng nhận mình sở hữu cổ phiếu rẻ nhất Việt Nam.
SMES - thua lỗ và tai tiếng
SMES được thành lập theo Giấy phép số 35/GP-UBCK ngày 26/12/2006 của UBCK, HNX chấp thuận cho tham gia giao dịch trên UPCoM kể từ ngày 24/11/2010. Đến 7/4/2010, SME chuyển sang niêm yết trên HNX.
Từ mức vốn điều lệ ban đầu là 150 tỷ đồng, SMES từng có ý định sẽ tăng vốn lên 300 tỷ đồng sau khi niêm yết và dự kiến tăng lên 500 tỷ đồng cuối năm 2010. Tuy nhiên, SMES chỉ kịp tăng vốn lên 225 tỷ đồng vào quý IV/2010.
Theo giới thiệu tại trang web, SMES có trụ sở chính tại 39 Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội và chi nhánh tại 11 Trần Quốc Thảo, quận 3, TP. HCM. SMES từng là thành viên của HOSE và HNX (trước khi bị 2 Sở chấm dứt tư cách thành viên), thực hiện khá đầy đủ các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán như môi giới, tự doanh, lưu ký chứng khoán và tư vấn tài chính (ngoại trừ bảo lãnh phát hành).
Quý III/2010, SMES bắt đầu báo lỗ quý đầu tiên, với mức lỗ 1,19 tỷ đồng. Năm 2011, Công ty tiếp tục báo lỗ 3 quý đầu năm và không còn công bố báo cáo tài chính kể từ quý IV/2011. Tháng 9/2011, NĐT phản ánh, SMES bị mất thanh khoản, tuy nhiên, giá cổ phiếu SME vẫn có những phiên tăng trần liên tiếp một cách bất thường, khiến Công ty phải giải trình. Kể từ tháng 11/2011, Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) cảnh báo về việc chậm trễ tiền thanh toán bù trừ. Sau đó, trước các báo động liên tục về hoạt động của Công ty, NĐT đã ồ ạt rút tiền khỏi SMES. Kể từ 7/12/2011, cổ phiếu SME bị đưa vào diện kiểm soát và chỉ được giao dịch trong phiên thứ Sáu hàng tuần.
Đầu tháng 8/2012, ông Phan Huy Chí, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc SMES bị Cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt tạm giam để khởi tố tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", từ thời điểm này, SMES coi như bị đặt dấu chấm hết cho việc niêm yết trên sàn.
Quang Sơn
đầu tư chứng khoán
|