Thứ Sáu, 19/10/2012 09:16

UBCK: Trọng trách lớn trong quyền hạn nhỏ!

Hy vọng trong quá trình tái cấu trúc TTCK, UBCK sẽ được trao quyền hành nhiều hơn, được đầu tư hỗ trợ về công nghệ nhiều hơn, và đặc biệt là nhận được sự cảm thông và hợp tác từ thị trường nhiều hơn thay vì những trách móc như năm 2011.

Trụ sở UBCKNN

Trên thị trường chứng khoán, dù ở thời điểm nào, người ta vẫn có thể kiếm được tiền. Điều này càng đúng tại Việt Nam, khi mà chuyện “lách luật” không phải là “đặc sản” của riêng ngành nào. Vào lúc chứng trường khó khăn như hiện nay, dưới áp lực cạnh tranh gay gắt, những bộ óc siêu việt trong nghề này đã nghĩ đủ mọi cách “lươn lẹo” để sáng tạo ra những “nghiệp vụ” mà nhà làm luật cũng chưa nghĩ ra để điều chỉnh.

Năm 2010-2011 rộ lên giao dịch mua ký quỹ (margin) trái phép. Báo chí phản ánh, nhà đầu tư (NĐT) kêu ca và cuối cùng là sự ra đời của Thông tư 74 để hợp pháp hóa nghiệp vụ này. Từ tháng 5/2012 đến nay thì xuất hiện nghiệp vụ “vay mượn chứng khoán” - mà thị trường vẫn hay đánh đồng với “bán khống”. Báo chí cũng đã phân tích và nhận diện được sự khác nhau giữa hai khái niệm.

Bán khống: CẤM! CTCK, người hành nghề chứng khoán cho mượn tiền hay chứng khoán trên tài khoản của khách hàng mà chưa được sự cho phép bằng văn bản của khách hàng: CẤM (Nghị định 85/2010)… Nhưng việc NĐT cho NĐT vay mượn chứng khoán, broker đứng giữa làm trung gian thì chưa được pháp luật nhắc đến. Có thể nhà làm luật chưa lường trước được những diễn biến thực tế để đưa hành vi này vào điều chỉnh; hoặc là họ thừa nhận và tôn trọng quyền sở hữu (gồm 3 quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt) chứng khoán của NĐT, nên chuyện NĐT cho vay, mượn chứng khoán là hợp pháp! Dù rằng, từ góc nhìn từ NĐT đi vay mượn thì rõ ràng họ đang bán thứ mình không sở hữu, và việc này góp phần đẩy thị trường lao dốc!

Ủy ban chứng khoán (UBCK) từ đầu năm 2012 đến nay dành được nhiều thiện cảm hơn của thị trường, khác hẳn với năm 2011 khi mọi dồn nén bức xúc được NĐT đổ hết lên đầu cơ quan quản lý. UBCK đã cải tiến nhiều biện pháp kỹ thuật, xây dựng các dự thảo và tạo khung pháp lý cho các sản phẩm mới như quỹ ETF, quỹ mở… và đặc biệt là tham gia chấn chỉnh các hoạt động trên thị trường, mạnh tay hơn với các hành vi vi phạm. Trong thời gian vừa qua, khi hoạt động bán khống trá hình được báo chí phản ánh dày đặc; thì ngoài việc gửi công văn răn đe đến các thành viên thị trường, UBCK còn cử “cán bộ đặc nhiệm” đóng giả NĐT để đi điều tra.

Và mới đây, một vụ “bán khống” theo kiểu “chỉ có ở Việt Nam” được phanh phui. Chứng khoán H.S.C bị phạt 105 triệu đồng, 2 nhân viên môi giới của công ty bị phạt tổng cộng là 170 triệu đồng. Vụ xử phạt này có tính răn đe mạnh khi điểm mặt chỉ tên từng cá nhân và CTCK vi phạm. Ngoài ra với H.S.C, vốn “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”, họ còn mất nhiều hơn con số 105 triệu đồng. Hiệu ứng của vụ việc là rõ nét, và nó càng được khuếch đại nhờ sự giúp sức của báo chí.

Chỉ có điều, đáng buồn là đây không phải chiến tích riêng của UBCK. Nếu như đầu tháng 9, anh Nguyễn Thế Nhân không gửi đơn đến UBCK phản ánh về vụ việc, không gửi đơn đến báo chí và không tố cáo đến Phòng cảnh sát công an kinh tế Hà Nội thì các “cán bộ đặc nhiệm” của UBCK còn phải “hoạt động ngầm” dài dài mới may ra phát hiện được một vụ.

Nhìn lại các vụ vi phạm trên thị trường chứng khoán Việt Nam, chúng ta không khó để nhận ra hầu hết các vụ việc được phát giác hoặc là vì NĐT lên tiếng khi mâu thuẫn lợi ích xuất hiện, hoặc là báo chí vào cuộc… chứ ít khi cơ quan quản lý khui ra được.

Nhưng chúng ta cũng đừng vì vậy mà lại “kết tội” bừa bãi. UBCK, trước hết cần có sự cảm thông, sau nữa là cần sự hợp tác từ thị trường. Bởi vì trong việc phát giác các hành vi vi phạm trên TTCK thì… thế giới chưa chắc đã hơn Việt Nam.

Trọng trách lớn trong quyền hạn nhỏ!

Phải cần đến “45 cuộc ghi âm lén lút các cuộc trò chuyện giữa Rajaratnam và những người cung cấp thông tin mật” trong vòng…3 năm (từ 2008-2011) thì Ủy ban chứng khoán Mỹ, may mắn làm sao, mới có đủ bằng chứng chuyển cho các công tố viên để phanh phui vụ việc giao dịch nội gián chấn động nước Mỹ năm 2011. Tức là cơ quan quản lý TTCK Mỹ, dù có quyền hành ngang với một Bộ, vẫn phải nhờ đến một “bảo bối” điều tra (vốn dĩ chỉ được phép sử dụng tại FBI, CIA) là… nghe lén thì mới phát giác ra được vụ việc này!

Còn tại Việt Nam, UBCK không có quyền hành lớn như vậy. Khi mới thành lập, UBCK là một cơ quan thuộc Chính phủ, có quyền hành ngang với một Bộ. Từ 2004, theo Nghị định 66/2004/NĐ-CP thì UBCK được chuyển về Bộ Tài chính; quyền hành vì vậy cũng giảm đi nhiều, một số việc không được quyết ngay mà phải chờ xin ý kiến cấp trên, trong khi trọng trách và nhiệm vụ thì ngày càng nặng nề. UBCK cũng không có một số quyền kiểu… nghe lén như ở bên Mỹ, nên càng khó khăn trong việc giám sát thị trường.

Chưa kể, sau hơn 12 năm ra đời và phát triển, TTCK Việt Nam vẫn chưa có một hệ thống giám sát giao dịch như rất nhiều nước trên thế giới. Hệ thống giám sát giao dịch tự động giúp phát hiện ra những dấu hiệu bất thường trong giao dịch hàng ngày, từ đó giúp cơ quan quản lý để mắt đến một hoặc một nhóm các tài khoản có dấu hiệu vi phạm pháp luật . Điều này có thể giúp phát hiện được các hành vi tạo cung cầu ảo, làm giá chứng khoán, và có thể là cả giao dịch nội gián. Ví dụ nếu có sự chuyển giao chứng khoán nhiều lần trong một nhóm các tài khoản thì hệ thống sẽ bật cảnh báo, giúp cơ quan giám sát để mắt tới nhóm tài khoản này, xem xét và thu thập bằng chứng nếu nhận thấy có bàn tay của đội lái.

Rõ ràng, với một nơi một ngày có hàng triệu giao dịch giữa hàng triệu tài khoản như trên TTCK thì hiển nhiên sức người sao có thể giám sát hết; rất cần có sự hỗ trợ của một hệ thống công nghệ thông tin như vậy. Thực tế cũng cho thấy, các vụ việc làm giá chứng khoán bị xử phạt tại Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Nhưng trong quyền hạn của mình, UBCK có lẽ cũng chỉ làm được như vậy, nhất là trong bối cảnh Ủy ban “đơn thân độc mã” gánh vác tất cả các vấn đề liên quan đến thị trường. “Hiệp hội các nhà kinh doanh chứng khoán” chỉ là cái tên gọi hoành tráng chứ chưa giúp sức nhiều cho Ủy ban trong việc giám sát, phát hiện vi phạm. Tính tự quản của thị trường vẫn còn là mục tiêu cần hướng tới.

Theo ý kiến một vị lãnh đạo của UBCK thì về lâu dài, UBCK sẽ được tách ra khỏi Bộ Tài chính, trở về thuộc Chính phủ như khi mới thành lập và sẽ được trao quyền hành nhiều hơn cho tương xứng với trọng trách mà Ủy ban đang gánh vác. Ngoài ra, một quan chức khác của UBCK cũng tiết lộ, hệ thống giám sát giao dịch tự động chắc chắn sẽ có mặt tại Việt Nam.

Vấn đề bây giờ chỉ còn là… thời gian(!?).

Kết thúc bài viết, cũng chỉ biết hy vọng trong quá trình tái cấu trúc TTCK, UBCK sẽ được trao quyền hành nhiều hơn, được đầu tư hỗ trợ về công nghệ nhiều hơn, và đặc biệt là nhận được sự cảm thông và hợp tác từ thị trường nhiều hơn thay vì những trách móc như năm 2011. Xét cho cùng, UBCK cũng như người làm dâu trăm họ!

Đoàn Xuân Thạo (Vietstock)

FFN

Các tin tức khác

>   UBCK sắp “xử” CTCK mất an toàn tài chính (19/10/2012)

>   Bán khống chứng khoán: Khó quản hay làm ngơ? (19/10/2012)

>   19/10: Bản tin 20 giờ qua (19/10/2012)

>   CMI: Đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo từ 19/10 (18/10/2012)

>   Cổ phiếu ngân hàng: Hậu “sự kiện ngày 20/8” (18/10/2012)

>   UBCK: VND phải ngừng cung cấp mới margin trong 2 tháng (18/10/2012)

>   Quy tắc cho nhà đầu tư: Đừng dự đoán tương lai (18/10/2012)

>   CTG - Cổ phiếu ngân hàng có mức sinh lời cao nhất 2012 (18/10/2012)

>   Kỳ vọng gì khi thị trường đi ngang? (18/10/2012)

>   Chậm nộp BCTC 2011, Quản lý Quỹ Nhân Việt bị phạt (18/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật