Bán khống chứng khoán: Khó quản hay làm ngơ?
Liên tiếp các vụ bán khống chứng khoán bị phanh phui khiến cho thị trường chứng khoán vốn đã ảm đạm càng thêm u ám. Luật hiện nay chưa cho phép bán khống. Tuy nhiên, gần đây, nhiều nhà đầu tư, tổ chức kinh doanh vẫn dễ dàng bán khống khiến thị trường chứng khoán nghiêng ngả. Liệu có kẽ hở quản lý khiến việc bán khống trở nên dễ dàng đến thế.
Ai cũng có thể bán khống?
Theo lý giải từ cơ quan quản lý, việc mua bán cổ phiếu trên sàn hiện có bộ phận tự doanh công ty chứng khoán, bộ phận đầu tư của công ty quản lý quỹ và các nhà đầu tư. Trên thị trường hiện có gần một triệu tài khoản kinh doanh chứng khoán, trong đó có 80% là của nhà đầu tư cá nhân. Vì thế, để tìm ra thủ phạm bán khống ở thị trường không phải là dễ với cơ quan quản lý.
Tuy nhiên, hiện nay, Trung tâm Lưu ký chứng khoán đã quản lý đến tận nhà đầu tư. Chính vì thế, việc nhà đầu tư cá nhân bán khống khó xảy ra, trừ trường hợp cho vay mượn lẫn nhau theo thỏa thuận bên ngoài để bán khống.
Nghĩa là nhà đầu tư A có cổ phiếu trong tài khoản cho nhà đầu tư B vay mượn cổ phiếu đó để bán. Về kỹ thuật, A ra lệnh bán cổ phiếu, tiền vẫn về tài khoản của A nhưng thực chất sau đó A rút tiền này chuyển cho B. Bán khống cổ phiếu của nhà đầu tư B hiểu là vậy nhưng do không có gì ràng buộc và dễ phát sinh tranh chấp nên hiện các nhà đầu tư cá nhân ít tham gia thực hiện.
Còn lại từ bộ phận tự doanh các công ty chứng khoán, bộ phận đầu tư các công ty quản lý quỹ và một phần nhân viên môi giới nhận quản lý ủy thác tài khoản của nhà đầu tư cá nhân cũng tham gia. Bán khống ở mặt nào đó rất dễ xảy ra ở khối này.
Ở các công ty chứng khoán còn quản lý tiền của nhà đầu tư cùng tiền công ty trên tài khoản tổng thì việc bán khống rất dễ.
Bởi lẽ, do chưa tách bạch từng tài khoản tiền gửi nên bộ phận tự doanh công ty chứng khoán có thể mua bán cổ phiếu dễ dàng, thậm chí lấy tiền nhà đầu tư này cho nhà đầu tư khác vay. Vì việc lấy tiền nhà đầu tư mua sau đó bán đi những cổ phiếu công ty có không làm thay đổi về mặt sở hữu nếu xét về số tiền trên tài khoản tổng.
Trong số gần 100 công ty chứng khoán thì hiện có hơn 20 công ty công bố tách bạch tài khoản tiền gửi của nhà đầu tư, số còn lại vẫn còn nhập nhằng nên cũng đặt ra nhiều nghi vấn. Mặt khác, việc chưa tách bạch tiền gửi này còn khiến dư luận nghi ngờ công ty chứng khoán tiếp tay cho nhà đầu tư bán khống. Vì việc hạch toán tiền vào tài khoản nhà đầu tư trong khi không có phát sinh bán cổ phiếu là dấu hỏi.
Ngoài ra, việc công ty chứng khoán nhận ủy quyền của khách hàng chuyển tiền từ tài khoản này sang tài khoản khác cũng dễ làm phát sinh vấn đề bán khống. Gần đây, một số công ty chứng khoán mất thanh khoản, không chi trả được tiền cho nhà đầu tư là ví dụ. Ngay cả Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán SMES vừa bị bắt cũng vì nguyên nhân này.
Một dạng nữa cũng dễ phát sinh bán khống là việc các nhân viên môi giới nhận ủy thác đầu tư của nhà đầu tư cá nhân. Sau khi có được ủy quyền mua bán chứng khoán, thậm chí rút tiền từ nhà đầu tư thì nhân viên môi giới phát sinh tiêu cực.
Ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh, Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán Sen Vàng, cho rằng: Cần kiểm soát chặt hiện tượng bán khống vì bán khống chứng khoán thuộc dạng sản phẩm tài chính phái sinh. Ở các thị trường chứng khoán nước ngoài, họ cho phép hoạt động mua bán này. Tuy nhiên khi cho phép kinh doanh sản phẩm phái sinh về quyền chọn, bán khống, họ kiểm soát được rủi ro và có các quy định pháp luật chuyên ngành về tài chính chặt chẽ để quản lý. Thị trường chứng khoán Việt Nam còn non trẻ, nhất là nhà đầu tư còn hạn chế kiến thức nên hạn chế sản phẩm phái sinh như kiểu bán khống để giữ vững thị trường và tạo ra cơ chế giao dịch chứng khoán minh bạch, công bằng.
Những rủi ro tiềm ẩn
Mới đây nhất, Ủy ban chứng khoán nhà nước có công văn cấm nhà đầu tư, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, nhân viên môi giới không được bán khống cổ phiếu.
Ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban chứng khoán, cho biết hình thức nặng nhất sẽ xử lý hình sự cá nhân, tổ chức kinh doanh chứng khoán vi phạm bán khống cổ phiếu.
Bán khống nôm na là bán đi cổ phiếu mà nhà đầu tư, tổ chức kinh doanh chứng khoán không sở hữu. Luật chứng khoán và các quy định pháp luật liên quan khác hiện chưa cho phép bán khống chứng khoán. Trước đây, trong các dịp tiếp xúc nhà đầu tư, Ủy ban chứng khoán có giải thích lý do chưa áp dụng bán khống vì thị trường còn non trẻ. Nếu cho phép bán khống thì quy mô thị trường bị kích lên và khi khủng hoảng thì nguy cơ vỡ thị trường là rất lớn.
Tuy nhiên, trên thực tế, bán khống đã diễn ra rất nhiều và ngày càng trở nên trầm trọng hơn khi thị trường suy giảm và lòng tin của nhà đầu tư gặp khủng hoảng.
Một số nhóm nhà đầu tư chứng khoán có tiền lớn, quan hệ rộng đã liên kết vay cổ phiếu để bán ra theo kiểu đánh xuống. Hành động của họ mục đích là kéo theo các nhà đầu tư nhỏ lẻ không vững tâm bán tháo ra, để đến một lúc nào đó họ lại mua gom cổ phiếu giá rẻ vào trả nợ và chốt lời. Thỏa thuận bán khống chứng khoán được thực hiện bên ngoài bằng miệng dựa vào uy tín cá nhân, còn nếu có văn bản thì đó là các hợp đồng tay.
Tiến sĩ Quách Mạnh Hào, Phó Tổng giám đốc Công ty chứng khoán MB, nhận định: Bán khống sẽ khiến thị trường đi xuống nhanh hơn, nhất là khi thị trường khủng hoảng niềm tin. Tuy nhiên, cái nào cũng có mặt tốt, mặt xấu của nó. Vay mượn bán khống nếu cổ phiếu xuống thì chốt lời nhưng tăng giá thì người bán khống phải bù tiền. Ngay cả ở thị trường nước ngoài cho áp dụng sản phẩm phái sinh bán khống nhưng khi có khủng hoảng xảy ra họ cũng ngưng không cho bán khống.
Nam Phong
Diễn đàn kinh tế VN
|