Kỳ vọng gì khi thị trường đi ngang?
Trong khi ngóng thông tin CPI tháng 10/2012 và kết quả kinh doanh (KQKD) quý III khả quan từ doanh nghiệp niêm yết (DNNY), thị trường - theo đánh giá của giới chuyên gia là vẫn còn nhiều điểm tựa.
Khi động lực tăng thấp
Hết tháng 9/2012, khá nhiều mục tiêu đặt ra cho năm 2012 đều chưa đạt được đúng tiến độ cần phải hoàn thành như nhiệm vụ tái cấu trúc nền kinh tế dường như vẫn dậm chân tại chỗ; lạm phát, sau gần 7 tháng kiểm soát tốt, nay đang quay trở lại; tăng trưởng tín dụng thấp và tăng trưởng kinh tế quý III không cải thiện như mong đợi cho dù các cơ quan chức năng đã đặt ra hàng loạt giải pháp thúc đẩy hai mục tiêu này… Từ thực tế trên, khó có thể kỳ vọng một sự tăng trưởng đột biến diễn ra trong quý IV/2012 và như vậy, động lực tăng điểm cho thị trường trong giai đoạn đầu năm đang dần bị mất đi.
Trong khi đó, chỉ trong gần hai tháng qua, giá vàng trong nước đã tăng hơn 14%. Xu hướng này được dự báo sẽ chưa dừng lại trong năm 2012 với các lý do như giá vàng thế giới được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh, các quỹ tín thác vàng đã liên tục gia tăng lượng nắm giữ trong gần hai tháng qua. Trong nước, lực cầu vàng cũng được dự báo sẽ tiếp tục tăng khi các NHTM phải trả lại trạng thái trước khi thời điểm chấm dứt huy động và cho vay vàng của NHNN có hiệu lực (ngày 25/11/2012). Như vậy, so với các kênh đầu tư khác đặc biệt là chứng khoán… triển vọng sinh lợi của vàng rõ ràng đang hấp dẫn hơn. Do đó, khả năng dòng tiền đầu tư sẽ chuyển dịch theo hướng từ chứng khoán qua thị trường vàng.
Theo sát các diễn biến của thị trường kết quả cho thấy, trong quý III/2012, các biến số kinh tế vĩ mô thực tế chưa có sự cải thiện đáng kể. Mức tăng chỉ số tiêu thụ trong quý III năm nay chỉ bằng 1/3 mức tăng của cùng kỳ năm 2011. Trong khi đó, chỉ số hàng tồn kho tính đến 1/9/2012 mặc dù đã giảm so với thời gian trước song vẫn cao hơn 20% và doanh thu từ bán lẻ và dịch vụ giữ ổn định quanh mức 6,7%. Các số liệu này cho thấy tình hình tiêu thụ và bán hàng thực tế không có sự tăng trưởng vượt bậc trong quý vừa qua. Và với kết quả này, khó có thể kỳ vọng sẽ có sự đột biến trong kết quả kinh doanh quý III của các DNNY. Do đó, mùa báo cáo KQKD quý III/2012 sẽ khó có thể được xem là yếu tố hỗ trợ cho thị trường chứng khoán (TTCK).
Kỳ vọng nào?
Tuy nhiên, khi thị trường thiếu vắng các yếu tố hỗ trợ cho xu hướng tăng điểm đồng đều ở tất cả cổ phiếu, dòng tiền sẽ có khuynh hướng lựa chọn các cổ phiếu chất lượng, những cổ phiếu đóng vai trò lớn đối với xu hướng thị trường. Do vậy, mặc dù không kỳ vọng KQKD quý III/2012 sẽ có sự hỗ trợ đáng kể cho TTCK nhưng những điểm sáng lợi nhuận xuất hiện trong nhóm cổ phiếu trụ cột, cổ phiếu thuộc các doanh nghiệp chất lượng với nền tảng cơ bản tốt như VNM, FPT... có thể sẽ giúp VN-Index duy trì ổn định điểm số.
Một yếu tố khác cũng mang tính hỗ trợ cao là sức hấp dẫn của TTCK Việt Nam đang tăng lên và có thể thu hút sự quan tâm của khối NĐT nước ngoài. Theo Bloomberg, giá cổ phiếu của TTCK Việt Nam hiện nay đang ở mức thấp nhất so với các thị trường trong khu vực (P/E đang ở mức 9,66 lần đối với VN-Index và 6,54 lần đối với HNX-Index, trong khi các TTCK trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines đều có mức P/E dao động trong khoảng 15,5 - 19,2 lần). Bên cạnh đó, thị giá cổ phiếu trên sàn HNX của thị trường Việt Nam thậm chí còn thấp hơn cả giá trị sổ sách với mức P/B trung bình 0,71 lần; hệ số P/B trên sàn HSX cũng hấp dẫn khi chỉ ở mức khoảng 1,48 lần. Với lợi thế giá cổ phiếu đang về vùng hấp dẫn hơn so với các thị trường trong khu vực, khả năng NĐT nước ngoài sẽ tiếp tục dành sự quan tâm tích cực đối với TTCK Việt Nam trong giai đoạn tới là khá lớn.
Có thể thấy, khoảng trống về dòng tiền khiến nhiều doanh nghiệp tốt cũng đang giao dịch ở mức giá rất hấp dẫn. Có thể, trong bối cảnh thông tin tích cực còn thiếu, dòng tiền trong nước vẫn sẽ tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng và khó xuất hiện dòng tiền lớn nhưng thị trường có thể xuất hiện đợt sóng đầu cơ ngắn hạn.
Trí Tri
thời báo ngân hàng
|