Cổ phiếu ngân hàng: Hậu “sự kiện ngày 20/8”
Luôn được ví von là “cổ phiếu vua” nhưng cổ phiếu ngân hàng (NH) chưa được giới đầu tư mặn mà khi mối lo nợ xấu và đặc biệt “sự kiện ngày 20/8” ám ảnh.
Rẻ áng chừng
Mệnh giá cổ phiếu NH luôn là nút chặn tâm lý quan trọng. Bởi lẽ đây là mức thực góp của giới đầu tư vào NH khi tham gia các đợt tăng vốn nhiều năm qua. Tiền thu từ cổ đông được các NH dùng mở rộng mạng lưới, phát triển thêm chi nhánh, nâng cấp công nghệ... Guồng quay tích tụ tài sản diễn ra liên tục nhiều năm. Bởi vậy khi cổ phiếu NH thấp hơn mệnh giá có thể xem xét là dưới giá trị thực. Hiện tại, có 8 cổ phiếu NH đang niêm yết và hai trong số này thấp hơn mệnh giá. Thứ nhất là NVB của NH TMCP Nam Việt (Navibank), mã thứ hai là SHB của NH TMCP Sài Gòn- Hà Nội, cách “mặt sàn” lần lượt 25% và 40%. Cần nhắc lại đầu năm nay, cổ phiếu HBB của NH Habubank lùi về cột mốc 4.000 đồng thì giới đầu tư nhảy vào “truy sát” khiến HBB trở thành cổ phiếu nóng!
Thấp hơn mệnh giá có thể coi là mức “rẻ áng chừng” của cổ phiếu NH bởi lẽ đầu tư vào “cổ phiếu vua” khó có thể mất trắng. Nhiều năm qua, trong số các NH Mê Kông, Habubank, Đệ Nhất và Tín Nghĩa thì chỉ Mê Kông là bị giải thể, còn những thương hiệu sau đó do sáp nhập vào NH khác, chứ chưa có NH nào phá sản.
“Cổ phiếu vua” còn được tiếng là minh bạch do hoạt động NH được điều chỉnh tới ba bộ luật (Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán). Bởi vậy, báo cáo tài chính của NH được xem là khá sạch sẽ. Mặt khác, ở giai đoạn khó khăn như hiện nay, “buôn tiền” vẫn lãi hơn nhiều so kinh doanh lĩnh vực khác.
Khủng hoảng nhưng NH vẫn đủ sức trả cổ tức tiền mặt hấp dẫn. Chẳng hạn, cổ phiếu MBB của NH Quân đội đang được thị trường định giá 1,3 chấm nhưng năm nay có kế hoạch trả cổ tức tới 15%. Thị trường OTC còn nhiều cổ phiếu NH vẫn được mua bán, mức giá chuyển nhượng đa phần thấp hơn mệnh giá nhưng cổ tức tiền mặt trên 10%/năm. Đầu tư nhắm nhận lợi tức cố định, rõ ràng, bây giờ, mua cổ phiếu NH hấp dẫn hơn so với việc gửi tiết kiệm.
So sánh nhóm cổ phiếu chứng khoán càng thấy nhiều cổ phiếu NH rẻ tương đối. Chẳng hạn, Chứng khoán Sài Gòn (SSI) là công ty chứng khoán hàng đầu, cổ phiếu đang được giao dịch với giá 1,6 chấm. Hiện tại, quy mô vốn điều lệ của SSI tương đương với một NH cỡ nhỏ nhưng về mạng lưới nhân sự, cơ sở vật chất, tổng tài sản chưa thể nào sánh bằng.
Ở quy mô như SSI những năm trước, các NH TMCP thừa sức đạt lợi nhuận 500 - 600 tỷ đồng và tăng trưởng dương đều đặn mỗi năm. Sự ổn định này, SSI chưa có được. Mỗi ngành nghề có đặc thù riêng, tương quan giá cổ phiếu EIB của NH Eximbank thấp hơn cổ phiếu SSI; giá cổ phiếu CTG của NH Vietinbank thấp hơn cổ phiếu HCM của Công ty Chứng khoán TP.HCM cho thấy cổ phiếu chứng khoán không hẳn đắt mà “cổ phiếu vua” bị rẻ rúng!
Đắt tương đối
Tuy nhiên, sự áng chừng đắt rẻ của cổ phiếu NH cũng khá mông lung. Sự minh bạch của “cổ phiếu vua” đang bị giới đầu tư nghi ngờ, dù các chỉ số P/B, ROE, ROA công bố vẫn “đẹp long lanh”. Ngoài lợi nhuận, nhiều chỉ số khác quan trọng không kém, như chỉ số an toàn tài chính, tỷ lệ và cơ cấu nợ xấu của các NH, nhưng không phải lúc nào giới đầu tư cũng có thể biết tường tận, kịp thời. Đơn cử, năm 2011, Habubank báo lãi gần 330 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, quý I/2012 tiếp tục báo lãi 29 tỷ đồng.
Thế nhưng tại đại hội cổ đông cuối tháng 4, lãnh đạo Habubank lại công bố một bức tranh tài chính khác hẳn. Theo đó, tính đến cuối tháng 2/2012 dù vốn điều lệ 4.025 tỷ đồng nhưng vốn chủ sở hữu của Habubank chỉ còn 195 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu lên tới 32%. Trước đây, khi là ngôi sao đang lên, Habubank đã cho Vinashin vay 2.745 tỷ đồng và mua thêm 600 tỷ đồng trái phiếu tập đoàn này phát hành. Khi Vinashin “đắm tàu” thì Habubank cũng đối diện với nguy cơ chìm nghỉm, phải tìm cách “gửi thân”.
Còn bao nhiêu trường hợp như Habubank - Vinashin? Vì vậy, việc cổ phiếu NH thấp hơn mệnh giá chưa hẳn đã rẻ vì có thể tiền góp của cổ đông nhiều năm liền đã bị vung vãi. Lợi nhuận NH công bố thường niên vẫn khả quan nhưng có khi nợ xấu có khả năng mất vốn nếu hạch toán đúng cao hơn lợi nhuận nhiều năm tích lũy.
Sơn hào hải vị ăn mãi cũng đến lúc chán. Đó là tâm lý của giới đầu tư với cổ phiếu NH. Giai đoạn 2007- 2011, các NH TMCP tăng vốn như phi mã gây ra hiệu ứng pha loãng cổ phiếu NH. Không loại trừ thêm khả năng các NH sở hữu chéo và tăng vốn ảo khiết chất lượng tài sản hiện nay có yếu tố không thật.
“Sự kiện ngày 20/8” doanh nhân Nguyễn Đức Kiên bị bắt giữ và ngay sau đó, một loạt cựu lãnh đạo của NH ACB bị khởi tố, tiếp tục là một đòn đánh mạnh vào cổ phiếu NH. Trước nay, ACB không chỉ là NH TMCP hàng đầu khối tư nhân, mà còn được biết đến như một địa chỉ tin cậy, hoạt động an toàn, hiệu quả. ACB như vậy mà còn có lúc gây “tai nạn” thì không loại trừ còn nhiều kịch bản tương tự có thể diễn ra với các NH khác.
Cổ phiếu ACB đã đi ngang ở mức 2 chấm cả năm trời tưởng như ở vùng đáy, nhưng rồi sụt giảm mạnh trong tai nạn trên, cho thấy cổ phiếu NH chưa qua đáy. Như vậy, cổ phiếu NH không là nơi trú ẩn an toàn như giới đầu tư vẫn nghĩ. Và nói không quá, chính “cổ phiếu vua” đã tự làm mình mất ngôi vương
Gia Khôi
doanh nhân sài gòn
|